Phóng sự - Ghi chép

Nghệ nhân của bản - Bài 2: Miệt mài giữ gìn bản sắc văn hóa Thổ

Gia Ân- Phan Giang 14/06/2023 06:45

Lớn lên từ câu hát đu đu điềng điềng, cùng đung đưa theo tiếng kẽo kẹt của chiếc võng gai, hồn cốt văn hóa Thổ đã ngấm sâu vào các nghệ nhân từ thưở bé thơ. Đau đáu với sự mai một những nét văn hóa vô cùng đặc sắc của dân tộc mình- các nghệ nhân Trương Sông Hương và Trương Thanh Hải ở huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) là hai trong số ít những người hiếm của bản Mường trong hành trình bảo tồn và phục dựng lại hồn cốt của đồng bào Thổ nơi miền Tây xứ Nghệ.

bia3.png

Nghệ nhân giữ “hồn” văn hóa Thổ

Ông Trương Sông Hương là một trong số ít những nghệ nhân đầu tiên ở huyện miền núi Quỳ Hợp nói riêng và tỉnh Nghệ An nói chung được Hội đồng cấp Nhà nước công nhận danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.

Cùng với danh hiệu “Nghệ nhân dân gian”, ông Trương Sông Hương ở xóm Sơn Tiến, xã Thọ Hợp (huyện Quỳ Hợp – Nghệ An) đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, ngành về những đóng góp xuất sắc của mình trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn.

anh-1-ong-truong-song-huong-la-mot-trong-hai-nghe-nhan-dau-ten-o-quy-hop-duoc-cong-nhan-danh-hieu-nghe-nhan-uu-tu-.jpg
Ông Trương Sông Hương là một trong hai nghệ nhân đầu tiên ở huyện Quỳ Hợp được công nhận danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”

Đối với người Thổ, những làn điệu dân ca, dân vũ và các loại nhạc cụ như đàn tính, kèn, sáo, nhị đã trở thành nét văn hóa đặc trưng. Tuy nhiên, hiện nay do nhiều yếu tố khác nhau, nét văn hóa này đang đứng trước nguy cơ mai một.

Không đành lòng trước thực tế đó, ngày ngày tại xã Thọ Hợp, những làn điệu dân ca hay những nhạc cụ truyền thống…vẫn được nghệ nhân Trương Sông Hương miệt mài sáng tạo, lưu giữ và truyền dạy. Việc làm đầy ý nghĩa này của ông đã được cộng đồng quan tâm, ủng hộ nhiệt tình...

Gần 20 năm nay, không phân biệt lứa tuổi, từ các em học sinh, các cụ già đến nam thanh nữ tú ở các bản làng đều tập trung về nhà ông Hương để cùng học các làn điệu dân ca, dân vũ do nghệ nhân Trương Sông Hương truyền dạy.

Em Trương Thị Quỳnh Như, xóm Sơn Tiến, xã Thọ Hợp cho hay: “Mỗi khi nghỉ giải lao sau giờ học, chúng em lại tìm đến nhà ông Hương để được ông dạy các bài hát dân ca Thổ. Đó là những bài hát rất hay, em rất muốn tìm hiểu các bài dân ca của dân tộc mình”.

Đối với người Thổ, những làn điệu dân ca, dân vũ và các loại nhạc cụ như đàn tính, kèn, sáo, nhị đã trở thành nét văn hóa đặc trưng.

Những năm qua, đồng bào dân tộc Thổ ở xã Thọ Hợp xem ông Hương như một "nghệ nhân cộng đồng" thực thụ, bởi vốn hiểu biết thông thái về văn hóa dân gian của ông.

Còn nhớ, khi UBND huyện Quỳ Hợp được sự hỗ trợ của Ban điều phối Dự án "Cải thiện đời sống của cộng đồng người dân và nâng cao năng lực các tổ chức địa phương" do Phần Lan tài trợ năm 2006, ông Hương đã không ngần ngại đăng ký tham gia đứng lớp... "miễn phí" và làm chủ nhiệm Câu lạc bộ Văn hoá dân gian dân tộc Thổ ở làng Sơn Tiến, xã Thọ Hợp. Không lâu sau khi ra đời, Câu lạc bộ đã trở thành điểm đến của những người yêu văn hóa Thổ.

