18h30 ngày 8/12, đại diện VKSND TPHCM đã đọc xong toàn bộ cáo trạng truy tố các bị cáo trong vụ án Alibaba. Chủ tọa phiên tòa tuyên bố kết thúc ngày làm việc đầu tiên. Phiên tòa sẽ tiếp tục làm việc vào lúc 7h30 ngày 9/12.
Như Báo Công lý đã đưa tin, sáng 8/12, TAND TP.HCM đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án lừa đảo, rửa tiền xảy ra tại Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba (Công ty Alibaba).
Sau khi kết thúc phần thẩm tra lý lịch, đại diện VKSND TP.HCM giữ quyền công tố tại phiên tòa đã công bố cáo trạng của vụ án.
Theo cáo trạng, Nguyễn Thái Luyện đã thành lập 22 công ty trực thuộc Alibaba, giao những người thân trong gia đình hoặc thân tín của mình làm người đại diện theo pháp luật của các công ty, sau đó tổ chức mua một số lượng lớn đất nông nghiệp.
Để có tiền mua đất, Công ty Alibaba và các công ty cùng hệ thống tự lập dự án dân cư, phân lô trái pháp luật, đưa ra các thông tin không có thật như: Đây là các dự án có tính pháp lý đầy đủ, tự đặt tên các dự án để kêu gọi, lừa ký hợp đồng bán đất nền dưới dạng thổ cư để huy động tiền từ khách hàng.
Để tạo lòng tin và thu hút khách hàng, Nguyễn Thái Luyện sử dụng các thủ đoạn như: Cam kết mua lại với giá cao hơn từ 30% sau 12 tháng hoặc 38% sau 15 tháng kể từ ngày nộp tiền; thuê lại với giá 2%/tháng kể từ ngày ký và thanh toán 95% giá trị hợp đồng.
Với phương thức này, hầu hết khách hàng nhận chuyển nhượng đất dưới dạng nền thổ cư do Công ty Alibaba chào bán đều không nhận được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dưới dạng thổ cư như cam kết khi đến hạn, mà được Công ty Alibaba chuyển sang hình thức trả lãi hoặc thu mua trở lại theo các hợp đồng quyền chọn hoặc phụ lục hợp đồng kèm theo.
Thực tế, hầu hết các dự án đều do Công ty Alibaba tự vẽ trái phép trên một diện tích đặc biệt lớn đất nông nghiệp, chưa được phép phân lô tách thửa, không phải đất thổ cư như Công ty Alibaba quảng cáo và thể hiện trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Bằng các thủ đoạn nêu trên, Nguyễn Thái Luyện đã chỉ đạo các nhân viên dưới quyền chiếm đoạt 2.384.903.132.761 đồng của 4.560 khách hàng. Trong đó, Cơ quan điều tra đã làm việc được với 4065 khách hàng, tố cáo bị chiếm đoạt 2.108.505.181.406 đồng.
Với hành vi trên, VKSND TPHCM đã truy tố Nguyễn Thái Luyện; Nguyễn Thái Lĩnh; Trương Thị Hồng Ngọc; Nguyễn Văn Kiên; Bùi Minh Đức; Trần Huy Phúc; Nguyễn Trung Trường; Vi Thị Hiến; Nguyễn Quang Sơn; Nguyễn Trần Phúc Nguyên; Vũ Hoàng Hải; Nguyễn Thị Vân Anh; Trịnh Minh Pháp; Trang Chí Linh; Huỳnh Thị Ngọc Như; Đào Thị Thanh Lợi; Nguyễn Lê Hoàng Lan; Võ Văn Trần Quang; Phan Ngọc Nguyên; Nguyễn Huỳnh Tú Trinh về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại khoản 4, Điều 174 BLHSBộ luật Hình sự. Võ Thị Thanh Mai, Nguyễn Thái Lực truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, quy định tại khoản 4, điều 174 và tội “Rửa tiền”, quy định tại khoản 3 Điều 324 BLHS. Huỳnh Thị Kim Thắng bị truy tố về tội “Rửa tiền”, quy định tại khoản 3 Điều 324 BLHS năm 2015.
Ngoài ra, Viện kiểm sát nhận định, đối với nhân viên Công ty Alibaba, các nhân viên môi giới của Công ty Alibaba không biết về cách thức, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Nguyễn Thái Luyện và các đồng phạm. Bản thân nhiều nhân viên cũng tin tưởng vào sự cam kết lợi nhuận, tính Pháp lý của các Dự án không có thật do Luyện và các đồng phạm tự vẽ lập, chào bán. Hơn nữa, Nguyễn Thái Luyện sử dụng thủ đoạn tổ chức phân cấp chức vụ trong Công ty Alibaba dựa trên doanh số Hợp đồng thoả thuận chuyển nhượng Quyền sử dụng đất trong tháng. Đồng thời tuyên truyền, dụ dỗ các nhân viên giới thiệu người nhà, người quen và góp tiền để đứng tên chung trong các Hợp đồng thoả thuận chuyển nhượng Quyền sử dụng đất ký kết với Công ty Alibaba để đạt được vị trí quản lý hoặc Giám đốc Sàn, giúp nhận được tiền thưởng và mức chiết khấu cao (tương tự mô hình kinh doanh đa cấp). Nên Cơ quan điều tra không xem xét trách nhiệm hình sự các nhân viên này là có căn cứ.
Đối với chủ của các thửa đất nông nghiệp đã chuyển nhượng cho Nguyễn Thái Luyện và đồng phạm, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã làm rõ các chủ đất được Nguyễn Thái Luyện và đồng phạm thông qua môi giới (hoặc trực tiếp) để ký Hợp đồng chuyển nhượng Quyền sử dụng đất. Hầu hết, giá trị thửa đất chuyển nhượng trên Hợp đồng chuyển nhượng Quyền sử dụng đất đều thấp hơn nhiều so với giá trị thực tế thanh toán. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã chuyển phần nội dung làm việc với chủ đất đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an các tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và tỉnh Bình Thuận để điều tra, làm rõ và xử lý chung đối với các dấu hiệu sai phạm về quản lý, sử dụng đất đai tại các địa phương trên.
Đối với các Văn phòng Công chứng xác nhận Hợp đồng chuyển nhượng Quyền sử dụng đất giữa chủ đất với Nguyễn Thái Luyện và các đồng phạm: Kết quả điều tra xác định, các Văn phòng Công chứng chỉ xác nhận giá trị thanh toán trên Hợp đồng chuyển nhượng Quyền sử dụng đất giữa các bên tham gia giao dịch, ngoài ra, không chịu trách nhiệm về giá trị và nội dung thanh toán thực tế nên Cơ quan điều tra không xem xét trách nhiệm hình sự của các đơn vị này là có căn cứ.
Đối với các hành vi có dấu hiệu sai phạm liên quan đến trách nhiệm của các Cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu trong việc để Công ty Alibaba mua đất nông nghiệp, phân lô tách thửa trái quy định trong một thời gian dài; Hành vi chuyển nhượng giá đất nông nghiệp với giá cao nhưng thực hiện Hợp đồng công chứng với giá thấp có dấu hiệu của tội “Trốn thuế” tại TP.HCM và các tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu được Cơ quan điều tra tách ra xem xét xử sau nên không xem xét trong vụ án này.