Tò he là một trong số ít những trò chơi dân gian còn lưu truyền đến ngày nay.
Từ một đồ chơi dân gian thuần chất thôn quê, tò he đã đi vào đời sống tinh thần của biết bao thế hệ người Việt Nam, trở thành miền kí ức đẹp trong tuổi thơ của mỗi người.
Tò he là cả một miền ký ức tuổi thơ. Ảnh: Việt Nguyễn
Ban đầu, người ta gọi tò he là đồ chơi chim cò bởi tò he được nặn thành hình con chim, con cò… những con vật gần gũi với đời sống của cư dân nông nghiệp. Sau này, sản phẩm thường gắn với một chiếc kèn ống sậy, khi thổi lên có tiếng kêu ngắt quãng tò… te… tò… te. Có lẽ vì thế người ta gọi là “tò te”, sau nói chệch thành “tò he”.
Ðể nặn ra tò he chỉ cần những nguyên liệu rất đơn giản, gần gũi với cuộc sống nông dân như: bột gạo, phẩm màu, que tre. Không chỉ là một thứ đồ chơi dân gian được làm nên từ những hạt gạo quê hương, mang đậm hồn dân tộc; những con tò he sặc sỡ, sinh động còn có thể được xem như những tác phẩm nghệ thuật. Những người nghệ sỹ chân chất, mộc mạc gắn bó với làng quê đã thổi hồn cho bột gạo để những con tò he cất lên tiếng nói của tâm hồn trẻ thơ đầy màu sắc.
Theo một số tài liệu, trước kia, những người dân làng có đôi tay khéo léo, dùng nguyên liệu bột gạo để nặn các loại hoa quả trên mâm ngũ quả và con giống (trâu, bò, lợn, gà…) để làm đồ cúng lễ với màu sắc tự nhiên, có thể ăn được nên ở một số vùng miền Bắc, người ta còn gọi loại sản phẩm này là “con bánh” hay “đồ chơi chim cò”. Về sau, sản phẩm được gắn vào một chiếc ống, ở đầu có quét chút mạch nha, khi thổi phát ra âm thanh “tò he, tò he…”. Có lẽ vì thế mà có cái tên “tò he”.
Khâu làm bột là bí quyết chính của nghề. Nếu làm bột không tốt thì khi bột khô dễ bị tróc, lở khỏi que. Nguyên liệu chính để làm tò he là bột gạo tẻ có trộn ít nếp theo tỉ lệ 10 phần gạo, 1 phần nếp (sẽ cần phải cho thêm nhiều nếp để giữ được độ dẻo của sản phẩm nếu thời tiết nóng, hanh khô), trộn đều, ngâm nước rồi đem xay nhuyễn, luộc chín và nhào nhanh tay. Sau đó, người ta nắm bột lại thành từng vắt và nhuộm màu riêng từng vắt. Bốn màu cơ bản là vàng, đỏ, đen, xanh. Trước đây, người ta sử dụng màu có nguồn gốc từ thực vật và đun sôi với một ít bột: màu vàng làm từ hoa hòe hoặc củ nghệ, màu đỏ từ quả gấc hoặc dành dành, màu đen thì đốt rơm rạ hoặc dùng cây nhọ nồi, màu xanh lấy từ lá chàm hoặc lá riềng... Các màu sắc trung gian khác đều được tạo từ bốn màu này. Bây giờ, màu thực phẩm công nghiệp được sử dụng vì tiện lợi hơn.
Bên cái bàn gỗ nhỏ, được gắn phía trên là một mảnh xốp dày là nơi những chú tò he đã được làm sẵn đứng trình diễn trông thật vui mắt. Nào là rồng phượng, hoa, quả, Quan Công, Lưu Bị, 12 con giáp… đây là những nhân vật truyền thống của thứ đồ chơi này. Với khả năng nắm bắt rất nhanh những hình ảnh hiện đại, những nhân vật trong phim hoạt hình mà trẻ em ngày nay ưa thích như siêu nhân, người nhện, Kinh Kong, Thủy thủ mặt trăng, Tôn Ngộ Không, Pikachu, Đôrêmon... cũng đã có mặt.