Trong tiếng đàn, tiếng kèn, tiếng sáo và tiếng hát rộn rã hòa lẫn với những điệu nhảy múa, reo hò của bà con đồng bào Thổ, ông Hương cho biết: “Do bản thân tôi có hiểu biết về lời ca tiếng hát, các làn điệu dân ca, dân vũ của đồng bào Thổ nên tôi muốn giữ lại phong trào. Lo sợ sau này phong trào sẽ bị mai một đi nên tôi đã tập trung một số con cháu đến nhà để bày dạy. Hy vọng sẽ giữ lại mãi được các phong trào, bản sắc của người Thổ”.

anh-2-ngay-ngay-ong-truong-song-huong-van-say-suu-truyen-day-cho-the-he-tre.jpg
Ngày ngày, ông Trương Sông Hương vẫn say sưa truyền dạy cho thế hệ trẻ

Tôi muốn giữ lại những lời ca tiếng hát, các làn điệu dân ca, dân vũ, bản sắc của người Thổ"

Nghệ nhân ưu tú Trương Sông Hương

Với ông Trương Văn Vinh, ở xóm Sơn Tiến, xã Thọ Hợp những làn điệu dân ca, dân vũ của dân tộc Thổ từ lâu đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân nơi đây. Nó là một nét văn hóa đặc trưng cần được bảo tồn nên dù bận việc đồng áng nhưng hôm nào cũng vậy, ông và mọi người đều sắp xếp thời gian đến tham gia câu lạc bộ để được nghệ nhân Trương Sông Hương truyền đạt cho mình. Ông Vinh hồ hởi cho biết: “Khi thành lập CLB tôi xin vào, ông Sông Hương sáng tác bài gì chúng tôi cũng cố gắng nghe theo ông để làm nhạc cho chị em múa, hát”.

Ngoài việc truyền dạy dân ca, dân vũ, nghệ nhân Trương Sông Hương còn đóng góp công sức rất lớn vào việc gìn giữ các loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào Thổ. Hiện tại, ông dành hẳn một gian ở nhà để trưng bày trên chục loại nhạc cụ như: Đàn tính, kèn, sáo, nhị…Trong đó, có nhiều hiện vật quý do chính ông sưu tầm và sáng tạo.

Cũng nhờ đó, hiện nay trong các dịp lễ, Tết, hội hè thậm chí cả đám cưới, lễ mừng nhà mới, ngày hội các dân tộc thiểu số hằng năm... thì ngoài phần lễ, phần hội đã được tổ chức bài bản, công phu hơn trước với những tiết mục dân ca, dân vũ được biểu diễn mang đậm nét truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số...

Tuy nhiên, trước sự du nhập của nhiều nền văn hóa khác, việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc là một điều rất cần thiết. Và ông Trương Sông Hương là một tấm gương sáng để mọi người học theo. Vậy nên, bạn bè, đồng nghiệp tin yêu gọi ông là “pho văn hóa sống của đồng bào Thổ”.

Đến nay, tại Quỳ Hợp tất cả các xóm, bản ở Quỳ Hợp đều đã xây dựng được các đội văn nghệ dân gian. Có được kết quả này, không thể không kể đến công sức rất lớn của những nghệ nhân như ông Trương Sông Hương.

anh-6-ong-truong-song-huong-khong-chi-choi-duoc-cac-loai-nhac-cu-dan-toc-tho-ma-con-lam-duoc-nieu-loai-nhac-cu-khac.jpg
Ông Trương Sông Hương đang giới thiệu với cán bộ văn hóa huyện, xã về bộ sưu tập các loại nhạc cụ của mình
anh-4-cau-lac-bo-van-hoa-dan-gian-dan-toc-tho-o-xom-son-tien-xa-tho-hop-do-ong-truong-song-huong-lam-chu-nhiem.jpg
Câu lạc bộ Văn hoá dân gian dân tộc Thổ ở xóm Sơn Tiến, xã Thọ Hợp do ông Trương Sông Hương làm chủ nhiệm
anh-3-ong-truong-song-huong-ben-trai-dang-gioi-thieu-voi-can-bo-van-hoa-huyen-xa-ve-bo-suu-tam-cac-loai-nhac-cu-cua-minh.jpg
Ông Trương Sông Hương không chỉ chơi được các loại nhạc cụ dân tộc Thổ mà còn làm được nhiều loại nhạc cụ khác

Ông Trương Văn Thông, cán bộ văn hóa xã Thọ Hợp, Quỳ Hợp khẳng định: “Trong quá trình xây dựng và phát triển có sự đóng góp rất lớn của nghệ nhân Trương Sông Hương để bảo tồn và phát huy những giá trị bản sắc, văn hóa của xã Thọ Hợp. Ông Hương đã giúp xã Thọ Hợp có một CLB hoạt động có hiệu quả và phát triển mạnh như bây giờ”.

Giờ đây, ông Hương đã có thể thong dong khắp bản trên, mường dưới cho niềm đam mê của mình. Ông muốn văn hóa bản sắc Thổ luôn tỏa sáng trong vườn hoa đầy hương sắc của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Đam mê với những làn điệu dân tộc

Không chỉ có nghệ nhân Trương Sông Hương ở xã Thọ Hợp, mà nghệ nhân Trương Thanh Hải, ở xóm Phượng, xã Nghĩa Xuân, (huyện Quỳ Hợp - Nghệ An) cũng được biết đến là người có niềm đam mê vô hạn với những làn điệu dân tộc.

Nhiều năm qua ông đã sưu tầm, lưu giữ và phát triển được nhiều làn điệu dân ca, những loại nhạc cụ và các phong tục tập quán của đồng bào Thổ. Để rồi ngày ngày ông lại miệt mài truyền lại cho lớp thế hệ sau.

Từ nhỏ ông Trương Thanh Hải đã được thừa hưởng niềm đam mê hát dân ca Thổ từ bà nội, một ca nương của dàn nhạc cung đình Huế ở thế kỷ XIX.

Là con trai duy nhất của ông Trương Công Hàm, cán bộ Quân y công tác tại Cục Hậu cần và bà Trương Thị Tơ, là cán bộ phụ nữ xã Nghĩa Xuân nên không thuộc diện phải nhập ngũ. Song nghe tiếng gọi thiêng liêng của Tổ Quốc, năm 1977, chàng trai Trương Thanh Hải đang học lớp 10 của Trường cấp 3 Quỳ Hợp 1 đã viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ.

Trong quân đội, với năng khiếu văn nghệ sẵn có, ông Trương Thanh Hải đã tích cực tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ, đi biểu diễn khắp các đơn vị cho quân dân các địa phương nơi ông tham gia chiến đấu. Năm 1981, thương bố mẹ già yếu không ai chăm sóc, ông xin xuất ngũ về địa phương.

Trở về địa phương, ông luôn tích cực tham gia các phong trào văn hóa. Cùng với sự phát triển chung của xã hội, dân tộc Thổ đã, đang bị mai một và bị thất truyền nhiều giá trị văn hóa của dân tộc mình nên bản thân ông Trương Thanh Hải đã sớm ý thức được trách nhiệm của bản thân.

thanh-hai2.jpg
Nghệ nhân Trương Thanh Hải giới thiệu các nhạc cụ đồng bào Thổ

Bằng lòng đam mê, đã thôi thúc ông không quản thời gian, công sức cất công đi học hỏi, sưu tầm trong các nghệ nhân ở khắp các làng bản đồng bào Thổ trong và ngoài huyện suốt hơn 25 năm qua.

“Là những lớp người được chứng kiến các sự kiện ngày xưa của ông cha mà bây giờ đã bị mai một, tôi rất trăn trở. Từ đó, trong quá trình công tác tôi đã tự ghi chép lại, tự dịch ra rồi truyền cho con, cháu, cho tất cả nhân dân trong huyện. Ở chỗ nào cần, chương trình nào cần tôi cũng đưa vào giới thiệu các giá trị văn hóa của đồng bào Thổ, một lần, hai lần, rồi nhiều lần như thế trong suốt 25 năm qua”, ông Hải chia sẻ.

Trong quá trình công tác, không quản nắng mưa, ngày đêm, được nghỉ ông lại tranh thủ thời gian đi sưu tầm và biên dịch bảo tồn những kỹ năng trình diễn một số phong tục tập quán của dân tộc Thổ như tục cúng mo Ma, tục cúng mo Vía, tục cúng ma Nhà…viết và biên dịch được tập truyện thơ "Chàng Pông Hương và Ả nàng Xờm" kể chuyện một mối tình đắm say của đôi trai gái người Thổ nhưng đã bị gia đình cả hai bên ngăn cản…cuối cùng, đôi trai gái ấy phải quyên sinh để được sống trọn vẹn hạnh phúc bên nhau như đã thề thốt, truyện thơ dài 371.

