Đời sống

Lan tỏa phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa

Gia Ân – Thái Hiền 07/06/2023 - 15:36

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn huyện miền núi Anh Sơn (Nghệ An) đã tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo lời giới thiệu của cán bộ văn hóa xã Thành Sơn (huyện Anh Sơn, Nghệ An), chúng tôi tìm đến gia đình chị Lữ Hồng Tứ (ở thôn Hùng Thành), khi xung quanh đã thơm mùi khói bếp, các thành viên trong gia đình đang chuẩn bị cho bữa cơm trưa trong ngày.

Từ nhiều năm nay, gia đình chị Tứ được bầu chọn là gia đình văn hóa tiêu biểu của xã. Chị Tứ chia sẻ, bản thân chị và gia đình nhận thức rất rõ tầm quan trọng của việc phát triển kinh tế hộ gia đình, ổn định cuộc sống.

Vì vậy, bên cạnh phát triển kinh tế gia đình mình, chị đã vận động cộng đồng dân cư, nhất là các hộ gia đình có đời sống kinh tế khó khăn tích cực trồng lúa, chè, các loại cây ăn quả, chăn nuôi gà, vịt để cải thiện cuộc sống, thoát nghèo; tham gia các phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, thực hiện nếp sống văn hóa, các quy ước, hương ước ở khu dân cư, bài trừ mê tín, dị đoan, hủ tục lạc hậu, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc…

toan_dan_doan_ket_xay_dung_doi_song_van_hoa_nghe_an_3jpg.jpg
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được triển khai bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng

Thôn Hùng Thành, xã Thành Sơn được sáp nhập từ 2 thôn là thôn 6, thôn 8 (trước đây gọi là bản Bộng). Thôn hiện có 241 hộ, 1.041 khẩu, trong đó có 90% là đồng bào dâc tộc Thái.

Trong những năm qua, thôn Hùng Thành đã tích cực thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; cán bộ của bản gương mẫu vận động nhân dân chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là có nhiều giải pháp vận động bà con giữ gìn nếp sống văn hóa truyền thống, phát huy những nét đẹp trong phong tục tập quán, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu trong cưới hỏi, ma chay.

Đồng thời vận động nhân dân đẩy mạnh phong trào phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng Nông thôn mới, duy trì và phát triển các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, nhờ vậy đời sống kinh tế của người dân trong bản ngày càng phát triển.

toan_dan_doan_ket_xay_dung_doi_song_van_hoa_nghe_an_1.jpg
Nhiều giải pháp vận động bà con giữ gìn nếp sống văn hóa truyền thống, phát huy những nét đẹp trong phong tục tập quán, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu trong cưới hỏi, ma chay

Ông Vi Văn Dương, Trưởng thôn Hùng Thành cho hay: Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của thôn đạt 31 triệu/ người/ năm. Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), thôn đã xây dựng đường bê tông nông thôn với chiều hơn 2 km, tổng giá trị 1,2 tỷ đồng, ngoài ra còn xây dựng nhiều thiết chế văn hóa khác. Đặc biệt, hướng tới chào mừng 200 năm Danh xưng Anh Sơn và 60 năm Ngày tách lập huyện, thôn đã phục dựng “Miếu bản Bung” với tổng giá trị 72 triệu đồng, trong đó nhân dân ủng hộ tiền mặt 42 triệu đồng và đóng góp 200 ngày công. Trong năm 2022, tỷ lệ gia đình văn hóa của thôn đạt 85%, gia đình thể thao đạt 55%. Thôn đang tập trung xây dựng các hoạt động trải nghiệm du lịch cộng như mô hình Homestay; thành lập CLB Dân ca - Dân vũ; duy trì các tổ dệt thổ cẩm, tổ chế biến món ăn để du khách trải nghiệm…

Về thăm bản Vĩnh Kim, xã Hoa Sơn, một trong những bản luôn đi đầu trong thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” của địa phương, chúng tôi cảm nhận rõ rệt sự đổi thay của một vùng quê NTM.

Bản hiện có 156 hộ, 631 nhân khẩu, trong đó có gần 99% là đồng bào dân tộc Thái. Trong những năm qua, bản đã làm tốt công tác tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, đặc biệt là thực hiện các phong trào thi đua và các cuộc vận động, tham gia các hoạt động từ thiện nhân đạo như ủng hộ Tết quỹ vì người nghèo, giúp đỡ hộ nghèo phát triển kinh tế, tích cực đấu tranh bài trừ các thủ tục mê tín dị đoan, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

toan_dan_doan_ket_xay_dung_doi_song_van_hoa_nghe_an_4.jpg
Phong trào đã mang lại hiệu quả thiết thực, tạo được sức lan tỏa lớn trong cộng đồng dân cư

Ông Lương Văn Thái - Trưởng bản Vĩnh Kim chia sẻ: Từ một bản nghèo nhưng đến nay thu nhập bình quân đạt 35 triệu đồng/ người/ năm; 100% hộ được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trẻ em trong độ tuổi được đến trường, 90% số hộ có tivi, xe máy, an ninh trật tự được giữ vững. Tỷ lệ hộ nghèo hiện nay chỉ còn 3,4%, tỷ lệ gia đình văn hóa đạt hơn 80%.

Ông Nguyễn Sỹ Tưởng - Trưởng phòng văn hóa thông tin huyện Anh Sơn cho biết: Xác định phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” có tác động lớn đến sự phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội và nâng cao chất lượng đời sống của người dân. Những năm qua, huyện Anh Sơn đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, hoạt động nhằm đưa phong trào ở các địa phương phát triển và trở thành những hoạt động thi đua sôi nổi, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng dân cư. Từ đó góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống tinh thần cũng như vật chất cho bà con các dân tộc trên địa bàn.

Đến nay, 100% thôn, bản, tổ dân phố trong toàn huyện đã xây dựng quy ước, hương ước, được nhân dân đồng tình thực hiện đạt hiệu quả cao.

Từ chỗ năm 2000 toàn huyện chỉ có 13 thôn, bản, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa, đến năm 2022 đã có 140/155 khu dân cư văn hóa được công nhận đạt hơn 90%. Tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 85%, gia đình thể thao đạt 32,4%.

Về thiết chế thể thao thôn, bản có trên 120 sân bóng đá, 284 sân bóng chuyền, 120 sân cầu lông, 90 bàn bóng bàn. Ngoài ra việc triển khai thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội luôn được các cấp ủy, chính quyền huyện Anh Sơn quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện, mang lại hiệu quả thiết thực, tạo được sức lan tỏa lớn trong cộng đồng dân cư.

Nhờ thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ý thức chấp hành pháp luật của bà con nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện Anh Sơn được nâng lên, thực hiện nếp sống văn minh, vun đắp tình làng nghĩa xóm, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đang ngày càng lan tỏa.

Các giá trị văn hóa đang thấm sâu vào mỗi người dân, mỗi gia đình và cộng đồng dân cư, đã tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương, phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lan tỏa phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa