Nhà báo Võ Mạnh Hùng: Viết báo bằng cái tâm và trách nhiệm với cộng đồng

Đỗ Việt (thực hiện)| 20/06/2022 06:10
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Có lẽ, hiếm có một nhà báo trẻ nào có được những thành tích ấn tượng, đáng mơ ước như nhà báo Võ Mạnh Hùng (bút danh Hùng Võ), Báo Điện tử VietnamPlus - Thông tấn xã Việt Nam. Suốt 10 năm làm việc tại VietnamPlus, anh luôn khẳng định được bản thân khi 8 năm liên tiếp đạt Giải Báo chí Quốc gia - giải thưởng rất danh giá và cao quý dành cho người làm báo.

Nhân dịp kỷ niệm 97 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2022), PV Báo Công lý đã có cuộc phỏng vấn nhà báo Võ Mạnh Hùng về những câu chuyện tự nhiên đầy thú vị, như anh chia sẻ là “giữ lửa nghề bằng tình yêu.”

anh-3-1-.jpg

Nhà báo Võ Mạnh Hùng hiện đang công tác tại tòa soạn Báo VietnamPlus (TTXVN)

Sự khởi đầu ngọt ngào với “cú đúp” giải báo chí

PV: Sau khi ra trường, anh đã chọn làm việc tại VietnamPlus - báo điện tử còn “rất trẻ” của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) và gắn bó đến nay. Vì sao anh lại quyết định chọn tòa soạn báo này mà không phải cơ quan báo chí khác?

Nhà báo Võ Mạnh Hùng: Đúng như bạn nói, thời điểm cách đây hơn 10 năm, VietnamPlus là báo điện tử còn rất “mới.” Tuy vậy, môi trường làm báo nơi đây lại rất năng động, chuyên nghiệp và hiện đại. Cũng bởi thế, tôi đã chọn để thử sức!

Thời điểm đó, tôi là phóng viên trẻ nhất tòa soạn. Nhờ sớm làm quen với việc viết lách từ hồi sinh viên, nên tôi cũng đã sớm bắt nhịp được với nghề và gắn bó đến bây giờ. Cho đến nay, Báo Điện tử VietnamPus như là “gia đình thứ 2” của tôi.

PV: Tôi được biết, hồi mới ra trường, anh đã từng bươn trải, làm thêm rất nhiều công việc như mở quán ăn để có tiền trang trải cho việc đi làm báo. Vậy, những giai đoạn vất vả ấy đã giúp ích gì cho anh trong quá trình viết báo sau này?

Nhà báo Võ Mạnh Hùng: Tôi rất yêu nghề báo. Vì thế, đầu năm 2022, tôi đã mở một quán ăn nho nhỏ với mục đích duy nhất là có tiền để đi thực tế viết bài. Tuy nhiên, sau một thời gian không được thuận lợi, tôi quyết định dành toàn bộ thời gian, đầu tư chất xám vào làm báo. Trong 2 năm đầu, khi chưa có lương, tôi đã cộng tác khá nhiều báo để trang trải. Chính những khó khăn vất vả ấy đã cho tôi thêm nhiều động lực phấn đấu để có những thành quả ngọt ngào như ngày hôm nay.

Đây cũng là động lực thôi thúc tôi cần phải cố gắng nhiều hơn trong công việc, để sớm trở thành phóng viên chính thức của tòa soạn báo mà tôi luôn muốn gắn bó. Và tôi đã làm được điều đó bằng tình yêu với nghề và trách nhiệm với công việc.

PV: 10 năm làm việc tại Báo Điện tử VietnamPlus, anh đã khẳng định được bản thân và đạt được những “thành tích vàng” khi 8 năm liên tiếp đạt giải báo chí Quốc gia - một giải thưởng rất danh giá và cao quý dành cho người làm báo. Xin hỏi, anh đã nỗ lực như thế nào để có thành quả rất ấn tượng như vậy?

anh5-1-.jpg

Nhà báo Võ Mạnh Hùng trong một lần phỏng vấn ĐBQH

Nhà báo Võ Mạnh Hùng: Như tôi đã chia sẻ ở trên, khó khăn cũng chính là động lực thôi thúc bản thân cần phải cố gắng vượt qua. Minh chứng là năm 2013 - sau một năm tập sự ở Báo Điện tử VietnamPlus, tôi đã lên kế hoạch đi thực tế khắp các tỉnh miền Bắc, miền Trung và Tây nguyên để điều tra, ghi nhận tình hình thực tế về những góc tối, bất cập trong quản lý đất nông lâm trường quốc doanh trên cả nước; cũng như tìm ra lời giải căn cơ cho vấn đề “cố hữu” bấy lâu.

