Một liên doanh cảng biển giữa Việt Nam và Ucraina sau nhiều năm hoạt động hiệu đã phát sinh nhiều đơn thư khiếu kiện. Thanh tra Bộ Công Thương cũng từng thanh tra và có kết luận, nhưng nhiều vấn đề ở liên doanh này vẫn chưa được làm rõ.
Theo đơn thư phản ánh gửi tới báo Công lý và cơ quan chức năng, Công ty liên doanh Bông Sen (Cảng Lotus) là liên doanh giữa Công ty Cổ phần giao nhận kho vận Ngoại thương (Vietrans) thuộc Bộ Công Thương Việt Nam và Công ty tàu Biển Đen (Blasco) của Ucraina từ năm 1991, trong đó Vietrans chiếm 63 % vốn. Hiện nay Vietrans đang được Bộ Công Thương “làm thủ tục” chuyển sang cho Tổng Công ty Đầu tư và Quản lý vốn Nhà nước (SCIC) quản lý.
Đơn thư phản ánh cho biết, tại công ty này, việc quyết định mua 2 cần cẩu cho Cảng Lotus nhưng chỉ đưa vào sử dụng một cái, còn một cái để nằm "chỏng chơ" chiếm nhiều diện tích kho bãi. Chiếc cần cẩu đưa vào sử dụng liên tục hư hỏng, sửa chữa rất tốn kém và rất ít khi hoạt động vì cảng không có nhiều tàu container vào làm hàng. Cái còn lại nằm tại bãi từ năm 2009 đến nay gây ảnh hưởng đến hoạt động của cảng Lotus.
Sai phạm này đã được Bộ Công Thương kết luận tại “Kết luận nội dung tố cáo” số 5609 ngày 17/7/2018 do Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng ký. Theo đó, tiền mua 2 cần cẩu cũ: 49.094.494.758 đồng; phạt lãi chậm trả: 41.475,18 USD; lãi vay ngân hàng: 32.095.391.095 đồng. Tuy nhiên, tổng thiệt hại cụ thể là bao nhiêu chưa được kết luận thanh tra làm rõ.
Bản kết luận nêu rõ: Nội dung tố cáo một cần cẩu đưa vào sử dụng thì luôn bị hư hỏng, còn một cái để trong kho bãi phải trả lãi vay ngân hàng gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng là có cơ sở. Kết luận nêu rõ: Xác định trách nhiệm và có hình thức xử lý đối với ông Thái Duy Long, Chủ tịch HĐQT Lotus đồng thời là Tổng Giám đốc Vietrans thời điểm 2009 quyết định đầu tư mua hai cần cẩu khung nâng container đã qua sử dụng mà không lấy ý kiến của lãnh đạo Vietrans dẫn đến việc đầu tư kém hiệu quả, gây lãng phí vốn đầu tư và phải trả lãi vay ngân hàng do đó ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của Lotus và cổ tức được chia của các cổ đông góp vốn trong kinh doanh.
Vẫn theo đơn thư, việc chuyển 5ha bãi chứa hàng của Công ty liên doanh Bông Sen (Cảng Lotus) cho “sân sau” là Công ty cổ phần Hàng hải Bông Sen cũng ẩn chứa nhiều khuất tất. “5ha đất của Cảng Lotus đã được UBND thành phố HCM cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 31/8/2006 và Quyết định gia hạn sử dụng đất số 2848/ QĐ-UBND ngày 02/7/2010, thời hạn sử dụng đến 31/8/2031. Nhưng đến năm 2015, HĐQT Lotus đã chuyển 5ha đất trên cho Công ty cổ phần Hàng hải Bông sen, việc thành lập công ty sân sau để từng bước chiếm đoạt tài sản Nhà nước” – đơn thư phản ánh.
Nội dung này cũng đã được Bộ Công thương đề cập trong bản kết luận: "Việc chuyển nhượng sở hữu công trình trên 5 ha đất này cho Công ty cổ phần Hàng hải Bông Sen là đúng thực tế". Tuy nhiên, đơn thư tố cáo của ông Thái Duy Long, Chủ tịch HĐQT và ông Phạm Huy Minh, Tổng Giám đốc dùng 5 ha đất kho bãi Cảng Lotus để góp vốn vào Công ty Cổ phần Hàng hải Bông Sen với mức giá rẻ là không đủ cơ sở.
