Nhiều doanh nghiệp dệt may, da giày bị phạt hợp đồng

Minh Khang| 09/10/2021 08:30
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Gần 70% doanh nghiệp da giày, dệt may đã bị đối tác phạt hợp đồng vì giao hàng trễ hơn dự tính ban đầu, chưa kể nhiều đơn hàng cũng bị dịch chuyển.

Thực tế này được đại diện Hiệp hội Dệt may (Vitas), Hiệp hội Da giày túi xách Việt Nam (Lefaso) nêu tại toạ đàm "Chung tay vì sự phục hồi bền vững ngành dệt may - da giày", ngày 8/10.

Bức tranh ngành da giày, dệt may phần nào được khái quát trong kết quả khảo sát nhanh tình hình "sức khoẻ" doanh nghiệp ngành này trong tháng 9 của Vitas, Lefaso và Nhóm hợp tác công tư (PPP) thực hiện.

Theo đó, gần một nửa doanh nghiệp da giày, dệt may tham gia khảo sát cho biết họ chậm giao hàng cho đối tác do các đợt giãn cách xã hội kéo dài, chi phí vận tải, logistics tăng cao khiến thời gian vận chuyển hàng bằng đường biển tăng gấp đôi (hành trình hàng châu Á qua Mỹ mất 80 ngày, thay vì 40 ngày như trước).

Điều này khiến hơn 68% nhãn hàng phạt doanh nghiệp vì giao hàng chậm. Hơn 12% nhãn hàng huỷ đơn hàng, yêu cầu doanh nghiệp phải đền và khoảng 21% chủ động huỷ, không bắt doanh nghiệp đền bù. Trường hợp đàm phán được giãn thời gian giao hàng với đối tác, doanh nghiệp buộc phải chuyển giao hàng bằng đường hàng không với chi phí rất cao.

Công nhân một. nhà máy may tại TP HCM, thời điểm trước giãn cách xã hội. Ảnh: Quỳnh Trần

Công nhân nhà máy may tại TP HCM, thời điểm trước giãn cách xã hội. Ảnh: Quỳnh Trần

Bà Đỗ Quỳnh Chi, Trung tâm Nghiên cứu quan hệ lao động chia sẻ thêm, các doanh nghiệp của hai ngành xuất khẩu tỷ USD còn đang phải đối diện với sự dịch chuyển đơn hàng và điều này có thể tiếp diễn trong 5 tháng tới. Dù vậy, khi làm việc với các nhãn hàng, bà Chi thông tin, họ đều cho rằng đây là sự dịch chuyển tạm thời chứ không phải lâu dài, để đáp ứng đơn hàng và nhu cầu mua sắm lớn vào dịp cuối năm tại châu Âu, Mỹ.

"Chưa bao giờ hai ngành dệt may, da giày đứng trước nguy cơ lớn về đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu lao động trầm trọng như hiện giờ", ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhận xét.

Kim ngạch xuất khẩu dệt may tháng 8 giảm gần 16% so với tháng 7, và tháng 9 giảm hơn 9% so với tháng 8. Tương tự, xuất khẩu giày dép, túi xách cũng giảm sâu trong tháng 9.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy doanh nghiệp dệt may, da giày đang chịu gánh nặng chi phí lớn từ các đợt giãn cách xã hội kéo dài và thiếu lao động trầm trọng do làn sóng lao động di cư về quê.

Theo tính toán, với mỗi người lao động thực hiện 3 tại chỗ, doanh nghiệp trong ngành dệt may, da giày phải chi thêm trung bình 2,2 triệu đồng một tuần cho mỗi người. Khoản này chỉ gồm phụ cấp, ăn ở và xét nghiệm, không gồm tiền lương.

Nếu doanh nghiệp có khoảng 1.000 lao động thì mỗi tuần phải chi thêm khoảng 2,2 tỷ đồng để duy trì sản xuất, kinh doanh theo mô hình "3 tại chỗ".

Hơn 40% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết chi phí chống dịch chiếm khoảng 20% chi phí vận hành của doanh nghiệp. "Đây là lý do khiến nhiều doanh nghiệp không thể duy trì sản xuất "3 tại chỗ", bà Đỗ Quỳnh Chi, Trung tâm Nghiên cứu quan hệ lao động chia sẻ.

Ngoài ra, ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch Vitas lo lắng tình trạng thiếu nhân công trầm trọng trong ngành dệt may, da giày khi người lao động có xu hướng về quê tránh dịch. "Hàng triệu người lao động rời bỏ về quê, không ít trong số này là công nhân dệt may, da giày. Một lần nữa chuỗi cung ứng hai ngành này đứng trước nguy cơ đứt gãy, nhưng không phải do tác động bên ngoài, mà ở vấn đề nội tại bên trong", ông nhận xét.

