Đời sống

Những cựu binh làm giàu trên vùng đất khó

Gia Ân-Kế Kiên 16/10/2023 - 06:52

Từ vùng đất xa xôi, khô cằn sỏi đá, những cựu binh trên mảnh đất rẻo cao Quỳ Châu (Nghệ An) đã vượt qua nhiều khó khăn, vất vả để tạo dựng nên cho mình cơ ngơi hàng trăm triệu đồng.

Đất không phụ lòng người

Được sự giới thiệu của Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện miền núi Quỳ Châu – Nghệ An, chúng tôi tìm đến nhà Cựu chiến binh Vi Văn Thuyên, sinh năm 1964 - một trong những tấm gương CCB vượt khó, làm kinh tế giỏi của huyện. Thấy khách, ông Thuyên niềm nở tiếp đón với phong thái nhanh nhẹn, hoạt bát đậm chất người Thái Quỳ Châu.

Đất rừng Phá Hau, thời điểm đầu những năm 90 của thế kỷ trước chủ yếu là cây lau, lách, cỏ sậy mọc, còn hoang hóa, đất cấy lúa, trồng trọt cho năng suất thấp. Vì vậy, cuộc sống gia đình ông Vi Văn Thuyên lúc nào cũng túng thiếu, 5 ha đất ông mua lúc ấy chủ yếu là để trồng mía mà giá bán lại không cao.

ccb-3.jpg
Sau bao năm miệt mài lao động cho đến hôm nay gia đình ông Quyền đã có được mô hình kinh tế VACR mang lại lại thu nhập ổn định

Sau nhiều đêm trăn trở, suy nghĩ, ông quyết định vay thêm của Ngân hàng chính sách (NHCS) cho vay hỗ trợ hộ nghèo. Ông vay 50 triệu đồng cùng vốn liếng tích góp được mở rộng diện tích trồng keo kết hợp chăn nuôi trâu bò, thả cá trên diện tích đất của mình. Những năm đầu trồng cây, nuôi cá đều cho năng suất thấp, do thời tiết khô hạn. Tuy nhiên, ông Thuyên không nản lòng và bỏ cuộc giữa chừng mà tập trung đầu tư tiền của, công sức tiếp tục cải tạo đất trồng để sản xuất. Đất không phụ lòng người, 3 năm trở lại đây, năm nào gia đình ông Thuyên cũng bội thu. Hiện nay, ông có 5 ha ao cá; 8ha keo; 20 con trâu bò, kết hợp chăn nuôi thêm lợn, gà vịt bản địa…. Mô hình này mỗi năm cho thu nhập từ 120 đến 150 triệu đồng.

Còn đối với CCB Nguyễn Công Hiếu, từ bản lĩnh, ý chí vượt mọi khó khăn của Bộ đội Cụ Hồ, gia đình ông đã từng bước vươn lên thoát nghèo, thay đổi cuộc sống, đồng thời góp phần xây dựng quê hương Quỳ Châu ngày càng giàu đẹp.

Năm 1995 thực hiện chủ trương của Nhà nước về giao đất, giao rừng cho nông dân quản lý, chăm sóc và bảo vệ rừng tại khu vực khe “Cày Tò” thuộc địa phận quản lý địa giới hành chính của xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu. Bản thân và gia đình ông Hiếu đã phát hiện thấy khu vực đất rộng lớn, bằng phẳng có nhiều lợi thế để canh tác sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi và làm ao thả cá...Để thực hiện ước nguyện, gia đình đã bàn bạc và quyết định khai hoang đất đai để trồng lúa nước, đào ao thả cá được một thời gian khá lâu.

ccb-2.jpg
Nhờ mô hình VACR tổng hợp, cựu binh Nguyễn Công Hiếu đã thu về 1,3 tỷ đồng; thu nhập bình quân đạt 15,9 triệu đồng/người/tháng

Tuy nhiên với diện tích đất 2 lúa và đất màu còn ít, manh mún và việc chăn nuôi gia súc đang còn gặp nhiều khó khăn về các nguồn lực để đầu tư cho nên hiệu quả kinh tế thu nhập cho gia đình chưa cao. Không bằng lòng với những kết quả kinh tế bước đầu đã thu được, đến cuối năm 2021, gia đình đã làm đơn xin vay một số vốn từ Ngân hàng CSXH huyện với số tiền là 150 triệu đồng.

Từ nguồn vốn này, gia đình ông Hiếu đã đầu tư mua một số máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp như: Máy tuốt lúa, máy xay xát, máy đập bột, xe ba gác và mua thêm bò giống, lợn giống để phát triển chăn nuôi gia súc. Đồng thời, khai hoang thêm đất màu và mở rộng thêm diện tích ao cá xây dựng, nâng cấp chuồng trại chăn nuôi. Đến năm 2023, nhờ mô hình này, gia đình ông đã thu về 1,3 tỷ đồng; thu nhập bình quân 15,9 triệu đồng/người/tháng.

“Bà đỡ” Ngân hàng chính sách xã hội đã giúp nhiều cựu binh thoát nghèo

Cũng chọn mảnh đất thị trấn Tân Lạc làm nơi lập nghiệp, CCB Phạm Ngô Quyền (sinh năm 1968), khối Tân Hương, thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu vẫn không thể quên những tháng ngày khó khăn sau khi rời quân ngũ. Trở lại mảnh đất Tân lạc, không có việc làm ổn định, ông đã làm đủ thứ việc để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Rồi cơ duyên đưa ông đến làm chăn nuôi đại gia súc và trồng rừng để phát triển kinh tế hộ gia đình.

ccb-5.jpg
Ông Quyền đã mạnh dạn vay 100 triệu từ Ngân hàng CSXH huyện Quỳ Châu để đầu tư vào việc khai hoang đất đai sản xuất, xây nhà ở và lập nghiệp lâu dài trên mảnh đất này.