Cần cẩu và kho bãi đầu tư gây lãng phí của Công ty liên doanh Bông Sen
Ngoài ra, đơn thư phản ánh việc thoái vốn của Nhà nước tại Công ty cổ phần hàng hải Bông Sen không qua thẩm định giá, không thông qua đấu giá và bán dưới giá trị thực gây thất thoát lớn. Khi mới thành lập Công ty Cổ phần hàng hải Bông Sen thì Cảng Lotus có 49% cổ phần nhưng các lãnh đạo công ty là các ông Phạm Huy Minh và Thái Duy Long đã quyết định bán 44% cổ phần và chỉ giữ lại 5%. Điều này khiến nhiều cổ đông nghi ngờ tại sao công ty cổ phần đang có lợi nhuận rất lớn, mỗi năm được chia cổ tức 40% nhưng lại bán cổ phần đang thu lợi lớn này? Số tiền bán cổ phần này không nhằm mục đích mở rộng hay phát triển Cảng Lotus mà có lẽ chỉ nhằm mục đích thâu tóm cổ phần. Hơn nữa, cổ phần có lợi nhuận lớn 40%/năm tức là chỉ thu hồi vốn sau 30 tháng nhưng dư luận cho rằng nó lại được bán với giá rất thấp, không qua thẩm định giá và đấu giá công khai.
Tại bản kết luận, Bộ Công Thương kiến nghị “xác định rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân, đơn vị và có hình thức kỷ luật trong việc thực hiện thoái vốn tại Công ty cổ phần hàng hải Bông Sen không thuê đơn vị tư vấn thẩm định giá làm cơ sở xác định giá khởi điểm để bảo toàn vốn Nhà nước…”.
Liên quan đến sự việc này, được biết, Bộ Công an Ucaina đã bắt một nhóm tội phạm giả mạo giấy tờ để sang hoạt động ở Cảng Lotus và nhận tiền phi pháp, gây thiệt hại cho tài sản nhà nước của Ucraina. Đầu năm 2019, được biết, Cục Bảo vệ Kinh tế thuộc Cảnh sát Quốc gia Ucraina đã có đề nghị thông qua công hàm của Đại sứ quán Việt Nam tại Ucraina gửi Bộ Công an Việt Nam để được hỗ trợ điều tra vụ việc. Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) Bộ Công an Việt Nam cũng có yêu cầu liên doanh cung cấp tài liệu, thông tin để xác minh.
Tại bản yêu cầu hỗ trợ pháp lý quốc tế trong tố tụng hình sự mà Cục Bảo vệ Kinh tế thuộc Cảnh sát Quốc gia Ucraina gửi phía Việt Nam đã đề cập hàng loạt vấn đề nghi vấn. Trong đó, có rất nhiều nội dung trùng với nội dung đơn thư tố cáo đã được Thanh tra Bộ Công thương xử lý.
Điều khiến dư luận thắc mắc là sự việc này có nhiều dấu hiệu sai phạm lớn nhưng chưa được làm rõ và quy trách nhiệm; nhất là những vấn đề liên quan đến các ông Phạm Huy Minh - Tổng Giám đốc Công ty liên doanh Bông Sen từ 2007 đến nay, ông Thái Duy Long - Chủ tịch HĐQT Lotus từ 2001 đến 2018; ông Phạm Trường Giang - Chủ tịch HĐQT Vietrans và Lotus.
Trao đổi với phóng viên về sự việc, bà Nguyễn Thị Tuyết, Phó phòng Thanh tra, Bộ Công Thương cho biết, tháng 7/ 2018, Thanh tra Bộ đã xác minh theo đơn tố cáo và có kết luận sự việc. Trong đó, Thanh tra xác định một số vấn đề về việc có gây thiệt hại tài sản. Vấn đề xử lý sau thanh tra, bà Tuyết cho biết không nắm được.
Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin về sự việc.