Phân tích rõ hơn, ông Nhạc Phan Linh, Viện Công nhân Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) nói phần lớn người lao động trong các doanh nghiệp sản xuất tại phía Nam vừa qua đều gặp áp lực tâm lý khi họ lo lắng cho sức khoẻ, lo bị nhiễm bệnh... Ông kể, tiếp xúc trực tiếp với những "lao động di cư" từ Nam ra Bắc vừa qua, nhiều người lao động tâm sự họ tự chủ động bỏ việc vì sợ bị lây bệnh khi cho rằng mô hình sản xuất "3 tại chỗ" áp lực lớn, nguy cơ nhiễm bệnh cao.

Nhóm lao động có gia đình khi di cư về quê, họ cho biết không muốn trở lại miền Nam làm việc. Họ trở về quê tìm việc để ổn định cuộc sống, tiện chăm sóc gia đình, con cái.

"Làn sóng người lao động di cư về quê hiện nay là "cực kỳ nhức nhối" nhưng họ vẫn phải về do đã gặp bất ổn về tâm lý, sức khoẻ vì dịch", bà Đỗ Quỳnh Chi nói và cho rằng doanh nghiệp, chính quyền địa phương phải hỗ trợ tích cực người lao động.

Áp lực khác với hai ngành xuất khẩu tỷ USD còn là sự thiếu thống nhất trong phương án phòng, chống dịch của các địa phương. Ngay khi chủ trương "sống chung với Covid-19" được Chính phủ đưa ra, nhưng thực thi ở mỗi địa phương lại khác nhau.

Ông Trần Thanh Hải, Cục phó Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhắc lại bất cập hiện nay là mỗi địa phương vẫn áp dụng các biện pháp khác nhau trong di chuyển của người lao động. Ông đề nghị Chính phủ cần có văn bản chung, trong đó đưa ra các tiêu chí và người lao động được tự do di chuyển nếu đáp ứng đủ các tiêu chí này. "Các địa phương căn cứ trên các tiêu chí Chính phủ đưa ra để triển khai, thay vì phụ thuộc vào quyền địa phương này, địa phương kia, người lao động mới được di chuyển", ông nói.

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Lefaso nói điều kiện để mở cửa sản xuất trong tình hình mới hiện vẫn khá phức tạp. Như vấn đề di chuyển lao động giữa các địa phương khi nhà máy khôi phục lại sản xuất cũng vấp phải những rào cản khác nhau, không thống nhất giữa các địa phương. Do đó, tình trạng chuỗi cung ứng, nguồn lao động bị ảnh hưởng đang khiến doanh nghiệp đã khó khăn, nay thêm kiệt quệ về dòng tiền.

"Có những doanh nghiệp chấp nhận mở cửa sản xuất rồi chịu phạt sau, bởi nếu tiếp tục đóng cửa thì họ sẽ phá sản", Tổng thư ký Lefaso nói.

Trong khi đó, ông Hải kiến nghị khi đã thay đổi chủ trương chống dịch từ "zero Covid-19" sang thích ứng, sống chung với Covid-19 thì cũng cần chuyển hướng chống dịch từ tập trung sang phân tán. Tức là trao quyền cho doanh nghiệp tự chủ động xét nghiệm, tự chủ các biện pháp phòng, chống dịch...

Ngoài ra, theo ông doanh nghiệp phải đa dạng hoá chuỗi cung ứng, tránh bị động khi có một mắt xích bị ảnh hưởng. Doanh nghiệp cũng cần xây dựng phương án, quỹ phòng ngừa rủi ro, luôn giữ tư thế chủ động cho mọi tình huống.

Các cấp chính quyền có chính sách hỗ trợ tài chính mạnh hơn để doanh nghiệp có nguồn lực cho sản xuất với phương châm :"cái gì miễn được thì miễn, hoãn được thì hoãn, giảm được thì giảm".

Từ góc độ người lao động, ông Nhạc Phan Linh khuyến nghị các doanh nghiệp cần có giải pháp giữ chân, quan tâm tới người lao động thông qua hỗ trợ tài chính, chăm lo sức khoẻ, thể lực cho người lao động. "Lúc này hơn lúc nào hết cần khôi phục tâm lý của người lao động", ông nhấn mạnh.

Cùng đó, chính quyền địa phương, bộ, ngành cần đẩy nhanh việc tiêm vaccine cho lao động khu vực sản xuất để doanh nghiệp đủ lực lượng "lao động xanh" cho tái sản xuất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều doanh nghiệp dệt may, da giày bị phạt hợp đồng