Trong những năm qua, tại các tỉnh miền núi phía Bắc các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng (BĐBP) luôn phát huy vai trò, trách nhiệm trong sự nghiệp xây dựng nền biên phòng toàn dân với tinh thần xuyên suốt “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, kiên trì bám dân, bám địa bàn, gắn bó máu thịt với đồng bào các dân tộc nơi biên giới.
Quán triệt đường lối, quan điểm của Đảng; tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò, sức mạnh của nhân dân: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, để hoàn thành được nhiệm vụ, BĐBP phải dựa vào dân, xây dựng nền Biên phòng toàn dân vững chắc, cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động và tổ chức cho nhân dân tham gia vào sự nghiệp quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Từ thực tiễn hiệu quả của phong trào quần chúng nhân dân tham gia xây dựng và bảo vệ biên giới, ngày 22/2/1989, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Quyết định số 16/HĐBT về tổ chức "Ngày Biên phòng" trong cả nước, bắt đầu từ ngày 3/3/1989. Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XI, ngày 17/6/2003 đã thông qua Luật Biên giới quốc gia, trong đó xác định lấy ngày 3/3 hàng năm là "Ngày Biên phòng toàn dân".
Cùng với đó, để tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của toàn xã hội, của tuyến sau hướng về biên giới trong thực hiện "Ngày Biên phòng toàn dân" với các phong trào chính trị, xã hội sâu rộng, sinh động, ngày 12/2/2020, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Bộ Tư lệnh BĐBP đã triển khai Kế hoạch số 78/KHPH-MTTW-BĐBP về việc phối hợp tổ chức “Ngày hội Biên phòng toàn dân” nhằm cụ thể hóa "Ngày Biên phòng toàn dân" thực sự trở thành ngày hội truyền thống và tập quán sinh hoạt văn hóa tốt đẹp của quân, dân biên giới, biển đảo; tạo ra được nhiều mô hình tiên tiến, cơ sở vật chất và tinh thần phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ biên giới.
Trên cơ sở đó, các ban, bộ, ngành, đoàn thể từ Trung ương đến các địa phương, nhất là các tỉnh, thành phố có biên giới, bờ biển đã quán triệt, triển khai nghiêm túc, hiệu quả 5 nội dung của "Ngày Biên phòng toàn dân"; quán triệt cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, quần chúng và nhân dân hiểu rõ vị trí, ý nghĩa, nội dung, tầm quan trọng của việc thực hiện "Ngày Biên phòng toàn dân" trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đặc biệt, phong trào “Quần chúng tự quản đường biên, cột mốc biên giới” được hình thành từ hoạt động thực tiễn, lần đầu xuất hiện ở tỉnh Cao Bằng (năm 1997), sau phát triển sang nhiều tỉnh; đây là hình thức giáo dục, tổ chức thích hợp để đưa nhân dân các dân tộc trực tiếp tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới có hiệu quả nhất, làm cho mỗi người dân thực sự trở thành chủ nhân ở khu vực biên giới, góp phần củng cố đoàn kết dân tộc, xây dựng cơ sở chính trị và thúc đẩy các phong trào khác ở địa phương, từ đó thúc đẩy sự phát triển của nền biên phòng toàn dân lên một bước mới.
Tại tỉnh Cao Bằng, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh triển khai các nội dung “Ngày Biên phòng toàn dân”, qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; phục vụ đắc lực cho sự nghiệp đổi mới đất nước và mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế. Các cấp, ngành, các lực lượng tích cực tổ chức tuyên truyền được 9.280 buổi/336.546 lượt người nghe về các nội dung “Ngày Biên phòng toàn dân”; các văn bản pháp luật và nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới...
