Bỏ qua các quy định, hướng dẫn từ Sở GD – ĐT Hà Nội, Phòng Giáo dục Đào tạo huyện Chương Mỹ (Hà Nội) vẫn để tình trạng thu chi ngoài ngân sách tồn tại bất hợp lý, diễn ra tại một số trường trên địa bàn quản lý trực tiếp.
Phụ huynh đau đầu về những khoản phí "trên trời"
Theo phản ánh qua đường dây nóng của báo Công lý, mỗi khi họp phụ huynh đầu năm, các bậc phụ huynh tại một số trường nằm trên địa bàn huyện Chương Mỹ luôn nhận được thông báo sẽ phải đóng góp các khoản thu để mua sắm trang thiết bị, máy móc phục vụ các cháu học tập, tiền vệ sinh,… Mà thực tế, những khoản chi phí này nằm trong danh sách các khoản thu ngoài ngân sách không được phép lạm thu.
Ngày 13/9/2016, phòng GD – ĐT huyện Chương Mỹ ban hành văn bản số 601/HD-PGDĐT “Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ bậc tiểu học năm 2016-2017”, trong văn bản gửi đến các trường tiểu học trên địa bàn toàn huyện có phần ghi: “Khai thác các nguồn lực nhằm tăng cường các thiết bị dạy học hiện đại, thiết bị dạy học có yếu tố công nghệ thông tin, phần mềm dạy học…”. Như vậy, căn cứ theo văn bản hướng dẫn này của Phòng GDĐT huyện Chương Mỹ, các trường tiểu học trên địa bàn huyện cũng lần lượt có những kế hoạch tận dụng, vận động các nguồn lực để thu phí đầu tư trang thiết bị công nghệ thông tin của các bậc cha mẹ học sinh.
Phụ huynh trường tiểu học Chúc Sơn A được phát những bản thỏa thuận “tự nguyện” đóng góp mỗi khi phải đóng thêm khoản tiền ngoài ngân sách.
Tuy nhiên, vấn đề này đã tồn tại vài năm trở lại đây, nhưng vì sợ phiền hà nên hầu như không ai lên tiếng mà vẫn im lặng thực hiện, thậm chí, phụ huynh trường Tiểu học Chúc Sơn A được phát những bản thỏa thuận “tự nguyện” đóng góp mỗi khi phải đóng thêm khoản tiền nào ngoài ngân sách.
Ngày 10/8 vừa qua, Sở GD - ĐT Hà Nội đã ban hành công văn số 3026/SGD&ĐT-KHTC về việc hướng dẫn tăng cường công tác quản lý thu chi đầu năm học 2016 - 2017. Văn bản này được gửi đến các trường THPT, trung tâm GDTX và các đơn vị trực thuộc. Theo đó, ngoài các khoản thu theo quy định, nhà trường không được thực hiện hoặc đề nghị Ban đại diện cha mẹ học sinh thực hiện các khoản thu khác dưới bất kỳ hình thức nào, không tùy tiện lập các quỹ hoặc để Ban đại diện cha mẹ học sinh lập quỹ ép buộc học sinh đóng góp dưới danh nghĩa đóng góp tự nguyện.
Bên cạnh đó, Ban đại diện cha mẹ học sinh không được vận động quyên góp cha mẹ học sinh hoặc người học các khoản sau: Bảo vệ cơ sở vật chất, bảo đảm an ninh nhà trường; Trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; Vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường, mua sắm máy móc, trang thiết bị đồ dùng dạy học cho nhà trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.
“Xã hội hóa” các khoản thu, chi có hợp lý?
Nhằm xác minh phản ánh trên, PV báo Công lý đã trực tiếp đi khảo sát tại một số trường tiểu học nằm trên địa bàn huyện Chương Mỹ (HN) và thu về những kết quả bất ngờ.
Trong buổi làm việc với bà Trịnh Thị Lạnh - Hiệu trưởng trường Tiểu học Chúc Sơn A (thuộc huyện Chương Mỹ), được biết, hiện tại trường có 16 lớp, mỗi lớp 52 học sinh, mỗi học sinh đóng 47 ngàn đồng/ tháng cho khoản thuê thiết bị công nghệ tin học. Như vậy, mỗi năm trường thu 351 triệu đồng/9 tháng chỉ để thuê thiết bị tin học.
