Ngành công nghiệp Kpop lao đao vì lệnh cấm của showbiz Trung Quốc

Minh Anh| 09/09/2021 15:12
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Cơ quan chức năng Trung Quốc đã tiến hành nhiều biện pháp mạnh nhằm quản lý trào lưu văn hóa thần tượng tại quốc gia này. Điều này khiến ngành công nghiệp Kpop chịu nhiều ảnh hưởng, đặc biệt là doanh số bán album, vị trí bảng xếp hạng sau hàng loạt thay đổi của showbiz Trung Quốc.

Sau hàng loạt những bê bối đời tư của các ngôi sao nổi tiếng thì mới đây, cơ quan chức năng Trung Quốc đã tiến hành nhiều biện pháp mạnh nhằm quản lý trào lưu văn hóa thần tượng tại quốc gia này.

Ngành công nghiệp Kpop chịu nhiều ảnh hưởng, đặc biệt là doanh số bán album, vị trí bảng xếp hạng sau hàng loạt thay đổi của showbiz Trung Quốc.

vi4.jpg
Cơ quan chức năng Trung Quốc đã tiến hành nhiều biện pháp mạnh nhằm quản lý trào lưu văn hóa thần tượng tại quốc gia này.

“Khi viết những dòng này, chúng tôi rất tiếc phải thông báo với các bạn rằng chúng tôi không đặt được nhiều sản phẩm như mong đợi. Như các bạn đã biết, đội ngũ quản trị viên gặp trở ngại lớn vì những hạn chế, quy định thắt chặt của nhà quản lý với cộng đồng người hâm mộ”.

Bài viết được chia sẻ bởi Lisa Bar - fandom đầu tiên và lớn nhất của Lisa (BlackPink) - ở Trung Quốc, theo SCMP. Họ thất vọng vì gặp khó khăn trong việc đặt trước Lalisa - album solo đầu tiên của Lisa - vào ngày 10/9.

Bài đăng của fan Lisa phản ứng thực trạng Kpop đang chịu nhiều ảnh hưởng. Cộng đồng người hâm mộ Kpop tại Trung Quốc đang đối mặt nhiều khó khăn sau vụ các nhà quản lý thắt chặt quy định về giới giải trí, nhất là văn hóa fandom.

Điều đó đồng thời ảnh hưởng đến sự nổi tiếng của idol Hàn tại Đại lục, kèm theo đó là doanh số bán album của các công ty sụt giảm.

vi2.jpg
Fandom của Tzuyu và Lisa ở Trung Quốc đang có sự thay đổi. Ảnh: Weibo, Dispatch.

Fan Lisa không phải là fandom duy nhất chịu ảnh hưởng. TzuyuBar - fandom ca sĩ Tzuyu của nhóm TWICE - được cho là bị yêu cầu xóa cụm từ "Bar" khỏi tên tài khoản chính thức. Họ đổi tên thành TZUYU - Dưỡng Ngư Thủ Sách (Sổ tay hướng dẫn nuôi cá nhỏ).

"Việc đổi tên của chúng tôi phù hợp với quy định mới của các nhà quản lý và áp dụng cho mọi trang web của người hâm mộ. Cẩm ơn mọi người", TzuyuBar viết.

Theo SCMP, các "bar" - fandom ở Trung Quốc - có sức ảnh hưởng lớn và có thể tác động đến sự nghiệp của các thần tượng, bao gồm nghệ sĩ trong nước và các ngôi sao Kpop.

Mỗi khi nghệ sĩ ra album, có hoạt động mới, fandom thường phát động chiến dịch ủng hộ thần tượng, từ việc mua album trực tuyến đến thu gom các sản phẩm liên quan để ủng hộ idol.

vi3.jpg
TzuyuBar - fandom ca sĩ Tzuyu của nhóm TWICE - được cho là bị yêu cầu xóa cụm từ "Bar" khỏi tên tài khoản chính thức.

Theo AP, Jimin Bar quyên góp được hơn 35.000 USD cho chiến dịch. Tuy nhiên, fandom bị cấm đăng bài và hoạt động trong 60 ngày. Chính quyền Trung Quốc gọi đây là hoạt động phi lý, gây quỹ bất hợp pháp của người hâm mộ. "Weibo kiên quyết phản đối những hành vi này và sẽ xử lý nghiêm túc", AP dẫn nguồn từ Weibo.

Theo SCMP, quy định của các nhà quản lý Trung Quốc là nỗ lực để thay đổi văn hóa hâm mộ thái quá của một số người, đồng thời chấn chỉnh hành vi trên Internet. Song, làn sóng can thiệp vào giới giải trí của các nhà quản lý làm Kpop - nơi kiếm nhiều tiền từ thị trường Trung Quốc - ít nhiều bị ảnh hưởng.

"Tôi tin rằng chiến dịch của các nhà quản lý Trung Quốc sẽ mang lại khó khăn cho hoạt động của người hâm mộ. Các fandom sẽ làm nhiều cách khác nhau để thích ứng với tình hình mới", Sung Meicheng, ứng viên tiến sĩ truyền thông tại Đại học Công nghệ Nanyang nói với SCMP.

Trong khi các ngôi sao Kpop gặp khó khăn khi hoạt động ở Trung Quốc, nhiều idol có quốc tịch khác (ví dụ Lisa là người Thái Lan) dần nổi tiếng ở Trung Quốc. Họ thường xuyên xuất hiện trên đài truyền hình, các chiến dịch quảng cáo ở Đại lục.

Song, các quy định mới về giới giải trí Trung Quốc có thể làm thay đổi mọi thứ. Việc ra quy định yêu cầu người hâm mộ ngừng lãng phí bằng cách mua album bằng mọi giá một mặt thay đổi thói quen của người hâm mộ, mặt khác gây tổn hại tài chính cho ngành công nghiệp Kpop và các dịch vụ kinh doanh khác hưởng lợi từ văn hóa idol, theo SCMP.

Doanh số bán album tại Trung Quốc góp phần lớn vào doanh số của các công ty Kpop. Số liệu cho thấy Đại lục là thị trường tiêu thụ lượng lớn album Kpop. Báo cáo từ bảng xếp hạng Hanteo cho thấy 10% tổng album Kpop được mua bởi người hâm mộ Trung Quốc.

vi.jpg
NCT 127 và nhiều ngôi sao Kpop gặp khó khăn trước quy định mới từ các nhà quản lý Trung Quốc. Ảnh: YG, SM Entertainment.

Theo Korea Times, tổng kim ngạch xuất khẩu album Kpop tháng 7 tăng lên mức 26 triệu USD, gấp 3,6 lần so với cùng kỳ năm 2020. Doanh thu đến từ Trung Quốc đạt kỷ lục với 8,25 triệu USD.

Vì vậy, với các quy định mới, doanh số bán album Kpop sẽ bị giảm mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngành công nghiệp Kpop lao đao vì lệnh cấm của showbiz Trung Quốc