Tôi đến Đất Mũi vào những ngày cuối tháng 12 hanh hao nắng và gió. Đoạn đường từ Năm Căn xuống đến Đất Mũi hôm đó hình như chỉ có mình xe tôi xuôi chiều. Cái cảm giác lái xe trên đường một mình, hai bên là rừng ngập mặn, thoảng hoặc một xe máy chạy chiều ngược lại quả là một trải nghiệm thú vị.
Điểm đến của tôi là Đồn biên phòng Đất Mũi, đồn biên phòng nơi Cực Nam của Tổ quốc, cũng có thể nói là điểm đến xa nhất của đất nước. Khi biết tôi lần đầu và một mình lái xe xuống Đất mũi, Thiếu tá Huỳnh Văn Bảo đồn trưởng hướng dẫn tôi chỗ gửi xe rồi cho bộ đội chạy ra đón vì xe ô tô chưa thể vào tận đồn…
So với những đồn biên phòng mà tôi đã có dịp tới thì đồn biên phòng Đất Mũi có diện tích khiêm tốn hơn và hơi ít những mảng xanh cây cối. Ngay sau cổng vào là bãi tập thể lực của chiến sĩ, đơn sơ đến lạ kỳ. Nhìn bãi tập rồi nghĩ đến cái phòng tập hàng ngày của mình, bỗng thương các cậu lính trẻ. Chỉ thế thôi cũng đủ để họ rèn luyện sức khỏe, sẵn sàng xông pha bảo vệ sự bình yên của biên giới biển đảo.
Như thấy được băn khoăn của tôi, Thượng tá Lê Hoàng Phúc, Chính trị viên giãi bày: “Ở đây khó tăng gia sản xuất trồng cây lắm chị ạ. Khi nước lên là ngập hết sân đồn, chỉ những cây nào chịu mặn mới trồng được. Để trồng rau cải thiện bữa ăn cho bộ đội chúng tôi phải lên liếp cao, nhưng không phải mùa nào rau cũng lên được. Mùa này đang là mùa nước lên, hôm nay nhà báo may lắm vì được hôm nước cạn, chứ bình thường là lội bì bõm, xe chạy về không rửa ngay kiểu gì cũng bị rỉ sét”.
Đồn biên phòng Đất Mũi đóng quân trên địa bàn xã Đất Mũi và chịu trách nhiệm bảo vệ vùng biên giới của đất nước thuộc địa bàn hai xã Đất Mũi và Viên An với 45,9km ba mặt giáp biển. Do đặc thù địa giới, đường tuần tra của bộ đội ở đây đa phần trên biển hoặc băng rừng ngập mặn. Để đi hết một vòng cũng phải mất cả ngày, gặp khi thời tiết không thuận lợi, bộ đội phải cắm trại ngủ lại trong rừng là chuyện bình thường. Cũng là một cách rèn luyện cho sẵn sàng chiến đấu.
Ngoài việc đảm bảo giữ gìn an ninh biên giới, thì với đặc thù một đồn biên phòng giáp biển, bộ đội ở đây còn tham gia vào rất nhiều công việc điều phối khác liên quan đến ngư dân, cả người trên địa bàn đến người nơi khác đến, thêm cả ngư dân nước ngoài. Ngay lúc chúng tôi đang ngồi nói chuyện, một chiến sĩ vào báo cáo, có điện báo mới phát hiện một ngư dân gạp nạn, tàu mang biển số tỉnh khác, nhờ chỉ huy đồn hỗ trợ tìm kiếm thông tin chủ tàu.
Chỉ với vài thông tin rời rạc, một con số đuôi của biển kiểm soát tàu cá, các anh lại tất bật điện đàm tìm kiếm. “Việc nó vậy chị ạ. Ngư dân mình bị nạn, mình làm ngơ đâu đành, càng tìm được thông tin sớm thì càng mau đưa người ta về nhà, âu cũng là an ủi phần nào cho gia đình. Mà đâu kể là ngư dân mình, biết bao lần ngư dân nước bạn gặp nạn tấp vào cầu cứu, chúng tôi cũng đều giúp hết mình. Lo ăn uống, nghỉ ngơi rồi liên lạc để nước bạn đón họ về. Mình làm thế cũng là để họ thấy, người Việt Nam mình luôn trọng nhân nghĩa, yêu hòa bình, tương thân tương ái”- Đồn trưởng Huỳnh Văn Bảo chia sẻ.
