Chính trị

Phát huy giá trị Đề cương về Văn hóa Việt Nam trong xây dựng lực lượng Công an nhân dân

Mai Đỉnh 12/06/2023 - 22:19

Ngày 12/6, tại Nam Định, Đảng ủy Công an Trung ương phối hợp Tỉnh ủy Nam Định và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức Hội thảo quốc gia “Phát huy giá trị Đề cương về Văn hóa Việt Nam trong xây dựng lực lượng Công an nhân dân (CAND) thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”.

Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Đại tướng, GS.TS Tô Lâm, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an; GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cùng các đồng chí Ủy viên BCH Trung ương Đảng: Thượng tướng, PGS.TS Trần Quốc Tỏ, Phó Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an; Phạm Gia Túc, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định đồng chủ trì Hội thảo. 

Tham dự Hội thảo có các đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong và ngoài CAND.

Đề dẫn Hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng phát biểu nêu rõ: Hơn 80 năm qua, bản Đề cương đã thấm sâu vào các chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng trên mỗi bước đi và trong suốt tiến trình cách mạng; đã hình thành những nhận thức mới, những thông điệp sâu sắc về sứ mệnh quan trọng của nền văn hoá Việt Nam.

hoi-thao-cand1.jpg
Các đồng chí: Đại tướng, GS.TS Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Thượng tướng, PGS.TS Trần Quốc Tỏ, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Phạm Gia Túc, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định chủ trì Hội thảo.

Trải qua thực tiễn đấu tranh cách mạng, những tư tưởng mang tầm nhìn vượt thời gian của bản Đề cương đã được Đảng ta vận dụng sáng tạo, bổ sung phát triển, làm cho văn hóa từng bước không chỉ được đặt ngang hàng mà còn thẩm thấu sâu hơn, lan tỏa mạnh hơn trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội và quốc phòng, an ninh.

Hội thảo là diễn đàn quan trọng để tiếp tục khẳng định và làm sâu sắc hơn ý nghĩa lịch sử, giá trị thời đại của bản Đề cương về Văn hoá Việt Nam đối với công cuộc xây dựng, chấn hưng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; đặc biệt, kế thừa, phát huy và lan tỏa những giá trị to lớn, bền vững của bản Đề cương, đẩy mạnh việc tiếp tục triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các nghị quyết của BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Kết luận của Hội nghị văn hóa toàn quốc và đặc biệt là Nghị quyết số 12-NQ/TW của Bộ Chính trị (khoá XIII) về "Đẩy mạnh xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới".

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng đề nghị, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu tập trung thảo luận làm sâu sắc hơn và đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp nhằm vận dụng sáng tạo, phát huy giá trị của bản Đề cương về Văn hóa Việt Nam đối với xây dựng lực lượng CAND trong tình hình mới, trên một số vấn đề như: xây dựng văn hóa CAND là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền văn hóa dân tộc, nền văn hóa cách mạng, văn hóa chính trị và văn hóa của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam; xây dựng lực lượng CAND thật sự vững mạnh về tư tưởng, bản lĩnh chính trị, giỏi và tinh thông về chuyên môn, nghiệp vụ; xây dựng lực lượng CAND thật sự vững mạnh, đấu tranh kiên cường và sáng tạo trên mặt trận tư tưởng, văn hóa; xây dựng phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng và hình ảnh cao đẹp của người chiến sỹ, cán bộ, đảng viên CAND.

hoi-thao-cand2.jpg
Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu tại Hội thảo.

Tại Hội thảo, dưới sự điều hành của Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ và đồng chí Phạm Gia Túc, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã tập trung thảo luận, khẳng định và làm sâu sắc ý nghĩa lịch sử, tinh thần thời đại và những giá trị vững bền của bản Đề cương về văn hóa Việt Nam trong tiến trình vận động, phát triển của lịch sử dân tộc, trong công cuộc kháng chiến kiến quốc và xây dựng nền văn hóa mới; thấy được sức lan tỏa cũng như việc vận dụng, phát huy những giá trị của Đề cương trong quá trình xây dựng và trưởng thành của lực lượng CAND.

Hội thảo đã nhận được hơn 100 bài viết đăng trong kỷ yếu, trong đó 18 tham luận trình bày trực tiếp tại Hội thảo như “Phát huy giá trị của Đề cương về Văn hóa Việt Nam trong xây dựng và phát triển văn hóa CAND” của đồng chí Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; “Vai trò của Đề cương về Văn hóa Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và phát triển văn hóa quân sự hiện nay” của Thiếu tướng Đỗ Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; “Đề cương về Văn hóa Việt Nam: Nền tảng định hình bản sắc ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh” của đồng chí Hà Kim Ngọc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban UNESCO Việt Nam; “Những kỷ niệm về đồng chí Trường Chinh” của Tiến sĩ Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; “Một số vấn đề đặt ra trong rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên nhằm tăng cường xây dựng Đảng về đạo đức và văn hóa trong tình hình hiện nay” của Tiến sĩ Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương; “Những vấn đề đặt ra đối với Văn hóa Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và phát triển” của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền…

hoi-thao-cand4.jpg
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng phát biểu tại Hội thảo.

Các tham luận đều tập trung khẳng định giá trị thiết thực của Đề cương về Văn hóa Việt Nam; tiếp tục khẳng định, làm rõ ý nghĩa lịch sử, giá trị lý luận, thực tiễn, sức sống lâu bền và quá trình kế thừa, vận dụng, phát triển những nội dung cốt lõi của Đề cương về Văn hóa Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và công cuộc đổi mới hiện nay.

Khẳng định, làm rõ vai trò, trách nhiệm của lực lượng CAND trong xây dựng và bảo vệ nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; đề ra các giải pháp phát huy các giá trị văn hóa trong công tác bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

Phát biểu tổng kết và bế mạc hội thảo, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, Hội thảo khoa học quốc gia “Phát huy giá trị Đề cương về Văn hóa Việt Nam trong xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại” là hoạt động nghiên cứu, quán triệt đưa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng vào cuộc sống; đặc biệt đây là hoạt động rất có ý nghĩa kỷ niệm 80 năm ra đời “Đề cương về Văn hóa Việt Nam”, thiết thực chào mừng kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc.

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, dưới nhiều góc độ và cách tiếp cận khác nhau các bài tham luận đã luận giải, phân tích làm rõ những vấn đề lý luận, thực tiễn, thể hiện tầm nhìn rộng và chiều sâu tư duy, đồng thời, đã đề xuất nhiều giải pháp để tiếp tục hoàn thiện về lý luận, tổng kết thực tiễn, rút ra bài học kinh nghiệm về phát huy giá trị Đề cương về Văn hóa Việt Nam nói chung và trong xây dựng lực lượng Công an nhân dân nói riêng, qua đó làm cơ sở để kiến nghị, đề xuất với Đảng, Nhà nước về chủ trương, chính sách, giải pháp xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam trong tình hình mới.

hoi-thao-cand5.jpg
Thượng tướng, PGS.TS Trần Quốc Tỏ phát biểu tại Hội thảo.

Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, thông qua Hội thảo đã làm nổi bật những kết quả đạt được trong việc phát huy giá trị của Đề cương về Văn hóa Việt Nam vào thực tiễn công tác bảo đảm an ninh, trật tự của lực lượng CAND; đồng thời tiếp tục khẳng định vai trò “nòng cốt” của lực lượng CAND trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự, bảo vệ cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân, đặc biệt trong công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ truyền thống văn hóa, chuẩn mực đạo đức của người Việt Nam.

Cùng với đó, phát huy vai trò của văn hóa trong việc xây dựng chuẩn mực văn hóa, đạo đức của người chiến sĩ CAND: “Tận trung với nước, tận hiếu với dân, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc”; tiếp tục gắn việc xây dựng, phát triển văn hóa CAND với việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Sáu điều Bác Hồ dạy CAND, các phong trào thi đua, cuộc vận động, như: “Xây dựng phong cách người CAND bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”; phong trào xây dựng “Đơn vị văn hóa, gương mẫu, chấp hành điều lệnh CAND”... 

hoi-thao-cand3.jpg
Toàn cảnh buổi Hội thảo.

Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị, Công an các đơn vị, địa phương nói chung và mỗi cán bộ, chiến sĩ CAND nói riêng cần quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về văn hóa để xây dựng và phát triển văn hóa CAND liêm chính, mẫu mực, vì nhân dân phục vụ, hạt nhân là xây dựng và thực hành văn hóa trong Đảng bộ CAND với những giá trị quý báu: Văn hóa chính trị “tuyệt đối trung thành”, “bản lĩnh”, “đoàn kết”; Văn hóa công vụ “tận tụy”, “tận tâm”, “liêm khiết”; Văn hóa ứng xử “vì nhân dân phục vụ”; mang đậm tính nhân văn; có ý nghĩa định hướng quan trọng trong thực tiễn công tác chiến đấu và sinh hoạt.

Trên cơ sở đó, tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện của các tổ chức đảng trong CAND, xây dựng Đảng bộ Công an Trung ương thực sự trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức và cán bộ; là Đảng bộ kiểu mẫu, tiêu biểu về phẩm chất, năng lực lãnh đạo, để Công an thực sự là lực lượng tin cậy, là chỗ dựa vững chắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

"Đối với mỗi cán bộ, chiến sĩ CAND phải thực sự mẫu mực về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, thường xuyên tự soi, tự sửa, không ngừng nâng cao năng lực, tu dưỡng, rèn luyện, học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Sáu điều Bác Hồ dạy CAND, thực hiện “gần dân, trọng dân, hiểu dân, có trách nhiệm với dân”, nêu cao tinh thần phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, “khi dân cần, khi dân khó, có Công an”; quán triệt nghiêm túc lời căn dặn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Danh dự là điều thiêng liêng cao quý nhất” để lực lượng CAND là “thanh bảo kiếm” sắc bén bảo vệ Đảng, Nhà nước, bảo vệ nhân dân; sẵn sàng chấp nhận hy sinh, gian khổ, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân", Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát huy giá trị Đề cương về Văn hóa Việt Nam trong xây dựng lực lượng Công an nhân dân