Chiều 29/12, HĐXX TAND TP.HCM đã tuyên án đối với các bị cáo trong vụ án hình sự liên quan đến Công ty địa ốc Alibaba do Nguyễn Thái Luyện chủ mưu.
Theo đó, do vụ án có nhiều tình tiết phức tạp nên HĐXX đã tiến hành phần công bố nội dung vào buổi sáng, cùng ý kiến, quan điểm bào chữa của các luật sư cho các bị cáo trong quá trình xét xử vào buổi chiều. HĐXX cho rằng, quá trình xét xử, các luật sư, bị cáo đã thực hiện đầy đủ các quyền bào chữa, tự bào chữa, ý kiến đối với các cáo buộc trong cáo trạng của VKSND cùng cấp.
Một số nội dung chủ đạo mà các luật sư bào chữa và bị cáo tự bào chữa bao gồm: Các bị cáo không phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền, mà chỉ vi phạm các quy định về sử dụng đất đai. Một số quan điểm cho rằng, những quan hệ ký hợp đồng ủy quyền, ký hợp đồng chuyển nhượng đất, ký hợp đồng thỏa thuận, thu tiền… giữa các bị cáo đại diện cho Alibaba và khách hàng là quan hệ dân sự. Ngoài ra một số ý kiến bào chữa nói chưa đủ căn cứ buộc tội một số bị cáo nên cần phải trả hồ sơ để điều tra lại…
Tuy nhiên, HĐXX đưa ra các chứng cứ, căn cứ cho thấy, các quan điểm bào chữa trên là không có cơ sở xem xét. Theo đó, hồ sơ vụ án cho thấy, ngay từ đầu Nguyễn Thái Luyện đã thể hiện ý chí gian dối, lập nên Alibaba và các công ty con thuộc hệ sinh thái, mục đích biến các khu đất nông nghiệp thành các dự án có đất thổ cư nhưng không có cơ sở.
Quá trình hoạt động, các công ty thuộc Alibaba không tuân thủ luật doanh nghiệp, các pháp luật về thuế. Lãnh đạo doanh nghiệp là người nhà, người thân, cấp dưới thân cận với bị cáo Luyện, công ty không có ban điều hành, không khai thuế. Bị cáo Luyện dựng các bị cáo lên nhằm hợp thức hóa việc đứng dự án, qua mặt cơ quan chức năng để thực hiện các hành vi phạm tội. Hành vi phạm tội của các bị cáo dưới sự điều hành của bị cáo Luyện được thực hiện trong thời gian dài.
HĐXX cho rằng, hành vi phạm tội của các bị cáo đã diễn ra và hoàn thành, đã có hậu quả. Cụ thể, từ khi Alibaba thành lập (năm 2017) đến khi bị khởi tố (2020), các bị cáo đã dựng lên 58 dự án, chiếm đoạt hơn 2.440 tỷ đồng của hơn 4.500 khách hàng, trong đó có 3.900 bị hại có đủ thông tin triệu tập.
Đối với nhóm bị cáo liên quan đến hành vi rửa tiền, HĐXX cho rằng, khi cơ quan công an khởi tố vụ án, một số bị cáo biết và chủ ý chuyển số tiền 13 tỷ đồng lòng vòng để làm mất dấu vết, sau đó rút khoản tiền ra, đến nay khoản tiền này không thể thu hồi. Vì vậy có căn cứ quy kết hành vi của các bị cáo phạm tội rửa tiền. Do đó, các quan điểm bào chữa của luật sư cho các bị cáo là không có căn cứ để HĐXX xem xét.
Trong vụ án trên, HĐXX nhận định, bị cáo Luyện có vai trò đầu vụ, chủ mưu, người đứng đầu để chiếm đoạt số tiền hơn 2.440 tỷ đồng. Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, bị cáo Luyện không thành khẩn, không thừa nhận hành vi phạm tội. Các bị cáo khác có hành vi chiếm đoạt các khoản tiền từ hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng, và giúp sức để bị cáo Luyện chiếm đoạt tổng số tiền trên. Do đó, HĐXX cho rằng, cần phải có bản án nghiêm khắc, có tính răn đe các bị cáo.
Tuy nhiên, HĐXX cũng cân nhắc đến các tình tiết giảm nhẹ của các bị cáo: Tại giai đoạn xét xử, ngoài bị cáo Luyện thì các bị cáo khác đã ý thức được hậu quả gây ra và thừa nhận hành vi phạm tội; Một số bị cáo có thân nhân gần là người có công với cách mạng, thân nhân tốt; Các bị cáo cũng đã tự nguyện khắc phục toàn bộ hậu quả, hoặc một phần hậu quả. Trong đó, bị cáo Huỳnh Thị Kim Thắng (Kế toán trưởng của Alibaba) có hoàn cảnh hiểm nghèo, bị bệnh ung thư nặng, gia đình khó khăn, bị cáo không có ý thức phạm tội… đây là những căn cứ để HĐXX xem xét khi tuyên án.
Với các lẽ trên, HĐXX quyết định tuyên bị cáo Nguyễn Thái Luyện mức án chung thân. Các bị cáo khác bị tuyên từ 10-30 năm tù gồm:
Một số bị cáo bị tuyên mức án cao gồm: Võ Thị Thanh Mai: 20 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 12 năm tù về tội rửa tiền, tổng hợp hình phạt chung là 30 năm tù; Nguyễn Thái Lực 17 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 10 năm tù về tội rửa tiền, tổng hợp hình phạt là 27 năm tù; Trang Chí Linh 19 năm tù; Trương Thị Hồng Ngọc: 18 năm tù; Nguyễn Thái Lĩnh: 17 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Bùi Minh Đức 17 năm tù; Huỳnh Thị Ngọc Như 17 năm tù; Nguyễn Lê Hoàng Lan 16 năm tù...
Trần Huy Phúc 15 năm tù; Phan Ngọc Nguyên 15 năm tù; Trịnh Minh Pháp 13 năm tù; Nguyễn Trần Phúc Nguyên 12 năm tù; Vũ Hoàng Hải 12 năm tù; Nguyễn Thị Vân Anh 12 năm tù; Đào Thị Thanh Lợi 12 năm tù; Nguyễn Huỳnh Tú Trinh 12 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tổng hợp với hình phạt 4 năm 6 tháng tù của bản án của TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, bị cáo chấp hành chung cho cả hai bản án là 16 năm 6 tháng tù; Nguyễn Quang Sơn 10 năm tù; Nguyễn Văn Kiên 10 năm tù; Nguyễn Trung Trường 10 năm tù; Vi Thị Hiến 10 năm tù; Võ Văn Trần Quang 10 năm tù cùng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Huỳnh Thị Kim Thắng 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội rửa tiền.
Sáng 30/12, HĐXX sẽ tiếp tục tuyên án đối với phụ lục liên quan đến phần bồi thường cho các bị hại.