Bằng con mắt của người lính ông phát hiện thấy đây là một khu vực đất rộng lớn, bằng phẳng có nhiều lợi thế để canh tác sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi và làm ao thả cá....

Với địa hình đất đai rộng lớn, diện tích trên 4 ha, có rất nhiều lợi thế như: cây cối, cỏ dại tự nhiên phong phú, đa dạng rất phù hợp cho chăn nuôi đại gia súc kết hợp trồng rừng, làm kinh tế trang trại tổng hợp, phát triển kinh tế hộ, làm giàu chính đáng.

Để thực hiện kinh tế trang trại tổng hợp đó phải đầu từ một số tiền rất lớn, khó khăn lại chồng chất khó khăn. Thế rồi ông đã bàn bạc với gia đình, bạn bè, làng xóm và xin ý kiến của chính quyền địa phương. Sau khi được sự hậu thuẫn của gia đình và chính quyền ông Quyền đã mạnh dạn vay 100 triệu từ Ngân hàng CSXH huyện Quỳ Châu để đầu tư vào việc khai hoang đất đai sản xuất, xây nhà ở và lập nghiệp lâu dài trên mảnh đất này.

Sau bao năm miệt mài lao động cho đến hôm nay gia đình ông đã có được mô hình kinh tế VACR mang lại lại thu nhập ổn định hàng năm cho gia đình, giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động.

Hiện nay, quy mô trang trại của gia đình ông có tổng diện tích 4,15 ha. Đất sản xuất nông nghiệp (Lúa, ngô, lạc) 0,5 ha; Đất lâm nghiệp (đã trồng keo) 03 ha; thu nhập bình quân đạt 40 triệu đồng; Diện tích đất trồng mía, cỏ voi và rễ Hương 0,5 ha; thu nhập bình quân đạt 40 triệu đồng.

Tổng thu nhập từ chăn nuôi gia súc gia cầm trong năm đạt 80 triệu đồng (mỗi năm bán khoảng 03 con bê giống loại giống bò lai 3B). Nhờ đó, cuộc sống gia đình ngày càng khá giả, thu nhập ổn định, nhà cửa được xây dựng khang trang, hai người con của ông đã có việc làm ổn định

Ông Phạm Ngô Quyền chia sẻ: “Phát huy từ những kết quả đã đạt được với những kinh nghiệm đã được tích lũy được trong thời gian qua, trong thời gian tới, gia đình tôi sẽ tiếp tục đầu tư nâng cấp mô hình trang trại, như tu sữa, nâng cấp lại chuồng bò, mở rộng thêm diện tích ao cá và nuôi thêm một số gia súc khác như trâu, dê. Đặc biệt, gia đình tôi sẽ đầu tư nuôi bò giống lai (bò 3B), chất lượng cao vào chăn nuôi để nâng cao hiệu quả kinh tế. Đồng thời, mở rộng một số diện tích cây bản địa như cây quế, cây lát hoa và cây xoan nhằm nâng cao độ che phủ cho rừng, hạn chế xói mòn đất”.

Có thể nói, bằng các các chương trình phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, Hội CCB huyện Quỳ Châu đã tuyên truyền cho cán bộ, hội viên thực hiện phát triển kinh tế từ việc trồng rừng nguyên liệu, trồng các loại cây ăn quả cho đến tận dụng ao hồ mặt nước để nuôi cá, tăng đàn gia súc, gia cầm đều được các CCB áp dụng. Qua đó, đóng góp một phần vào phát triển kinh tế - xã hội chung của địa phương, số hộ khá, giàu không ngừng tăng lên, đời sống gia đình của hội viên Hội CCB ngày một khấm khá.

ccb-1.jpg
Cựu chiến binh Vi Văn Thuyên đã cùng với gia đình từng bước vượt qua khó khăn và vươn lên làm giàu ngay trên vùng đất khó

Điều đặc biệt đáng nói là, từ công tác ủy thác của NHCSXH, đến nay vốn vay ủy thác thông qua ngân hàng CSXH đạt 101 tỷ đồng, các hộ vay sử dụng vốn vay đúng đối tượng, đúng mục đích, hiệu quả, vốn nội bộ cho nhau vay 652 triệu đồng, các mô hình sản xuất kinh doanh – dịch vụ do CCB làm chủ cơ bản giữ được ổn định, tạo việc làm thường xuyên cho gần 100 lao động. Toàn huyện Quỳ Hợp có 11 hộ hội viên được công nhận danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi năm 2022.

Ông Lữ Văn Thái, Phó Chủ tịch Hội CCB huyện Quỳ Châu cho biết thêm: “Những cựu chiến binh trên địa bàn huyện Quỳ Châu là những tấm gương sáng trong phát huy truyền thống của bộ đội Cụ Hồ, biết vượt qua bao khó khăn, thử thách để vươn lên làm giàu. Những năm qua, nhiều hộ gia đình cựu chiến binh có nguồn thu nhập ổn định từ mô hình trồng sản xuất đa cây con kết hợp. Họ xứng đáng là tấm gương điển hình trong vượt khó, làm giàu và là tấm gương tiêu biểu trong “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” ở địa phương”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những cựu binh làm giàu trên vùng đất khó