Khi nói đến phiên tòa, nhiều người thường nhắc đến Thẩm phán, Kiểm sát viên hay luật sư mà ít ai đề cập đến vai trò của những Thư ký Tòa án - người đóng vai trò quan trọng trong việc tiến hành tố tụng tại mỗi phiên tòa.
Họ vừa giúp việc cho Thẩm phán đưa ra những phán quyết chính xác và vừa ghi chép, tống đạt văn bản tố tụng…
Sự cống hiến thầm lặng
Nói đến những công việc của ngành toà án, người ta hay nói đến Thẩm phán – người phán quyết tại mỗi phiên xét xử, nhưng ít ai biết đến công việc thầm lặng của Thư ký toà án. Từ việc chuẩn bị hồ sơ hoàn chỉnh mở một phiên toà đến việc giải quyết sự khúc mắc trong hoạt động xét xử - đương sự không đến phiên tòa chỉ gửi đơn qua đường bưu điện hay phiên toàn sắp diễn ra đương sự không đến do buộc phiên tòa phải hoãn. Để có thể tiếp tục mở lại phiên tòa đòi hỏi người thư ký phải đến tận nhà xác minh, tìm hiểu lý do, để từ đó có thể báo cáo lại cho Thẩm phán để ra những quyết định đúng đắn nhất.
Thư ký phiên tòa
Bên cạnh đó, việc khó khăn nhất của thư ký là khi đi xác minh, tống đạt hồ sơ giấy tờ, rất cần sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan có thẩm quyền tại địa phương. Trên thực tế khi làm việc với chính quyền địa phương như ủy ban phường, công an phường thì phải chờ kết quả xác minh của chính quyền sở tại cũng gây ảnh hưởng nhiều đến thời gian giải quyết vụ án. Cùng với đó là sự không hợp tác của các đương sự cũng gây khó khăn cho việc tống đạt, xác minh hồ sơ giấy tờ. Có trường hợp đương sự chống đối bằng cách dù đang ở tại địa chỉ đấy nhưng từ chối không nhận văn bản, nên phải cùng chính quyền địa phương niêm yết công khai tại địa chỉ nhà, trụ sở chính quyền địa phương, trụ sở tòa án nhưng đến khi xử xong rồi mới lên khiếu nại là không biết việc xét xử vì tòa không thông báo cho họ.
Chia sẻ về “nghề” thầm lặng trong mỗi phiên toà, chị Dương Thị Bảo Vân – Thư ký TAND tỉnh Tây Ninh cho biết: "Thư ký toà án là công việc khá áp lực, nhất là đối với những phụ nữ trẻ. Khi mới bắt đầu công việc, khá lúng túng và lo lắng. Công việc thực tế luôn phức tạp hơn lý thuyết học ở trường. Bản thân phải phấn đấu, học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước và nghiên cứu tài liệu, văn bản để nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, cố gắng giúp Thẩm phán giải quyết án nhanh chóng, đúng pháp luật".
Theo chị Vân, mỗi phiên toà là cơ hội cho Thư ký rút ra được nhiều kinh nghiệm, từ chuyên môn đến kỹ năng sống. Luật thì chỉ có một nhưng đương sự, tình tiết vụ án, vụ việc khác nhau đã tạo nên những trải nghiệm khác biệt. Làm sao phải nhanh chóng nắm bắt được tâm lý đương sự để khâu hòa giải đối thoại trước khi mở phiên tòa hay kể cả sau khi vụ án thụ lý được giải quyết một cách hài hòa và hiệu quả nhất, đặc biệt là đối với các vụ án dân sự mới góp phần nâng cao chất lượng xét xử.
Thực tế cho thấy, trong nhiều vụ án dân sự, khi các đương sự đuối lý, thường làm nhiều cách để kéo dài phiên tòa, nên đưa ra nhiều tình tiết mới bắt buộc tòa phải đi xác minh và đó là việc của Thư ký toà án. Họ phải tiến hành tống đạt, làm việc với các cơ quan hành pháp khác. Ví dụ như công an phường nơi đương sự cư trú và thông thường công an khu vực, hoặc cán bộ quản lý về hộ tịch thường làm việc buổi tối nên đa phần thư ký phải làm thêm ngoài giờ hành chính để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Có những vụ án khi tiến hành xem xét thẩm định, một số đương sự có những hành vi lời lẽ xúc phạm, thậm chí không hợp tác khóa cửa không cho vào làm việc hoặc cố tình lẩn tránh gây khó khăn. Người thư ký phải giữ bình tĩnh, lắng nghe và tìm cách thuyết phục và cố gắng giải thích cặn kẽ cho đương sự hiểu, hợp tác...