Qua đó giúp người đọc có thể hiểu sâu hơn về văn hóa yêu, văn hóa phong tục, tập quán và những nét văn hóa tâm linh cổ truyền, cũng như tính cộng đồng của dân tộc Thổ ở vùng phủ Quỳ.

Quá trình công tác tôi tự ghi chép lại rồi dịch ra và truyền cho con cháu, cho tất cả người dân trong huyện. Chỗ nào cần, chương trình nào cần tôi cũng đưa vào giới thiệu các giá trị văn hóa của đồng bào Thổ trong suốt 25 năm qua"

Nghệ nhân Trương Thanh Hải

Thầy Mo Trương Văn Huê, xóm Mó, xã Nghĩa Xuân cho hay: “Ông Hải là một người nhiệt tình trong công tác xây dựng nền văn hóa dân tộc Thổ và sưu tầm tất cả các vật dụng của dân tộc Thổ. Mục đích là lưu lại cho đời sau biết thời ông cha đã sống như thế, có những thứ như thế, điều đó thể hiện được tinh thần giữ được bản sắc văn hóa Thổ”.

Ngoài ra, ông Trương Thanh Hải còn sưu tầm gìn giữ và phát triển hơn 8 làn điệu, hàng chục bài hát dân ca, dân vũ dân tộc Thổ phổ biến rộng rãi qua các cuộc thi ở huyện, ở tỉnh và cả trung ương. Bên cạnh đó, hơn 25 năm qua, ông còn nghiên cứu chắt lọc và dịch ra tiếng phổ thông rồi truyền dạy rộng rãi tại 15 xóm bản của toàn xã thông qua đội văn nghệ thông tin tuyên truyền của xã và CLB văn nghệ dân gian thuần Thổ xóm Mó.

thanh-hai.jpg
Nghệ nhân Trương Thanh Hải vinh dự là 1 trong 3 cá nhân điển hình tiêu biểu ở Nghệ An về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, năm 2022 được Thủ tướng Chính Phủ tặng bằng khen tại Chương trình Hồ Chí Minh- Hành trình và khát vọng
anh-5-bao-tang-ho-chi-minh-tang-ky-vat-ve-bac-cho-nghe-nhan-truong-thanh-hai.jpg
Bảo tàng Hồ Chí Minh tặng kỷ vật về Bác cho nghệ nhân Trương Thanh Hải.
anh-7-gio-day-ve-huu-ong-truong-thanh-hai-co-nhieu-thoi-gian-cho-niem-dam-me-cua-minh.jpg
Giờ đây về hưu, ông Trương Thanh Hải có nhiều thời gian dành cho niềm đam mê của mình

Ghi nhận cho những đóng góp đó, ông Trương Thanh Hải đã được tặng Huân chương chiến sỹ vẻ vang hạng Nhì, Giấy khen của Quân đoàn 1; Từ năm 2000-2004, được Bộ VHTT tặng Bằng khen vì có thành tích trong xây dựng và tổ chức các hoạt động văn hóa thông tin ở cơ sở; Năm 2006, UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích trong công tác phát tranh, truyền hình; Năm 2009, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng bằng khen vì có thành tích viết kịch bản truyền thông cho thiếu nhi về môi trường; Năm 2012 được tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp văn hóa thể thao và du lịch; Năm 2015 được tặng kỷ niệm chương vì sự tiến bộ của phụ nữ. Ngoài ra, ông còn được tặng hàng trăm giấy khen của huyện, xã và của các tổ chức đơn vị khác trong hoạt động lĩnh vực văn hóa.

Đặc biệt, nghệ nhân Trương Thanh Hải vinh dự là 1 trong 3 cá nhân điển hình tiêu biểu ở Nghệ An về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, năm 2022 được Thủ tướng Chính Phủ tặng bằng khen tại Chương trình Hồ Chí Minh- Hành trình và khát vọng.

Say sưa tìm tòi sưu tầm các làn điệu dân ca, dân vũ và phục dựng các lễ hội, phong tục của đồng bào Thổ, các gia đình nghệ nhân Trương Sông Hương, Trương Thanh Hải đã trở thành địa chỉ để truyền bá cái hay, cái đẹp của văn hóa truyền thống dân tộc Thổ từ lúc nào không hay. Mỗi khi ai có nhu cầu tìm hiểu về những loại hình nghệ thuật dân gian của Thổ ở Nghệ An, họ lại tìm đến các ông, những nghệ nhân của bản.

Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghệ nhân của bản - Bài 2: Miệt mài giữ gìn bản sắc văn hóa Thổ