Có chính sách riêng để phụ nữ đỡ khó khăn, nhọc nhằn mới là bình đẳng

Xuân Lan| 15/10/2022 14:32
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chủ trì Hội nghị đối thoại với phụ nữ Việt Nam Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: "Chúng ta phải tránh phân biệt đối xử, nhưng nếu phụ nữ khó khăn, nhọc nhằn hơn thì phải có chính sách riêng để phụ nữ đỡ khó khăn, nhọc nhằn, thế mới là bình đẳng”.

co-chinh-sach-rieng-de-phu-nu-do-kho-khan-nhoc-nhan-moi-la-binh-dang-h1.jpg
Thủ tướng: Nếu phụ nữ khó khăn, nhọc nhằn hơn thì phải có chính sách riêng để phụ nữ đỡ khó khăn, nhọc nhằn, thế mới là bình đẳng

Tại Hội nghị đối thoại với phụ nữ Việt Nam với chủ đề "Thúc đẩy bình đẳng giới và phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế-xã hội”, trực tiếp làm rõ thêm một số nội dung câu hỏi các đại biểu nêu, Thủ tướng nhiều lần nhấn mạnh yêu cầu khi xây dựng các cơ chế, chính sách, ngoài các quy định chung, cần tính tới các quy định riêng phù hợp với phụ nữ

Đề xuất các cơ chế khuyến khích phụ nữ tham gia nghiên cứu khoa học

GS.TS. Lê Thị Hợp, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam đặt câu hỏi về giải pháp nhằm thu hút và sử dụng nhà khoa học nữ trong thời gian tới tham gia tích cực hơn nữa vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội đất nước?

Thủ tướng cho rằng, chủ trương bình đẳng giới của Đảng, Nhà nước ta đã mang lại hiệu quả rất quan trọng. Với thiên chức của mình, người phụ nữ có vai trò người mẹ, người vợ, người bà trong gia đình, nên có những khó khăn, nhọc nhằn, vất vả hơn trong việc tham gia nghiên cứu khoa học. Do đó, ngoài những chính sách chung, để phát huy vai trò của người phụ nữ trong phát triển khoa học và công nghệ thì chúng ta phải suy nghĩ thêm các chính sách riêng, Bộ Khoa học và Công nghệ, các ngành, các cấp liên quan phải rà soát, sửa đổi, hoàn thiện, đề xuất các cơ chế, chính sách để khuyến khích phụ nữ tham gia nghiên cứu khoa học, với các tiêu chí cụ thể.

"Chúng ta phải tránh phân biệt đối xử, nhưng nếu phụ nữ khó khăn, nhọc nhằn hơn thì phải có chính sách riêng để phụ nữ đỡ khó khăn, nhọc nhằn, thế mới là bình đẳng", Thủ tướng nói.

5 vấn đề để phát triển sản phẩm OCOP bền vững, hiệu quả

Chị Nguyễn Thị Bình, người dân tộc Mường, Chủ nhiệm Hợp tác xã Bản Dao tỉnh Hòa Bình, chuyên sản xuất các sản phẩm tinh dầu như tinh dầu sả, đặt câu hỏi: Chính phủ có giải pháp gì nhằm tạo cơ hội để phụ nữ chủ động, sáng tạo tham gia khởi nghiệp, kinh tế tập thể..., đặc biệt là các giải pháp hỗ trợ các Hợp tác xã tham gia chuỗi giá trị, các giải pháp hỗ trợ các sản phẩm của phụ nữ đạt tiêu chuẩn OCOP?

Tiếp đó, chị Đỗ Thị Ninh, Trưởng phòng giao dịch 03, Tổ chức Tài chính vi mô TNHH MTV Tình Thương chi nhánh Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An đề nghị có giải pháp để mở rộng đối tượng khách hàng và nguồn vốn vay cho các tổ chức tài chính vi mô.

Sau phần trả lời của lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước, phân tích thêm một số nội dung, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Đảng đã có nghị quyết, Quốc hội có luật về hợp tác xã, Chính phủ, các bộ, ngành đã có quy định, hướng dẫn về phát triển hợp tác xã. Thủ tướng giao các bộ, ngành tiếp tục xem xét, điều chỉnh, sửa đổi các vướng mắc, các quy định chưa sát thực tế, nhất là các cơ chế chính sách để khuyến khích chị em tham gia hợp tác xã.

Thủ tướng cho rằng, có 5 vấn đề để phát triển sản phẩm OCOP bền vững, hiệu quả: Xây dựng thương hiệu; quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu; sự hỗ trợ về vốn của các tổ chức tín dụng; hỗ trợ khoa học công nghệ; hỗ trợ thị trường.

co-chinh-sach-rieng-de-phu-nu-do-kho-khan-nhoc-nhan-moi-la-binh-dang.jpg
Thủ tướng Áo dài rất xứng đáng được ghi danh, tôn vinh trong nền văn hóa của Việt Nam

Về tài chính vi mô, Thủ tướng đề nghị ngành ngân hàng nghiên cứu, mở rộng đối tượng, hạn mức, thời gian ưu đãi cho phụ nữ tiếp cận nguồn vốn, bảo đảm nguồn vốn phù hợp, để người dân nói chung và phụ nữ nói riêng không phải vay tín dụng đen, đồng thời giúp chị em sử dụng vốn hiệu quả để trả lại cho ngân hàng.

Chị Vi Thanh Hương - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa đặt câu hỏi về mô hình hoặc giải pháp cụ thể nhằm phát huy hơn nữa vai trò và sự đóng góp của phụ nữ trong quá trình xây dựng nông thôn mới thời gian tới.

