Trong một lần tận mắt chứng kiến cái chết thương tâm của một người phụ nữ khi đi qua cầu Bà Gần, bà Hoa quyết định dành trọn số tiền 50 triệu đồng tích cóp nhiều năm để xây lan can cầu cho người dân.
Về xã Bình Triều hỏi nhà bà Hoa, khách sẽ được nghe những lời biết ơn của người dân dành cho bà, cùng với đó là sự chỉ dẫn rất nhiệt tình. Hoa “lan can” - đó là biệt danh mà người dân nơi đây yêu mến đặt cho bà Nguyễn Thị Hoa (SN 1958, thôn Hưng Mỹ, xã Bình Triều). Câu chuyện bắt đầu từ một ngày cuối năm 2011, trong một lần đi dự tiệc cưới về ngang qua cầu Bà Gần bắc qua sông Trường Giang nối thôn Hưng Mỹ với thôn Vân Tiên (xã Bình Đào, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam), bà Hoa tận mắt chứng kiến một vụ tai nạn hết sức thương tâm. Hai người phụ nữ đi cùng chiều với bà, lúc qua cầu Bà Gần bị lạc tay lái lao xuống sông. Một người chết thảm, người còn lại bị thương nặng.
Nhiều người dân trong thôn Hưng Mỹ cho biết, cầu Bà Gần thường xuyên xảy ra những vụ chết đuối rất đau lòng. Nguyên nhân chủ yếu là do cầu được xây dựng không có lan can che chắn, mặt cầu nhấp nhô nên đi qua cầu rất dễ bị lạc tay lái rơi xuống sông. Mặt khác, đoạn sông dưới chân cầu có mực nước sâu và chảy xiết nên rất nguy hiểm. Vì thế, những trẻ em đi học, người buôn bán hay đi làm về khuya rất sợ hãi mỗi khi đi qua cây cầu này. Ông Phan Văn Hải (SN 1951, ngụ thôn Vân Tiên) cho biết, đã có nhiều người đi qua cầu Bà Gần rơi xuống sông và chết đuối một cách oan uổng. Để cầu mong cho linh hồn họ siêu thoát, bà con nơi đây dựng một cái am gần cầu để thờ tự.
Tận mắt chứng kiến những cảnh tượng đau lòng đó, bà Hoa trăn trở nhiều đêm rồi quyết định dùng hết số tiền 50 triệu đồng tích góp trong nhiều năm để xây lan can cầu. Nghĩ là làm, tháng 2/2012, bà tìm gặp Trưởng thôn Hưng Mỹ để xin ý kiến xây lan can nhưng không thành. Vị Trưởng thôn bảo: “Đây là cầu Nhà nước xây dựng, cá nhân chị việc gì phải bỏ tiền ra làm! Hơn nữa, cầu này do huyện quản lý nên tôi không có thẩm quyền quyết định, chị lên xã hỏi xem sao”, bà Hoa kể lại. Sau đó, bà Hoa lên hỏi xã nhưng xã cũng trả lời như Trưởng thôn. Bà tiếp tục lên huyện, tại đây, bà được cho phép xây lan can cầu, nhưng huyện nói muốn xây phải có thiết kế chi tiết. Sau 2 tháng chờ đợi, thúc giục thiết kế, cuối cùng đến tháng 4/2012, công trình mới bắt đầu khởi công. Trong một tháng xây lan can, bà Hoa luôn túc trực tại công trình để theo dõi và lo cơm nước cho thợ, một mình bà chạy ngược chạy xuôi làm hết mọi việc. “Tôi ra trông coi và nhắc nhở mấy chú thợ xây làm đúng thiết kế. Vả lại, tôi cũng sợ mấy chú ấy bất cẩn rơi xuống sông nên cứ phải canh chừng”, bà Hoa chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Hoa bỏ 50 triệu đồng tích góp nhiều năm để xây lan can cho dân làng
Đến tháng 5/2012 thì lan can cầu Bà Gần hoàn thành trong sự vui mừng khôn xiết của bà con 2 xã Bình Triều và Bình Đào. Chị Trần Thị Kiều Loan (SN 1971, trú tổ 1, thôn Hưng Mỹ) tâm sự: “Khi lan can cầu được xây xong, bà con nơi đây ai cũng biết ơn bà Hoa. Trước đây, cầu này có nhiều người chết đuối, nay thì an toàn rồi. Con tôi bây giờ đi học hay đi chơi qua cầu tôi cũng không phải lo lắng nữa, bà con 2 xã đi lại cũng an tâm hơn, khi có mưa hay lũ lớn cũng không sợ như lúc trước, những người đi làm về khuya cũng không phải sợ rơi xuống sông”.