Thư ký Tòa phải rèn luyện, trau dồi kiến thức, kỹ năng
Thư ký Toà án là người giúp việc cho Thẩm phán với nhiệm vụ ghi chép, tống đạt văn bản tố tụng, nhận, giữ, sắp xếp, chuyển hồ sơ, hướng dẫn, phổ biến cho đương sự và nhiều công việc khác để đảm bảo cho Thẩm phán thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật. Mỗi ngày, các Thẩm phán đều phải giải quyết, xét xử rất nhiều vụ, việc với độ nghiêm trọng từ thấp đến cao nên dễ mắc sai sót. Chính vì lẽ đó, Thư ký Toà án được xem như là "cánh tay phải" của một Thẩm phán để giúp cho mọi công việc được xử lý nhanh gọn hơn.
Công việc mà Thư ký thường chuẩn bị tại mỗi phiên tòa thường là chuẩn bị các công tác nghiệp vụ cần thiết trước khi khai mạc phiên tòa. Phổ biến nội quy phiên toà và kiểm tra, báo cáo với Hội đồng xét xử danh sách những người được triệu tập đến phiên tòa. Đồng thời Thư ký phải ghi biên bản phiên tòa, phiên họp, biên bản lấy lời khai của người tham gia tố tụngđược quy định cụ thể tại Luật Tổ chức Tòa án.
Ngoài ra, chức năng nhiệm vụ của Thư ký trong từng loại án được quy định tại Bộ luật Tố tụng Hình sự, Bộ luật Tố tụng Dân sự, Luật Tố tụng Hành chính và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan khác. Khi trở thành một Thư ký Toà án được tiếp xúc liên tục với các phiên toà nên sẽ thu thập nhiều kinh nghiệm cả về nghiệp vụ chuyên môn lẫn kinh nghiệm sống. Đặc biệt sau nhiều năm công tác, phấn đấu trong vị trí Thư ký Toà án có thể được xem xét, cử đi học và trở thành Thẩm phán.
Thực tế cho thấy đã có nhiều Thẩm phán đã tự vươn lên phấn đấu và đi học từ nghề thư ký tòa án. Ví dụ như mới đây TAND TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức lễ công bố quyết định bổ nhiệm chức danh thẩm phán trung cấp và sơ cấp cho 5 thư ký tại TAND các quận huyện. Ông Nguyễn Thành Vinh - Chánh án TAND quận 1 cho biết: Chính những áp lực và những vụ việc khó, phức tạp đã giúp cho các thư ký nhanh chóng trưởng thành, vững vàng hơn trong nghề nghiệp. Họ làm việc tốt, cầu tiến, chịu khó học hỏi, hoàn thành tốt công việc của mình trong thời gian làm thư ký”.
Được bổ nhiệm Thẩm phán từ vai trò là thư ký toà án, anh Đỗ Quốc Đạt, Chánh án huyện Bình Chánh cho biết: Chính tình yêu nghề, nhiệt huyết với nghề sẽ giúp các thư ký vượt qua được những khó khăn trong công việc để trưởng thành. Nhớ lại ngày làm thư ký toà án, một mình giúp việc cho nhiều Thẩm phán, công việc bộn bề, hồ sơ nhiều tới nỗi ở lại làm thêm đến 9 - 10 giờ tối là chuyện bình thường. Chính nhờ thời gian đó, tôi đã ở lại tự mày mò, học hỏi thêm trên từng hồ sơ, nhất là những hồ sơ phức tạp. Đến khi bước chân sang vị trí công tác mới này, tôi không hề thấy chơi vơi, lo lắng mà lại tràn trề niềm say mê háo hức được vận dụng những điều mình đã học vào thực tiễn công tác.
Công việc Thẩm phán đòi hỏi ngoài chuyên môn nghiệp vụ, cần phải có kinh nghiệm sống, kinh nghiệm xã hội và rất nhiều kỹ năng mềm. Do đó trong quá trình làm nghề thư ký đòi hỏi sự chủ động học hỏi, tự nâng cao năng lực bản thân để hoàn thành công việc, cũng như phấn đấu trở thành Thẩm phán sau này.
Với cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang thay đổi mạnh mẽ nhiều mặt của đời sống xã hội, khoa học công nghệ đang dần thay thế con người trong nhiều lĩnh vực. Vì vậy, thư ký Tòa án nói riêng cũng như toàn thể cán bộ, công chức, người lao động ngành Tòa án nói chung cần phải rèn luyện, trau dồi kiến thức, kỹ năng để có đủ bản lĩnh chính trị, có trình độ chuyên môn cao, có năng lực tư duy và hoạt động thực tiễn hiệu quả để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư” như lời Bác Hồ đã từng căn dặn ngành Tòa án nhân dân.