Phóng sự - Ghi chép

Nhọc nhằn nghề vác tràm thuê

Trần Chởi - Bá Mạnh 20/09/2023 - 13:31

Nằm trên những triền đồi cao chót vót, cùng với âm thanh của chiếc máy cưa gầm rú, tiếng cây gãy đổ răng rắc là tiếng cười nói rộn ràng của những "phu tràm". Có lẽ không nơi đâu ồn ã như thế, và cũng không nơi nào nhọc nhằn hơn thế.

Đã hơn 11 giờ trưa, tiết trời dù đã chuyển sang thu nhưng cái nắng vẫn gay gắt, chói chang, đầy oi nồng. Dạo một vòng trên các cánh rừng keo tràm ở vùng Thượng Kỳ Anh (Hà Tĩnh), những "phu tràm" với đôi tay thoăn thoắt đang bóc từng lớp vỏ keo tràm làm hoạt náo cả vùng nơi đây.

“Phu tràm” được biết đến là một nghề đầy vất vả và phù hợp với nam giới, bởi công việc chủ yếu là khuân vác, leo trèo, bóc vỏ, dầm mưa dãi nắng... nhưng hiện nay, có nhiều chị em đã chọn nghề này làm cái kế sinh nhai, trang trải cuộc sống.

nhoc_nhan_nghe_vac_tram_thue_4.jpg
Ngày công lao động của những "phu tràm" được trả từ 200 -250 nghìn đồng/ngày

Ống tay áo ướt đẫm sau những lần lau vội mồ hôi trên mặt, chị Trần Thị Ly (trú thôn Mỹ Thuận, xã Kỳ Sơn, huyện Kỳ Anh) gắng cạo nốt những lớp vỏ tràm cuối để nghỉ tay ăn trưa.

Chị sắp gọn lại những khúc tràm vừa mới làm xong, trên má nhễ nhại từng giọt mồ hôi vì cái nắng, bỏ chiếc khẩu trang, chị Ly hổn hển nói: “Mệt lắm chú à, âu cũng vì miếng cơm, manh áo nên phải cố, chứ phụ nữ mà làm nghề này cực nhọc lắm”.

Tựa lưng vào một gốc tràm để nghỉ tay, trong tiếng ồn ào của máy cưa, tiếng răng rắc gãy đổ của những gốc tràm vừa được hạ, chị Ly bộc bạch: Do làm việc lâu năm, lại theo chủ mua tràm này lâu rồi, nên mỗi ngày chị được trả công 250.000 đồng. Quanh năm, “bán mặt cho cây, bán lưng cho trời” làm bạn với những đồi tràm nên nhiều khi nghĩ mình chẳng khác gì đàn ông. Bắp tay to ra do bốc vác, đôi tay chai sạn, khuôn mặt đen sạm vì nắng gió… Tuy nặng nhọc, vất vả nhưng chị cảm thấy vui, vì đó là một nghề lao động chân chính, kiếm tiền từ chính sức lao động của mình.

nhoc_nhan_nghe_vac_tram_thue_2.jpg
Nghề "phu tràm" dù vất vả nhưng có thu nhập cũng tạm ổn

Vừa tiếp chuyện, chị Ly cùng những “đồng nghiệp” của mình xúm lại bên nhau để ăn trưa, khung cảnh quây quần, đầy ấm cúng như một gia đình. Lúc này, mặt trời cũng đã đứng bóng, mùi chua nồng của những lớp vỏ tràm ẩm ướt cũng vậy tăng theo…

Nói ăn trưa thì có vẻ hoa mỹ chứ thực tế bữa ăn của chị Ly cùng mọi người chỉ hộp cơm trắng được các chị nấu ở nhà đưa đi từ sáng, thêm ít thức ăn như vài lát thịt lợn kho mặn. Ấy vậy nhưng các chị ăn rất ngon, còn nhường nhau từng miếng thịt, cười nói rôm rả quên đi những mệt nhọc…

Không có nghề nghiệp ổn định, đó là tình cảnh chung của những "phu tràm". Họ là những người nông dân, sau mùa vụ hoặc ngay cả giữa mùa vụ, sự bấp bênh thu nhập từ hạt lúa, củ khoai... so với công làm "phu tràm" khiến không ít người nông dân bỏ ruộng.

Chị Ly chia sẻ thêm: Nắng cũng như mưa, chúng tôi phải lao động cật lực để kiếm sống. Dậy từ khi trời còn chưa tỏ để nấu cơm, chuẩn bị dụng cụ lên đường. Dụng cụ mà chị Ly nói đến là chiếc làn đựng cơm, trong đó đựng thêm chiếc rựa. Chỉ có thế, còn lại là sức người... "Nghề này chúng tôi hay gọi là nghề đổi sức lấy cơm", chị Ly cười nhẹ nói.