Điều ngọt ngào là loạt bài viết về vấn đề trên đã được giải A Giải báo chí của TTXVN và giải B giải báo chí Quốc gia năm 2013… “Cú đúp” giải thường này đã tiếp thêm động lực cho tôi cố gắng từng ngày và quyết tâm hơn để hy vọng cứ mỗi một năm, bản thân cùng các đồng nghiệp lại có thêm giải thưởng.

Theo đó, mỗi năm, tôi thường nỗ lực đầu tư khoảng 5-6 loạt bài viết chuyên đề công phu. Với tôi các chuyến đi không bao giờ lãng phí cả. Trước một vấn đề tôi luôn đi sâu vào tìm hiểu thực trạng cũng như tìm ra lời giải để xử lý hiệu quả nhất.

Những loạt bài của tôi có thể không mới, chưa hay nhưng chắc chắn rất kỳ công, công phu, bởi đó là cả một quá trình theo dõi diễn biến, sự thay đổi qua từng năm và tìm ra câu trả lời, giải pháp căn cơ nhất để giải quyết triệt để vấn đề. Thậm chí, có những lọat bài tôi nghiên cứu trong 5 đến 10 năm trời.

Đi đến tận cùng để giải quyết “vấn đề cố hữu”

PV: Rất nhiều tác phẩm điều tra của anh của anh tập trung xoáy sâu và lột tả trần trụi vào những mảng tối về môi trường, đất đai, khoáng sản. Điều gì đã thôi thúc anh viết điều tra về môi trường?

Nhà báo Võ Mạnh Hùng: Môi trường là lĩnh vực rất “nóng.” Vì thế, khi mới đến tập sự tại Báo Điện tử VietnamPlus, tôi đã xin đảm nhận, phụ trách mảng môi trường với hy vọng sẽ triển khai các loạt bài có tiếng. Đây cũng là lĩnh vực mà báo chí đã đề cập và phản ánh rất nhiều. Tuy nhiên, tôi tiếp cận vấn đề không chỉ phản ánh vụ việc đơn lẻ, vì phán ánh như vậy sẽ không thể giải quyết được vấn đề.

Thực tế, trong hầu hết các loạt bài đã triển khai, tôi luôn xác định đi sâu tìm hiểu: tại sao thực trạng tồn tại lâu như thế mà không được giải quyết? cần làm gì để giải quyết tình trạng đó? vấn đề chính sách có kẽ hở gì? pháp luật đã chặt chưa, cơ quan quản lý họ đã làm tròn trách nhiệm hay chưa, có giải pháp gì và cần có những công nghệ gì giám sát? Nhất là cần có hướng xử lý quyết liệt hơn để làm hiệu quả.

PV: Để có một tuyến bài điều tra chất lượng, theo anh người làm báo cần phải có những kỹ năng, kinh nghiệp gì?

Nhà báo Võ Mạnh Hùng: Bản thân tôi là một nhà báo rất thích làm các loạt bài có tính điều tra. Song để điều tra và điều tra ra vấn đề là cả một quá trình rất công phu. Theo tôi, để có loạt bài điều tra chất lượng, cần có sự chuẩn bị mọi tình huống trước khi triển khai. Phải có sự dấn thân và tỉnh táo khi dấn thân, làm tốt vai diễn của mình, tạo được sự tin tưởng với đối tượng cần tiếp cận để khai thác thông tin.

anh-2-1-.jpg
10 năm làm việc tại Báo Điện tử VietnamPlus, nhà báo Võ Mạnh Hùng đạt được những thành tích đáng nể  khi 8 năm liên tiếp đạt giải báo chí Quốc gia

Đặc biệt, người làm điều tra cần phải đặc biệt linh hoạt, ứng biến trong cách tiếp cận thông tin. Sau khi tiếp cận được thông tin phải làm việc với các cơ quan chức năng một cách nghiêm túc, ứng biến các tình huống xấu để cơ quan chức năng cùng vào cuộc, cùng xử lý chứ không phải chỉ nhăm nhăm quy trách nhiệm cho họ.