Tò he không chỉ là một đồ chơi dân gian, mang văn hóa dân tộc mà nó còn là một “món hàng” giúp bà con sau ngày mùa nặng nhọc có thêm nguồn thu cải thiện cuộc sống, cùng nghệ nhân rong ruổi khắp mọi miền quê.
Hiện nay, tò he không còn phổ biến như trước, chủ yếu vào mùa lễ hội. Năm cách trung tâm thủ dô Hà Nội chừng 30km về phía nam là làng nghề truyên thống Nặn Tò he duy nhất Việt Nam: làng Xuân La-Phượng Dực-Phú Xuyên-TP Hà Nội. Đây là ngôi làng có truyền thống làm tò he nổi tiếng cách đây khoảng 300-600 năm.
Bác Nguyễn Xuân Hòa mang tò he đến chợ phiên của làng Mộc, Quan Nhân vào sáng 27 Tết
Trong phiên chợ cuối năm và cũng phiên chợ duy nhất của làng Mọc, Quan Nhân, Hà Nội diễn ra vào sáng 27 âm lịch hàng năm, bác Nguyễn Xuân Hòa, người làng Xuân La thoăn thoắt đôi tay tài hoa của mình để làm ra những con tò he. Bác kể: “Cả làng bây giờ cũng chỉ có một số gia đình còn theo nghề truyền thống này. Tôi đã nối nghiệp của cha ông được 30 năm nay, từ lúc còn nhỏ đã theo cha nặn tò he”.
Bác Hòa ngậm ngùi: “Bây giờ cuộc sống đầy đủ, các trò chơi dành cho con trẻ ngày càng hiện đại hơn, nhất là đồ chơi về công nghệ thì lúc nào cũng hút con trẻ. Thế nhưng những con tò he này là hồn cốt dân tộc, là vẻ đẹp văn hóa truyền thống mà cha ông để lại, chắc chăn phải được gìn giữ để con cháu sau này còn biết đến một trò chơi dân gian mang đậm văn hóa dân tộc”.
Người nghệ nhân chăm chút từ chiếc que tre để cắm con giống
Nhiều người thế hệ 7x,8x thì tò he chính là cả một miền ký ức đẹp, là cả một thời tuổi thơ còn thơm mùi rơm dạ. Dù người lớn hay trẻ còn đều mê mẩn với những chú tò he là các con giống ngộ nghĩnh được làm từ bột hấp chín, nhuộm mầu sặc sỡ, có thể vừa chơi vừa ăn được. Trước kia, người nghệ nhân thường làm các con vật đời thường, gần gũi xung quanh như chó, mèo, gà, lợn,… Còn bây giờ, để giữ chân và bán được thì người nghệ nhân nặn tò he đã cập nhật thêm nhiều mẫu mã mới như các nhân vật trong truyện tranh, hoạt hình và những thứ chỉ có trong đời sống hiện đại bây giờ như thủy thủ mặt trời, siêu nhân, các con robot…để thu hút trẻ con. “Nói đi cũng phải nói lại, chúng tôi cũng cần có thu nhập để duy trì nghề của mình. Nếu không cập nhật, không bắt kịp với cuộc sống hiện đại, chỉ làm đi làm lại mấy con giống như ngày trước thì thật sự khó lắm”- Bác Hòa tâm sự.
Hà Nội gần đây đã vắng bóng những xe tò he bán rong khiến thành phố mất đi một nét văn hóa dân gian độc đáo, gần gũi với lũ trẻ. Một thú chơi dân dã đầy bản sắc đã một thời tô điểm cho Hà Nội thêm cổ kính và giàu nhân văn. Bây giờ, người ta chỉ còn bắt gặp tò he ở những điểm thăm quan lớn như Hồ Gươm, rồi ở các công viên hay vào những dịp cuối tuần hay lễ lạt, những chú tò he mới lại xuất hiện, còn ngày thường hiếm hoi lắm.
Tò he không giống như những mặt hàng khác, không phải là thứ được sản xuất hàng loạt rồi bày bán trong các cửa hàng, nó là thứ đồ chơi được mua trực tiếp tại chỗ làm nên nếu không có địa điểm bán tò he thì người có nhu cầu sẽ chẳng biết tìm mua ở đâu. Việc duy trì, bảo tồn và phát triển nghề nặn tò he là một việc làm hết sức chính đáng và cần thiết.