Không những bỏ tiền tu bổ cầu cho người dân, bà Hoa còn là nhà hảo tâm nhiệt tình nhất của xã. Năm nào bà cũng xung phong đóng góp một phần quà vào quỹ học sinh giỏi, tiếp sức đến trường cho những em có hoàn cảnh gia đình khó khăn do xã phát động. Bà đăng ký với Hội Phụ nữ xã đóng góp kinh phí hàng năm để ủng hộ các em học sinh nghèo, học giỏi. Cũng chính vì lẽ đó mà bà Hoa rất được bà con, hàng xóm quý mến. “Bây giờ con cái lớn rồi, tôi lại ở một mình nên muốn góp một ít công sức cho những người có hoàn cảnh khó khăn, vì tôi cũng nằm trong hoàn cảnh đó nên tôi hiểu” bà Hoa tâm sự.
Cầu Bà Gần bây giờ an toàn hơn vì có lan can che chắn
Qua tìm hiểu được biết, hoàn cảnh của bà Hoa cũng nhiều khó khăn. Bà thoát ly gia đình vào Nam năm 16 tuổi. Thời gian đầu xa quê vào đất khách kiếm sống với vô vàn khó khăn, nhưng do biết tằn tiện, bà cũng ổn định cuộc sống. Bốn năm sau bà gặp và yêu chàng trai quê Bình Định rồi nên nghĩa vợ chồng. Lúc đầu, cuộc sống tuy cơ cực, vất vả nhưng vẫn hạnh phúc. Về sau, người chồng càng ngày càng thể hiện thói vũ phu. Lúc này, vì thương những đứa con thơ nên bà cam tâm chịu đựng, không muốn 3 đứa con sống trong cảnh thiếu thốn tình thương của cha mẹ. Sau khi đứa con út được 12 tuổi, bà quyết định ly hôn sau gần 30 năm chung sống. Sau khi chia tay chồng, bà tìm về lại quê hương nhưng cũng không còn người thân nào bên cạnh. Mẹ bà trong một cơn bạo bệnh đã mất năm 2006, còn cha thì từ lúc sinh ra bà vẫn chưa một lần gặp mặt. Cuộc sống tuy không có tình thương của người thân nhưng bù lại bà được sự chở che của hàng xóm, láng giềng.
Khi mới đặt chân về quê, không có nghề nghiệp trong tay nên cuộc sống khá vất vả. Nghe lời gợi ý của một người hàng xóm, bà mở một quán karaoke nhỏ để kiếm sống qua ngày. Tuy nhiên, do kinh doanh ế ẩm, lại gặp nhiều khách không đứng đắn trong lúc bà sống đơn thân nên sau một thời gian, bà chuyển sang việc khác. Từ số vốn ít ỏi dành dụm được trong những năm tháng sống trong miền Nam, bà xây 4 phòng trọ nhỏ để cho thuê. Tiền thu được từ cho thuê phòng trọ mỗi tháng không nhiều nhưng cũng đủ cho bà sống qua ngày.
Bà Hoa cho biết, số tiền xây lan can cầu là tiền bà tích góp trong mấy chục năm, bà dự định gửi vào TP. Hồ Chí Minh cho con gái lớn lo cho các em. Vì bao nhiêu năm nay, 3 đứa con của bà đã sống thiếu tình thương của mẹ, bà muốn bù đắp một phần nào đó cho các con… Tuy nhiên, nhận thấy việc xây lan can cầu Bà Gần là cần thiết nên bà sẵn sàng dùng số tiền này để xây lan can mà không gửi cho các con nữa.