Lợi dụng thi công dự án đào, nạo vét hồ Bàu Da (xã Diễn Lâm, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An), đơn vị thi công đã thu lợi từ việc bán hàng chục ngàn mét khối đất trái phép cho các công trình xây dựng khác trên địa bàn.
Dự án nạo, vét lòng hồ Bàu Da hay khai thác trái phép đất đem bán?
Thời gian qua, báo Công lý nhận được thông tin phản ánh của người dân xã Diễn Lâm, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An về việc chủ đầu tư dự án nạo vét hồ Bàu Da buông lỏng quản lý để đơn vị thi công ngang nhiên bán đất trái phép thu lợi bất chính. Nguy hại hơn, việc khai thác đất đang là mối đe dọa đến môi trường, đảo lộn cuộc sống người dân ở khu vực này.
Quá trình tìm hiểu, PV nhận thấy những phản ánh của người dân có căn cứ, tại dự án này có nhiều dấu hiệu khuất tất, đơn vị thi công đã lợi dụng dự án, lồng ghép việc cải tạo lòng hồ, khai mương dòng chảy đập hồ Bàu Da để khai thác đất trái phép. Hàng chục ngàn mét khối đất đã được “đùn” vào các công trình xây dựng trên địa bàn.
Có mặt tại hồ Bàu Da, PV chứng kiến cả một công trường khai thác rầm rộ, 2 máy múc vẫn đang đào đất hết công suất. Hàng chục chiếc xe tải xếp hàng nối đuôi nhau để chờ tới phiên "ăn đất".
Hồ Bàu Da đã bị đào bới nham nhở, có chỗ đào bới gần sát hai bên đồi, có nơi tiếp giáp đường cứu hộ. Và ngạc nhiên hơn khi công trường thi công nằm gần ngay sát Quốc lộ 48, xe chở đất ra vào tấp nập, che đậy hết sức sơ sài nhưng không hề thấy bóng dáng của các ngành chức năng để kiểm tra, xử lý.
Hàng ngàn mét khối đất đã được “đùn” vào các công trình xây dựng trên địa bàn
Bà Nguyễn Thị Thủy- một người dân phản ánh: "Việc lấy đất ở hồ Bàu Da diễn ra đã cả tháng nay rồi. Hàng ngày có cả trăm lượt xe lớn nhỏ đủ loại vào lấy đất, có những ngày chạy liên tục từ sáng sớm cho tới tối. Bụi bặm từ việc vận chuyển đất này khiến chúng tôi rất bức xúc, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của chúng tôi".
Quả thật, con đường từ mỏ ra là đường dân sinh đi qua khu dân cư nên làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Con đường kéo từ hồ Bàu Da ra Quốc lộ 48, đâu đâu cũng nhuốm một màu đỏ quạch, bê bết đất.
"Chúng tôi đã yêu cầu phải tưới nước để giảm bụi nhưng chỉ được vài bữa rồi đâu lại vào đó. Con đường này mới làm nhưng hiện nay đã xuống cấp nghiêm trọng do xe chở đất đá." - bà Thủy nói tiếp.
Đơn vị quản lý có thờ ơ, tiếp tay cho việc khai thác đất trái phép?
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Phượng – Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Nghệ An, đơn vị quản lý hồ Bàu Da cho biết: "Việc nạo vét khơi thông dòng chảy của hồ Bàu Da, chúng tôi đã xin chủ trương của UBND tỉnh. Tuy nhiên, các thủ tục hồ sơ còn lại thì chúng tôi đang hoàn thiện. Do thời tiết nắng nóng nên đơn vị chủ trương vừa thi công vừa hoàn thiện hồ sơ. Đất sau khi được nạo ở lòng hồ thì được gom lại, chưa được vận chuyển ra ngoài. Đợi khi hoàn chỉnh đề án mới được đem đi".
Bụi bặm từ việc vận chuyển đất ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của người dân
Tuy nhiên, khi PV phản ánh và cung cấp hình ảnh ghi lại được thực tế việc đất khai thác ở lòng hồ Bàu Da được vận chuyển ồ ạt ra ngoài thì ông Phượng cho biết chưa nắm được sự việc này, sẽ cho kiểm tra và xử lý ngay.
Trao đổi tiếp với ông Phan Văn Lý - Cụm trưởng cụm thủy nông liên hồ Công ty TNHH Thủy Lợi Bắc Nghệ An cho biết thêm: “Tôi là người quản lý trực tiếp công tác nạo vét ở đây. Việc nạo vét được thực hiện từ ngày 8/8/2016, nhưng trước đó đất của hồ cũng bị đào trộm nhiều rồi. Việc nạo vét chúng tôi hợp đồng với công ty TNHH Hải Vân ở huyện Diễn Châu".
Trước câu hỏi của PV về việc tại sao đất lại được vận chuyển ra ngoài khi chưa xong các thủ tục về pháp lý, ông Lý thừa nhận và cho hay: "Các thủ tục thì Công ty đang “chạy”, trong lúc đó chúng tôi vừa nạo vét vừa vận chuyển vì sợ trời mưa, còn đất này được chuyển đi đâu thì tôi không biết và cũng không quan tâm".
Những chiếc xe nối đuôi nhau chở đất ra khỏi hồ Bàu Da
Được biết phần lớn đất khai thác từ lòng hồ này được sử dụng cho các công trình (trong đó có cả công trình của chính đơn vị thi công là Công ty TNHH Hải Vân) xây dựng khác nhằm thu lợi cho cá nhân mà không chịu một mức phí hay mức thuế nào.
Như vậy, từ một chủ trương xin nạo, vét lòng hồ chưa hoàn thiện về thủ tục pháp lý nhưng đơn vị quản lý đến đơn vị thi công đã ngang nhiên khai thác hàng ngàn mét khối đất từ hồ Bàu Da. Lượng đất nạo vét được vận chuyển đi đâu đơn vị cũng không nắm được. Đây phải chăng là cách làm theo kiểu “tiền trảm hậu tấu”, đến khi các cơ quan chức năng biết thì việc cũng đã rồi?