Theo Bộ Công Thương, trong 3 quý đầu năm 2021, ngành xi măng đã xuất khẩu 32,687 triệu tấn xi măng, clinker, trị giá 1,253 tỷ USD, tăng 16,3% về lượng và tăng 20,9% về trị giá so cùng kỳ năm 2020.
Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất với gần 16 triệu tấn, trị giá hơn 500 triệu USD. Các thị trường xuất khẩu lớn tiếp theo là Philippines (5,5 triệu tấn, 240 triệu USD); Bangladesh (3,5 triệu tấn, 120 triệu USD).
Theo đánh giá của các chuyên gia năng lượng, xuất khẩu clinker sang thị trường Trung Quốc có nhiều cơ hội trong những tháng cuối năm, do Trung Quốc đang đối mặt với tình trạng thiếu điện nghiêm trọng, phải thu hẹp sản xuất một số ngành tiêu tốn nhiều năng lượng như thép, xi măng.
Với đà xuất khẩu như 9 tháng qua, dự báo xuất khẩu xi măng, clinker trong năm nay sẽ vượt ngưỡng 40 triệu tấn.
Xuất khẩu xi măng, clinker tiếp tục là động lực tăng trưởng của ngành xi măng những năm gần đây. Tính riêng 2 tháng 8 và 9/2021, mỗi tháng, ngành này xuất khẩu 4 - 4,3 triệu tấn sản phẩm, tăng mạnh so mức 3,5 triệu tấn của tháng 7 và mức 2,77 triệu tấn của tháng 6.
Tuy nhiên, tiêu thụ nội địa lại có xu hướng giảm do những tháng gần đây, nhiều tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách để phòng chống COVID-19. Ước tiêu thụ nội địa 9 tháng qua đã giảm 5% so với cùng kỳ năm 2020. Điều này kéo theo nhiều doanh nghiệp trong ngành xi măng đã báo lỗ.
Xi măng Hà Tiên 1 (HT1) lần đầu báo lỗ sau 8 năm với khoản lỗ ròng gần 20 tỷ đồng trong quý 3. Lũy kế 9 tháng, doanh thu của Xi măng Hà Tiên 1 giảm 12% còn 5.040 tỷ đồng, lãi trước thuế giảm 64% xuống 376 tỷ đồng. Lãi sau thuế theo đó giảm 69% về gần 317 tỷ đồng.
Vicem Thạch cao Xi măng cũng lỗ gần 2 tỷ đồng trong quý 3 khi giá vốn tăng cao, trong khi đó cùng kỳ lãi gần 1 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần tăng 34% đạt gần 150 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận vẫn âm gần 3 tỷ đồng.
Chia sẻ về tăng trưởng xuất khẩu của ngành xi măng thời gian qua với DN&HN, TS. Lương Đức Long, Tổng Thư ký VNCA chia sẻ, sản lượng xuất khẩu xi măng tăng 12% là tín hiệu đáng mừng do tại nhiều thị trường xuất khẩu lớn như EU, Canada, Mỹ, Trung Quốc đã trở lại hoạt động bình thường. Nhu cầu sử dụng xi măng tăng cao và giá xi măng tại các thị trường này cũng đang được điều chỉnh theo xu hướng tăng. Khi Trung Quốc tăng nhập clinker, doanh nghiệp trong nước thuận lợi hơn trong giải phóng sản phẩm, giúp giảm áp lực hàng tồn kho, giảm chi phí bán hàng và cải thiện dòng tiền.
Song, Bộ Tài chính cảnh báo, việc tăng xuất khẩu clinker làm cạn kiệt tài nguyên trong nước, gây ra nhiều tác động xấu đến môi trường trong quá trình khai thác. Mặt khác, sản xuất xi măng và clinker tại Việt Nam đang sử dụng điện với giá thấp.
Tuy nhiên, trạng thái cân bằng cung - cầu xi măng có thể sẽ sớm được thiết lập trong năm 2022, khi giới chức Trung Quốc đang đề xuất nhiều giải pháp để giải quyết vấn đề thiếu hụt điện. Do đó, các doanh nghiệp xi măng trong nước cần nắm bắt kịp thời thông tin về thị trường này để có điều chỉnh hoạt động xuất khẩu phù hợp.