Theo phản ánh từ một số phụ huynh có con học tại trường tiểu học Chúc Sơn A cho biết: “Ban đầu chúng tôi không để ý vì khoản thu tưởng chỉ vài chục/tháng/ học sinh thôi, nhưng đến sau ngồi tính tiền học phí và các khoản đóng góp cho con thì thấy cái khoản đóng cho việc thuê thiết bị công nghệ là bất hợp lý. Vì tính nhẩm ra thì mỗi năm nhà trường sẽ bỏ ra khoảng 350 triệu đồng để thuê thiết bị công nghệ (bao gồm 20 máy tính, 01 máy chiếu, loa và phần mềm trình chiếu Powerpoint dành riêng cho giáo viên). Con học từ lớp 1 đến lớp 5, năm nào phụ huynh cũng phải đóng. Trong khi nếu bỏ tiền ra mua hẳn thiết bị phục vụ cho nhà trường thì sẽ hợp lý hơn”.
Giải thích cho vấn đề này, bà Lạnh cho rằng: "Khi ký hợp đồng thuê thiết bị tin học, bên công ty cung cấp thiết bị (Công ty tin học Trung Hoa) sẽ chịu toàn bộ những phát sinh sửa chữa trong quá trình nhà trường sử dụng (tất cả nằm trong hợp đồng trọn gói mà công ty tin học Trung Hoa cung cấp độc quyền). Việc mua “đứt” thiết bị thì “hên-xui”, nếu mua được máy tốt thì không sao, nhưng còn phí phát sinh, khi đang sử dụng nếu hỏng hóc gì thì lại phải đi thuê người sửa chữa".
Các khoản thu chi đầu năm học 2016-2017 của một trường tiểu học trên địa bàn huyện Chương Mỹ
Tuy nhiên, khi PV đặt câu hỏi: “Tại sao không mua thiết bị, mỗi bộ máy tính loại tốt chỉ khoảng 10 triệu đồng. Bên cạnh đó, nhà trường đứng ra thuê một đơn vị chuyên sửa chữa bảo hành thì hai khoản thu này công khai, rõ ràng và hợp lý hơn nhiều?” - Bà Lạnh chỉ cười và không giải thích được. Khi PV hỏi việc thu chi này suốt 2-3 năm nay có hóa đơn không thì bà Lạnh lý do là cô văn thư đi vắng…???
Với khoản chi hơn 350 triệu đồng/năm cho lý do “Thuê thiết bị công nghệ”, cô Hiệu trưởng Trịnh Thị Lạnh (trường tiểu học Chúc Sơn A, Chương Mỹ) cho biết đây là do đại diện phụ huynh tự đề xuất thuê, số tiền thu được chi 80% cho việc thuê thiết bị, còn 20 % là để “hỗ trợ phí” dạy cho giáo viên tin học vì các giáo viên này phải mất thời gian soạn Powerpoint dạy các em học sinh.
Trong khi việc chuẩn bị giáo án chất lượng để cung cấp kiến thức cho học sinh là nghĩa vụ, trách nhiệm của giáo viên thì ở trường Tiểu học Chúc Sơn A, phụ huynh phải còng lưng đóng thêm khoản chi này?
Bên cạnh đó, trường Tiểu học Chúc Sơn A cũng vận động phụ huynh đóng góp thêm các khoản như: báo đội, tiền nước uống, tiền cờ, tiền tăm, cây, tiền vệ sinh, tiền Sách sống đẹp….
Tương tự như vậy, ở trường tiểu học Tiên Phương (Chương Mỹ, Hà Nội) cũng đang thực hiện thuê thiết bị công nghệ mà không nghĩ đến việc mua sắm và tự bảo quản. Số tiền hàng năm phải chi ra thuê thì vượt quá nhiều so với khoản tiền bỏ ra mua hẳn.
Theo giải thích của phía lãnh đạo trường này, do phòng tin học của trường không có máy lạnh nên sợ hỏng máy tính, nhà trường thuê trọn gói cả bảo hành máy móc thiết bị công nghệ của một công ty bên ngoài cho tiện. Mỗi học sinh đóng 40 ngàn đồng/ tháng cho việc thuê và học thiết bị tin học. Các khoản thu của trường này còn bao gồm những khoản “tự nguyện” như: tiền nước tinh khiết, tiền Quỹ hội cha mẹ học sinh cho ban thường trực Hội cha mẹ học sinh và tiền Hội cha mẹ học sinh đóng góp để cải tạo nâng cấp sân trường tại khu trung tâm, đặc biệt là trường này còn thu hộ khoản Bảo hiểm y tế…
Mặc dù công văn quy định của Sở GD - ĐT được ban hành đầu năm học 2016-2017, nhiều phụ huynh tỏ ra vui mừng với hy vọng các trường sẽ có sự thay đổi, nhưng tiếc rằng, trên thực tế việc ban hành công văn của Sở GD-ĐT Hà Nội dường như chưa thực sự có hiệu lực đối với các trường trong huyện Chương Mỹ.
(Còn nữa).