Lo xong cái bụng, có người ngồi dựa gốc cây, đôi mắt lờ đờ mệt mỏi vì buồn ngủ, có người nằm dưới bụi cây tranh thủ ngủ vài phút để tiếp tục công việc trong ngày. Với các chị, cho dù công việc có nặng nhọc, nhưng tất cả đều mong có việc làm thường xuyên để có tiền lo cho con ăn học và trang trải cuộc sống gia đình.

nhoc_nhan_nghe_vac_tram_thue_6.jpg
Cực nhọc nhưng các chị thấy vui vì thu nhập khá ổn định

Có thâm niên gần 10 năm trong nghề “phu tràm”, chị Hồ Thị Châu (ở xã Kỳ Sơn, Huyện Kỳ Anh) mới hơn 45 tuổi nhưng trông chị có vẻ già hơn nhiều.

Chiếc dao cạo được chị đưa lên, kéo xuống nhịp nhàng, lớp vỏ tràm được tách ra cảm giác như người ta dùng rao rọc giấy. Vừa trò chuyện với chúng tôi, chị vừa làm việc để kịp đủ sản lượng đã được giao khoán.

Chị Châu cho biết, gia đình không có nhiều đất để canh tác hay trồng trọt, chăn nuôi nên chọn cái nghề “phu tràm” này. Từng ấy năm theo nghề, bản thân cũng không thể nhớ nổi đã khai thác bao nhiêu ha rừng. Suốt ngày mặt mày lấm lem ướt đẫm mồ hôi vì nắng nóng, xung quanh là tiếng máy cưa ồn ào, nhưng lâu dần cũng thành thói quen.

"Cố gắng hết sức mới đủ tiền để trang trải cho gia đình và nuôi con ăn học, con lớn lên chút thì tuổi tôi cũng lớn, đoạn đó không biết còn sức nữa không...", chị Châu tâm sự.

Hiện nay, mỗi ngày “phu tràm” như chị Châu được trả từ 200.000 - 250.000 đồng. Mỗi tháng nếu làm việc quần quật đủ 30 ngày liên tục, chị cũng kiếm được khoảng 7,5 triệu đồng. Nhờ có công việc này, phụ nữ vùng nông thôn như các chị có thêm nguồn thu nhập, nhưng cũng đối mặt với đầy hiểm nguy, tai nạn.

Việc bầm dập, thâm tím chân tay là chuyện như "cơm bữa" đối với các chị, chỉ sợ nhất khi cây đổ, lơ đễnh một chút thôi là cái giá phải trả sẽ rất đắt... Các chị cho biết, dù cẩn thận hết sức nhưng vẫn luôn phải cầu trời đất, ông bà tổ tiên phù hộ cho an lành. Sai một li đi một dặm, có chuyện gì thì không thể xoay xở nổi...

nhoc_nhan_nghe_vac_tram_thue_3.jpg
Bữa ăn trưa quây quần bên nhau, đầm ấm như một gia đình của những "phu tràm"

Anh Nguyễn Văn Hà - chủ thu mua keo tràm ở huyện Kỳ Anh, chia sẻ: “Vì miếng cơm, manh áo nên hiện nay nhiều chị em theo và gắn bó với nghề “phu tràm”. Mặc dù là con gái, phụ nữ nhưng năng suất làm việc không thua kém gì đàn ông, nghề “phu tràm” làm các chị rắn rỏi đúng theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng”...

Anh Hàcho biết thêm, tốp làm tràm của anh có tới 8 chị em tham gia. Đa phần phụ nữ chọn nghề “phu tràm” là những người ở tuổi trung niên, vì ở tuổi của họ khó xin vào làm ở các công ty, doanh nghiệp. Nhưng theo tâm sự của các chị thì nghề “phu tràm” vì không đòi hỏi kỹ năng, kỹ thuật như nhiều nghề khác, chỉ cần người phụ nữ có sức khỏe bền bỉ, khả năng chịu đựng được thời tiết khắc nghiệt thì lâu dần sẽ quen, nên các chị lựa chọn nghề này.

Tạm xa những triền đồi trong cái nắng chói chang, nơi các khoảnh rừng vẫn đang ầm vang tiếng máy cưa xen lẫn âm thanh gãy đỗ bởi những thân tràm. Tạm xa những khuôn mặt sạm đen vì cháy nắng, những bàn tay chai sạn vì mưu sinh, chúng tôi chỉ biết cầu mong cho họ - những "phu tràm" không chỉ ở riêng đây mà đâu đó trên những ngọn đồi khắp các tỉnh thành luôn được bình an.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhọc nhằn nghề vác tràm thuê