Ở đồn này cán bộ chiến sĩ đều còn khá trẻ. Ngoài vài người có vẻ đã hơi cứng tuổi thì từ đồn trưởng đến cán bộ đều còn hừng hực sức thanh xuân. Nếu như lớp chiến sĩ nghĩa vụ đều là lính địa phương có gia đình ở Cà Mau thì lớp cán bộ, sĩ quan lại từ nhiều vùng miền đất nước. Đóng quân xa nhà, làm sao để cân bằng nhu cầu tình cảm gia đình và nghĩa vụ với Tổ quốc là điều không đơn giản.
Tết đến, những ai nhà ở xa, miền bắc miền trung sẽ được ưu tiên cắt phép về thăm gia đình, người ở gần cũng vài trăm cây số nhưng cũng chẳng lấy đấy làm nề hà. Với họ, được chia sẻ gánh vác cùng nhau cũng là một điều hạnh phúc. Đồn là nhà, họ là gia đình của nhau.
Nguyễn Văn Minh, thiếu úy trẻ mới tốt nghiệp Trường sĩ quan lục quân 1, được điều về đồn biên phòng Đất Mũi là đơn vị đầu tiên trong sự nghiệp quân ngũ. Minh kể: “Lúc đầu nhận nhiệm vụ về đồn cháu cũng hoang mang lắm. Em học bộ binh, về biên phòng nhiều cái chưa biết phải học lại từ đầu, cứ nghĩ chẳng biết có trụ được không. Nhưng sức trẻ, theo yêu cầu của Tổ quốc thì cứ phải đi thôi.
Vào đây, các anh rất tình cảm, thân thiết và dễ gần nên cháu thích nghi nhanh, người dân xung quanh lại cởi mở, thân thiện nên càng dễ hòa đồng, giờ em đã thấy thân thuộc lắm rồi. Có khi gặp được cô gái nào, yêu và lấy vợ chắc lập nghiệp ở đây luôn”- Ánh mắt cậu sĩ quan trẻ lấp lánh.
Tôi hỏi Chính trị viên Phúc về cư dân nơi đây. Họ đa phần làm nghề biển. Chủ ghe cũng có một số người, đa phần là đi bạn cho các ghe, làm công ăn lương, lớp nữa là làm khô để bán. Một số không thạo nghề biển lại không vốn liếng thì đi khai thác sản vật từ các bãi bồi ven biển, nào ba khía, nào còng, nào vọp rồi cả cá thòi lòi, ốc móng tay…
Vùng này sản vật từ biển nhiều, cứ chịu khó thì không thể đói, biết tích cóp có khi còn tích lũy được tài sản trong tay. Không còn hộ nghèo nhưng hộ cận nghèo và khó khăn cũng còn nhiều. Bởi nghề biển không chỉ phụ thuộc vào việc siêng năng mà còn tùy thuộc vào ông trời, con nước. Trời thương thì đủ đầy khác giả, dĩ lỡ một chuyến có khi trắng tay. Được cái dân ở đây hiền hòa thiệt tình, quen mặt từng anh bộ đội, có khăn gì cũng san sẻ cùng nhau.
Như khơi đúng nguồn, anh Phúc kể cho tôi nghe không ngớt chuyện những người dân nơi đây, chuyện nghĩa tình quân dân sau trước, chuyện chương trình “Xuân Biên phòng, ấm lòng dân biển” mà bộ đội phối hợp với các ban ngành lo Tết cho dân hàng năm.
Anh kể: “Cứ gần Tết là chúng tôi cùng các ban ngành trên địa bàn vận động thêm mạnh thường quân, gói bánh tặng quà cho các gia đình nghèo, các gia đình chính sách. Quà thì cũng chưa gọi là nhiều, đủ để mỗi gia đình có một vài bữa cơm xum họp gia đình, nhưng cả người tặng và người nhận đều thấy vui và ấm áp lắm chị à. Từ lúc đi mua lá, mua gạo chuẩn bị gói bánh là tất cả quân dân ở đây đã chộn rộn lắm rồi. Người dân thì vui vì được quà, còn chúng tôi khi được tự tay gói từng tấm bánh, cũng thấy như đang được sum vầy cùng gia đình mình. Chiến sĩ cũng vì vậy mà đỡ nhớ nhà, thêm gắn kết với đơn vị, địa phương”.
Chuyện miên man rồi lại cùng lang thang ra cột mốc, cùng lên cột cờ, cùng ra mũi biển, đi một dọc tuyến tuần tra, chẳng mấy chốc mà hết quỹ thời gian. Tiếc nuối vì chưa thể khám phá hết vẻ đẹp của nơi này, dải đất tận cùng của Tổ quốc. Tôi hẹn với các anh một ngày sắp tới, sẽ lại tới thăm nơi này, sẽ cùng vào rừng tuần tra, sẽ lại xuống thăm những gia đình mộc mạc thân thương mà mặn mòi hương biển…