Giai đoạn 2019 - 2024, tỉnh hỗ trợ kinh phí trên 76 tỷ đồng cho nhiệm vụ công tác biên phòng và xây dựng lực lượng BĐBP; chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể vận động, huy động nguồn lực hỗ trợ khu vực biên giới trên 48 tỷ đồng để thực hiện các hoạt động an sinh xã hội. Riêng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh trực tiếp tham gia và phối hợp với chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể thực hiện có hiệu quả các dự án, chương trình như: Dự án “Cán bộ, chiến sĩ quân đội nâng bước em tới trường”; “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản”; "Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn Biên phòng; “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”; phong trào “BĐBP Cao Bằng với công tác đền ơn, đáp nghĩa nơi biên giới” và các chương trình mục tiêu quốc gia...
Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh đánh giá cao những kết quả đạt được trong thời gian qua đã tiếp tục khẳng định chủ trương tổ chức “Ngày Biên phòng toàn dân” của Chính phủ là rất đúng đắn, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn nhiệm vụ xây dựng, quản lý và bảo vệ biên giới của Tổ quốc trong tình hình mới. Trong thời gian tới, việc tổ chức thực hiện các nội dung “Ngày Biên phòng toàn dân” từng cấp, từng ngành, từng địa phương cần xây dựng chủ trương, kế hoạch với những nội dung, mục tiêu cụ thể; phát huy sức mạnh, nguồn lực tại chỗ của địa phương; tiếp tục tổ chức cho nhân dân thực hiện có hiệu quả phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới” theo tinh thần Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. UBND các huyện, Thành phố, nhất là các huyện biên giới quan tâm chỉ đạo các xã, thị trấn biên giới tổ chức tốt các hoạt động “Ngày Biên phòng toàn dân” gắn với sơ kết phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới” vào dịp 3/3 hằng năm; kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng những mô hình, những tập thể và cá nhân tiêu biểu có thành tích xuất sắc.
Tại tỉnh Hà Giang là tỉnh miền núi, biên giới phía Bắc của Tổ quốc, có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, quốc phòng - an ninh (QP-AN) và đối ngoại, có đường biên giới giáp với Trung Quốc dài 277,556 km, với tổng số 442 mốc quốc giới (358 mốc chính và 84 mốc phụ), tiếp giáp với 16 hương, trấn thuộc 3 huyện: Phú Ninh, Ma Ly Pho, Mã Quan, tỉnh Vân Nam và một phần của huyện Nà Pô, khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây (Trung Quốc). Với địa bàn biên giới rộng, địa hình hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, hạ tầng còn nhiều hạn chế, giao thông đi lại khó khăn. Tình hình an ninh, trật tự ở khu vực biên giới (KVBG) nổi lên là hoạt động tôn giáo trái pháp luật tác động vào một bộ phận quần chúng nhân dân; di cư tự do, xuất nhập cảnh trái phép, hoạt động của các loại tội phạm mua bán người, ma túy, trộm cắp qua biên giới, thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh trên người và gia súc còn diễn biến phức tạp, khó lường.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các cấp, ngành, huyện, thành phố trong tỉnh đã có nhiều cố gắng xây dựng KVBG phát triển toàn diện về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và QP - AN, phòng tuyến Nhân dân bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới ngày càng vững mạnh.
Qua 5 năm thực hiện “Ngày Biên phòng toàn dân” giai đoạn 2019 - 2024 trên phạm vi toàn tỉnh và ngày 3/3 hằng năm đã trở thành ngày hội “Hướng về biên giới”. Hà Giang đã làm tốt công tác tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân với những nội dung, hình thức, phương pháp phong phú, đa dạng, phù hợp với từng đối tượng. Đặc biệt, ở khu vực biên giới có 346 già làng, trưởng thôn là người có uy tín luôn là những tấm gương sáng, đi đầu trong chấp hành và tuyên truyền, vận động bà con và nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đảng ủy BĐBP tỉnh đã lựa chọn, bồi dưỡng, phát huy tốt vai trò của 34 đồng chí cán bộ BĐBP tăng cường giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy các xã, thị trấn biên giới, 172 đồng chí cán bộ, đảng viên các Đồn Biên phòng tham gia dự sinh hoạt tại 176 chi bộ thôn, xóm của 34 xã, thị trấn biên giới; lựa chọn cử 41 đồng chí cán bộ BĐBP tham gia cấp ủy cấp huyện, xã, thị trấn biên giới; Phân công 346 đảng viên Đồn Biên phòng phụ trách giúp đỡ 1.589 hộ gia đình khu vực biên giới. Củng cố, kiện toàn 346 tổ an ninh tự quản, duy trì, phát huy hiệu quả 107 tập thể và 856 hộ gia đình, cá nhân tham gia tự quản đường biên, mốc quốc giới....