Ngoài ra, sự đồng thuận của cơ quan, lãnh đạo tòa soạn là rất quan trọng, nếu làm những vấn đề nóng mà không có sự đồng thuận phối hợp hiệu quả, giải quyết được triệt để vấn đề. Một bài điều tra chất lượng cần phải hộ tụ đủ những yếu tố đó.

PV: Nghề báo được ví như nghề đi trên dây, thường xuyên phải đối diện với nhiều áp lực, cám dỗ và nguy hiểm, nhất là với nhà báo điều tra. Vậy anh đã làm gì để vượt qua?

Nhà báo Võ Mạnh Hùng: Đã làm nhà báo luôn phải có sự tỉnh táo và đặc biệt luôn phải giữ cho mình một trái tim nóng, cái đầu lạnh, đôi mắt sáng, đôi tai thính. Tôi luôn xác định, làm bất cứ loạt bài nào cũng nên có sự tính toán kỹ càng, để làm sao không bị lôi cuốn, không bị thuyết phục bởi những thông tin “nhiễu”.

Đúng là khi thực hiện loạt bài điều tra, nhà báo không khác gì “đu trên dây,” chỉ cần một tác động nhỏ cũng sẽ làm cho mình lung lay, nếu mình không làm chủ được bản thân thì sẽ đổ gục bất cứ lúc nào. Vì vậy đã “đi trên dây” thì phải luôn luôn làm chủ được bản thân, cân bằng giữa cái tôi của cá nhân và thực tại.

PV: So với trước đây, anh thấy làm báo bây giờ dễ hơn hay khó hơn.

Nhà báo Võ Mạnh Hùng: Hồi sinh viên, tôi viết báo rất đơn thuần là để kiếm nhuận bút và có tên trên báo là niềm vui mà không quan tâm bài viết của mình có hiệu ứng như thế nào đối với người đọc. Nhưng khi vào làm việc tại Báo Điện tử VietnamPlus, càng viết tôi càng thấy phải trách nhiệm hơn với tác phẩm của mình, viết bằng cái tâm, bằng trách nhiệm với chính mình, với cộng đồng với xã hội.

anh-4-1-.jpg

Nhà báo Võ Mạnh Hùng trong một lần đi vào điểm nóng phá rừng tự nhiên ở huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum bằng chiếc xe chế độ được lực lượng kiểm lâm tịch thu của lâm tặc trong năm 2018

Tôi nghĩ viết báo bây giờ khó hơn, bởi vì mình luôn gắn trách nhiệm của mình trong mỗi tác phẩm. Nếu mình viết đơn thuần thì rất nhàm chán. Vì thế, trong bất cứ vấn đề hay loạt bài nào, tôi đều xác định cần phải tìm hiểu thật kỹ và viết bằng cái tâm, có sự đau đáu trong tác phẩm, gắn trách nhiệm và nỗi trăn trở của người dân của cộng đồng vào tác phẩm để làm sao giải quyết được vấn đề còn tồn tại.

Hơn thế, Báo Điện tử VietnamPlus là môi trường báo chí chính thống, nên tôi càng phải đặt sứ mệnh, đặt trách nhiệm vào đó nhiều hơn. Việc viết báo bây giờ không đơn thuần chỉ là tình yêu mà còn là nhiệm vụ là trách nhiệm của người cầm bút.

PV: Nếu được lựa chọn lại, anh có tiếp tục lựa chọn nghề báo?

Nhà báo Võ Mạnh Hùng: Chắc chắn tôi vẫn lựa chọn nghề báo. Tôi chưa bao giờ có ý định làm gì khác. Nghề báo đến với tôi không phải sự lựa chọn ban đầu nhưng nghề báo đã cho tôi quá nhiều kỷ niệm, tình yêu, trách nhiệm và động lực để làm những điều tốt đẹp có ích cho xã hội. Tôi luôn xác định sẽ theo đuổi nghề báo dù ở môi trường báo chí nào tôi vẫn sẽ lựa chọn theo đuổi nghề báo.

Trân trọng cảm ơn anh!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà báo Võ Mạnh Hùng: Viết báo bằng cái tâm và trách nhiệm với cộng đồng