Ngành da giày đặt mục tiêu xuất khẩu 25 tỷ USD

Trang Nhi| 27/01/2022 11:03
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Dự kiến năm 2022 tăng trưởng toàn ngành da giày sẽ từ 10-15% so với năm 2021, đạt khoảng 23-25 tỷ USD...

Năm 2021, chỉ số sản xuất toàn ngành da giày, túi xách tăng 5,2%; kim ngạch xuất khẩu cũng tăng 4,6% so với năm 2020. Mức tăng trưởng xuất khẩu đạt cao nhất tại thị trường Bắc Mỹ (19,6%), tiếp đến là thị trường châu Âu (10,8%), thị trường châu Đại Dương (8,9%).

nganh-da-giay.jpg
Ngành da giày đặt mục tiêu xuất khẩu 25 tỷ USD

Đây là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh đợt dịch COVID-19 lần thứ tư bùng phát khiến 80% số nhà máy sản xuất da giày, túi xách tại các địa phương (tập trung nhiều doanh nghiệp lớn và chiếm gần 70% sản lượng cũng như kim ngạch xuất khẩu toàn ngành) phải tạm dừng hoạt động trong nhiều tháng.

Liên quan đến kế hoạch của ngành da giày – túi xách trong năm 2022, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam (Lefaso), cho biết căn cứ tình hình kinh tế thế giới và diễn biến, kiểm soát dịch bệnh COVID-19, cũng như kết quả ký kết các đơn hàng của các doanh nghiệp năm 2022, dự kiến năm 2022 tăng trưởng toàn ngành da giày – túi xách sẽ đạt khoảng 23-25 tỉ USD, tăng 10-15% so với năm 2021.

Những dự báo này của Lefaso được cho là có cơ sở vì rất nhiều doanh nghiệp trong ngành đã có đơn hàng đến hết quý 1/2022, thậm chí có doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết tháng 8 tới.

Tuy vậy, để đạt được mục tiêu nói trên, doanh nghiệp phải nâng cao sức cạnh tranh, nhanh chóng chuyển đổi tăng năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất. Đó là chưa kể hiện nay doanh nghiệp trong ngành đang gặp một số vướng mắc liên quan đến Nghị định 18/2021/NĐ-CP về Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Đây là Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 134/2016/NĐ-CP.

Cụ thể, theo Nghị định 18, nguyên liệu nhập sản xuất xuất khẩu cũng được miễn thuế nhập khẩu khi doanh nghiệp nhập khẩu có thuê gia công lại. Tuy nhiên, việc miễn thuế nhập khẩu chỉ được cho phép nếu người nhập khẩu chỉ thuê gia công lại một phần lượng nguyên liệu nhập khẩu hoặc một/một số công đoạn đoạn sản xuất, đồng thời phải tuân thủ các thủ tục hải quan liên quan.

Trong năm nay, Lefaso sẽ tham gia các hoạt động tham vấn, góp ý kiến với các cơ quan Nhà nước trong việc ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục tăng trưởng sản xuất và xuất khẩu trong bối cảnh đại dịch COVID-19 có thể được kiểm soát nhờ phổ biến tiêm chủng vắc xin.

Hiệp hội cũng sẽ đẩy mạnh hoạt động phổ biến chính sách nhà nước và thu hút đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài để phát triển công nghiệp hỗ trợ sản xuất nguyên phụ liệu da – giày nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm và duy trì phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, Hiệp hội sẽ triển khai các hoạt động tuyên truyền và xây dựng các bộ tài liệu, sổ tay hướng dẫn các doanh nghiệp tiếp cận các ưu đãi theo các Hiệp định FTA đã có hiệu lực (CPTPP và EVFTA) và các hiệp định đã ký kết dự kiến có hiệu lực trong năm 2021 (RCEP và UKFTA)…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngành da giày đặt mục tiêu xuất khẩu 25 tỷ USD