Trước yêu cầu, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh BGQG, ngày 28/9/2018, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 33-NQ/TW về Chiến lược bảo vệ BGQG, trong đó xác định: “Quản lý, bảo vệ BGQG là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị và cả nước; dựa vào dân, lấy dân làm gốc, nhân dân là chủ thể, “mỗi người dân biên giới là một cột mốc sống”; lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt...”. Tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Biên phòng Việt Nam, trong đó tại khoản 1, Điều 23 tiếp tục khẳng định: “Ngày 3/3 hằng năm là Ngày Biên phòng toàn dân”. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung của Ngày Biên phòng toàn dân.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng, Quyền Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang nhấn mạnh “nhận thức của cấp ủy, chính quyền, các cấp, ngành và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh về sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, nhất là nhân dân KVBG về biên giới quốc gia, về chủ quyền lãnh thổ, đường biên, mốc giới và “Ngày Biên phòng toàn dân” được nâng lên rõ rệt, qua đó đã phát huy được vai trò của quần chúng nhân dân trong công tác bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới; tạo điều kiện thuận lợi cho BĐBP tỉnh tổ chức triển khai và thực hiện hiệu quả các phương án, giải pháp bảo vệ biên giới, không để xảy các vụ việc phức tạp trên biên giới, xây dựng thế trận biên phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân ngày càng vững mạnh, có chiều sâu, góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Trước tình hình mới, yêu cầu, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia đặt ra ngày càng nặng nề, trong thời gian tới, các cấp, ngành, lực lượng trong tỉnh cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tổ chức tuyên truyền sâu rộng hơn nữa trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về nội dung của “Ngày Biên phòng toàn dân”. Đặc biệt là nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và đoàn thể các cấp trong công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực tham gia phong trào tự quản đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự trên biên giới.
Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của cấp ủy tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo QP - AN, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ tỉnh. Huy động, ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, QP - AN cho các xã, thị trấn biên giới, trước mắt phấn đấu đến hết năm 2024 cơ bản hoàn thành chỉ tiêu 100% thôn biên giới có đường giao thông đạt chuẩn Nông thôn mới. Phát động phong trào toàn dân hướng về biên giới, tạo sức mạnh tổng hợp cùng lực lượng BĐBP và các lực lượng vũ trang bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới.
Tiếp tục quan tâm chỉ đạo BĐBP trong tham gia thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án phát triển KT-XH ở khu vực biên giới, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, xây dựng khu vực biên giới hòa bình, hợp tác, phát triển.
Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư lệnh BĐBP tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện xây dựng BĐBP tỉnh ngày càng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Đồng thời, BĐBP tỉnh phải nỗ lực lớn, quyết tâm cao hơn nữa để xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng lực lượng nòng cốt chuyên trách trong bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.
Có thể khẳng định, các hoạt động của "Ngày Biên phòng toàn dân" được tổ chức thường xuyên, rộng khắp; tạo khí thế sôi nổi, trở thành ngày hội của nhân dân cả nước, góp phần xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận Biên phòng toàn dân vững chắc. Qua đó phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, các đoàn thể, của cả hệ thống chính trị và của toàn dân, trong đó BĐBP là lực lượng nòng cốt, chuyên trách, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới, biển, đảo; góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới.