Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án đang được triển khai tích cực, khẩn trương trong hệ thống TAND. Do vậy việc bổ nhiệm Hòa giải viên để phục vụ công tác này cũng đang được các Tòa án thực hiện.
9 nguyên tắc quan trọng
Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án quy định 9 nguyên tắc hòa giải, đối thoại, trong đó nguyên tắc tự nguyện, nguyên tắc bảo mật thông tin và nguyên tắc linh hoạt trong hòa giải, đối thoại tại Tòa án là 3 nguyên tắc cơ bản nhất.
Cụ thể: Về nguyên tắc tự nguyện trong hòa giải, đối thoại tại Tòa án: hòa giải, đối thoại tại Tòa án là hoạt động trước tố tụng nhưng không mang tính bắt buộc, người khởi kiện, người yêu cầu, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền đồng ý hoặc không đồng ý giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính bằng cơ chế hòa giải, đối thoại tại Tòa án; nếu không đồng ý thì giải quyết theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính.
Trong quá trình hòa giải, đối thoại, Hòa giải viên phải luôn luôn tôn trọng sự tự nguyện của các bên; các nội dung thỏa thuận, thống nhất phải phản ánh đúng ý chí của các bên tham gia hòa giải, đối thoại; tuyệt đối không được đe dọa, ép buộc các bên thỏa thuận, thống nhất trái với ý chí của họ.
Về nguyên tắc bảo mật thông tin: Là nguyên tắc cơ bản của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, theo đó “Các thông tin liên quan đến vụ việc hòa giải, đối thoại phải được giữ bí mật” (khoản 5 Điều 3), trừ trường hợp bên đã xuất trình tài liệu, trình bày ý kiến trong quá trình hòa giải, đối thoại đồng ý việc sử dụng tài liệu, lời trình bày của mình trong quá trình hòa giải, đối thoại làm chứng cứ hoặc phải sử dụng làm chứng cứ theo quy định của luật.
Việc giữ bí mật đối với các thông tin trong quá trình hòa giải, đối thoại là yêu cầu bắt buộc; sẽ giúp các bên dễ dàng cởi mở chia sẻ thông tin, Hòa giải viên dễ tìm ra nguyên nhân phát sinh tranh chấp, những mâu thuẫn chủ yếu cần giải quyết…; đồng thời, Hòa giải viên sẽ thiết lập được mối liên hệ tốt với các bên tranh chấp, giúp việc tiến hành hòa giải, đối thoại được thuận lợi hơn.
Phương thức hòa giải, đối thoại được tiến hành linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế, đặc điểm của mỗi loại vụ việc: Phương thức hòa giải, đối thoại linh hoạt là một đặc điểm nổi bật của cơ chế hòa giải, đối thoại tại Tòa án, việc tiến hành hòa giải, đối thoại không bị gò bó theo trình tự, thủ tục chặt chẽ như quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính mà người Thẩm phán phải tuân theo khi tiến hành hòa giải, đối thoại trong tố tụng. Trong quá trình hòa giải, Hòa giải viên được điều chỉnh các phương pháp, thời gian, địa điểm tiến hành hòa giải phù hợp với điều kiện của các bên, nhằm đạt được kết quả hòa giải thành, đối thoại thành.
Điều kiện để được bổ nhiệm Hòa giải viên
Một trong những chính sách được thể chế tại Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án là thu hút, huy động nguồn nhân lực có kiến thức và kinh nghiệm trong xã hội tham gia phối hợp cùng Tòa án tiến hành hòa giải, đối thoại để giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính.
Do vậy, Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án đã quy định điều kiện bổ nhiệm Hòa giải viên như sau:
Điều kiện cần: Người muốn được bổ nhiệm hòa giải viên phải là: Công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam; Trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của Bộ luật Dân sự; Có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu trong việc chấp hành pháp luật.
- Điều kiện đủ: Ngoài những điều kiện cần nói trên, người muốn được bổ nhiệm làm Hòa giải viên còn phải có đủ các điều kiện sau đây: Đã là Thẩm phán, Thẩm tra viên Tòa án, Thư ký Tòa án, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên Viện kiểm sát, Chấp hành viên Thi hành án dân sự, Thanh tra viên; là Luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn khác có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác; là người có hiểu biết về phong tục tập quán, có uy tín trong cộng đồng dân cư; Có kinh nghiệm, kỹ năng hòa giải, đối thoại; Có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao; Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải, đối thoại do cơ sở đào tạo của Tòa án nhân dân tối cao cấp, trừ người đã là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Thanh tra viên, Chấp hành viên thi hành án dân sự, Thẩm tra viên Tòa án ngạch Thẩm tra viên chính, Thẩm tra viên cao cấp, Thư ký Tòa án ngạch Thư ký viên chính, Thư ký viên cao cấp.
Người thuộc một trong các trường hợp sau đây thì không được bổ nhiệm làm Hòa giải viên: (i) Không đáp ứng điều kiện cần và đủ nêu trên; Đang là cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, hạ sĩ quan Quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng; sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân, công nhân công an.
Người có đủ điều kiện theo quy định trên nộp hồ sơ đề nghị bổ nhiệm Hòa giải viên tại Tòa án nơi họ có nguyện vọng làm Hòa giải viên.
Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị bổ nhiệm Hòa giải viên, Chánh án TAND cấp tỉnh xem xét, quyết định bổ nhiệm Hòa giải viên, trường hợp từ chối bổ nhiệm thì phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày ra quyết định bổ nhiệm, Chánh án TAND cấp tỉnh công bố danh sách Hòa giải viên trên Trang thông tin điện tử của TAND cấp tỉnh và niêm yết tại trụ sở Tòa án nơi Hòa giải viên làm việc; đồng thời gửi TAND tối cao để công bố trên Cổng thông tin điện tử của TAND tối cao.
Nhiệm kỳ của Hòa giải viên là 03 năm kể từ ngày được bổ nhiệm.
Đáng chú ý, những người đang là cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, hạ sĩ quan Quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng; sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân, công nhân công an không được bổ nhiệm làm Hòa giải viên.