Theo Thủ tướng, nông nghiệp luôn là trụ đỡ rất quan trọng của nền kinh tế, đặc biệt là trong lúc khó khăn, như hiện nay khi sức ép lạm phát tăng lên. Thời gian qua, chúng ta đã bảo đảm được các cân đối lớn của nền kinh tế, trong đó có cân đối về lương thực, thực phẩm nhờ sản xuất nông nghiệp, không chỉ bảo đảm được nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu được gạo và nhiều mặt hàng nông sản với tổng kim ngạch khoảng trên 40 tỷ USD trong 9 tháng qua. Để phụ nữ đóng góp nhiều hơn cho xây dựng nông thôn mới, Thủ tướng đề nghị tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, trong đó có cơ chế, chính sách ưu tiên cho chị em phụ nữ.

Áo dài xứng đáng được ghi danh, tôn vinh trong nền văn hóa của Việt Nam

Chị Nguyễn Thị Hạnh - Giám đốc Công ty TNHH May SH từ Thừa Thiên Huế đề nghị Thủ tướng chỉ đạo cơ quan chức năng tích cực triển khai các thủ tục để công nhận và ghi danh áo dài Việt Nam vào danh mục văn hoá phi vật thể quốc gia.

Thủ tướng nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước rất quan tâm tới văn hóa, với quan điểm phát triển văn hóa ngang hàng kinh tế, chính trị, xã hội. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất.

Thủ tướng cho rằng áo dài giản dị, chi phí vừa phải, phù hợp, nhưng tôn vinh lên rất nhiều vẻ đẹp của người phụ nữ, được phụ nữ lựa chọn cho các dịp quan trọng, nên rất xứng đáng được ghi danh, tôn vinh trong nền văn hóa của Việt Nam. Nhiều vị khách nữ quốc tế đến Việt Nam cũng lựa chọn áo dài. Nếu các quy định của pháp luật không phù hợp thì cần nghiên cứu, sửa đổi để phù hợp với tình hình thực tiễn và phù hợp với lòng dân. Nếu vướng về thể chế thì gỡ vướng thể chế, nếu vướng về thủ tục thì gỡ về thủ tục.

Trước băn khoăn của PGS.TS Nguyễn Thị Hòe, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn sơn Kova về những giải pháp để đất nước phát triển hơn nữa, Thủ tướng nêu rõ, đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ấm no, hạnh phúc là mục tiêu cao nhất của Đảng, Nhà nước ta. Đại hội XIII của Đảng đã xác định các mục tiêu phát triển trong 5 năm tới và tới dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, 100 năm thành lập nước.

Theo Thủ tướng, Việt Nam là đất nước đang phát triển, trải qua gần một thế kỷ vật lộn với chiến tranh để giành lại độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất Tổ quốc, sau đó là nhiều năm cấm vận, nhưng sau hơn 35 năm đổi mới, chúng ta đã đạt được những thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay.

Quy mô nền kinh tế từ 4 tỷ USD khi bắt đầu đổi mới tăng lên khoảng 400 tỷ USD trong năm nay, tức là tăng 100 lần, thu nhập bình quân đầu người khoảng 4.000 USD. Trong điều kiện thế giới khó khăn như vừa qua, chúng ta vẫn giữ vững ổn định kinh tế, kiểm soát được lạm phát, thúc đẩy được tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, đó là nền tảng để đất nước ta tiếp tục vươn lên, phát triển.

Theo Thủ tướng, những ý kiến của PGS.TS. Nguyễn Thị Hòe cho thấy sự trăn trở, băn khoăn, lo lắng đầy trách nhiệm trước sự phát triển của đất nước và đây cũng là suy nghĩ của nhiều người, chúng ta phải cố gắng hơn nữa để những băn khoăn đó giảm bớt đi và đến lúc nào đó không còn băn khoăn này nữa. Chúng ta tin tưởng rằng sẽ làm được.

Xử lý khoảng trống pháp lý đối với các vấn đề của phụ nữ di cư trở về địa phương

Chị Trần Thị Tuyết Thương (Tân Bình, Phụng Hiệp, Hậu Giang) đặt câu hỏi về việc giải quyết các vấn đề của phụ nữ di cư trở về địa phương, nhất là các vấn đề liên quan đến pháp lý của phụ nữ, trẻ em theo mẹ di cư trở về từ nước ngoài; tạo điều kiện để họ tiếp cận đầy đủ, dễ dàng chính sách hỗ trợ và tái hòa nhập ổn định, vươn lên trong cuộc sống?

Thủ tướng yêu cầu các cơ quan, địa phương giải quyết các trường hợp này trên cơ sở bảo đảm tối đa quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân theo quy định của pháp luật, đồng thời khẩn trương xử lý các khoảng trống pháp lý, các khó khăn, vướng mắc trên cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn. Trong thực tế, các quy định không bao giờ phủ kín được hết các góc cạnh của cuộc sống. "Đây là bài toán thực tiễn mà các địa phương, các cấp, các ngành phải chú ý để các cháu phải được đi học, được khám chữa bệnh, được bình đẳng, được mưu cầu hạnh phúc như các cháu khác", Thủ tướng nhấn mạnh.

Trước ý kiến đại biểu về bảo vệ thông tin, dữ liệu cá nhân trên không gian mạng, Thủ tướng cho rằng cần phát huy tối đa mặt tích cực của công nghệ thông tin, công nghệ số, đồng thời hạn chế tối đa tác động tiêu cực. Các giải pháp cụ thể là hoàn thiện hành lang pháp lý; thực hiện một cách nghiêm túc, khen thưởng, xử lý kịp thời; nâng cao ý thức người dân; các cơ quan phối hợp chặt chẽ, đồng bộ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Có chính sách riêng để phụ nữ đỡ khó khăn, nhọc nhằn mới là bình đẳng