Âm nhạc - Phim

Phim chiến tranh Việt Nam vẫn chưa khép lại hành trình đối thoại với quá khứ

Trâm Trần 02/07/2025 - 16:24

Sau 50 năm thống nhất, dòng phim chiến tranh Việt Nam vẫn tiếp tục viết tiếp hành trình ký ức. Hội thảo tại Đà Nẵng sáng 2-7 là dịp để nghệ sĩ, giới làm phim và công chúng cùng nhìn lại, định hướng và trao đổi về dòng phim đặc biệt này.

Nửa thế kỷ sau ngày đất nước thống nhất, dòng phim chiến tranh Việt Nam không chỉ còn là những thước phim tái hiện lịch sử, mà đã trở thành một không gian ký ức sống động - nơi nghệ thuật không ngừng truy vấn, đối thoại và gợi mở về thân phận, nhân tính trong guồng quay khốc liệt của chiến tranh.

Hành trình ấy được nhìn lại đầy chiều sâu tại hội thảo “Dấu ấn phim chiến tranh của Việt Nam từ sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025)” do UBND TP. Đà Nẵng phối hợp với Hiệp hội Xúc tiến Phát triển Điện ảnh Việt Nam tổ chức.

2-7-hoi-thao-phim12.jpg
Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Nguyễn Thị Anh Thi phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Nguyễn Thị Anh Thi khẳng định, điện ảnh luôn là một ngôn ngữ đặc biệt để kể lại chiến tranh, không phải như một bản hùng ca đơn tuyến mà như một hành trình nhân văn, chứa đựng cả nỗi đau, khát vọng hòa giải và tình yêu con người. Từ “Cánh đồng hoang”, “Ngã ba Đồng Lộc” đến “Truyền thuyết về Quán Tiên”, mỗi tác phẩm điện ảnh không chỉ là một dấu ấn nghệ thuật, mà còn là lát cắt chân thực của lịch sử, nơi số phận con người hiện lên đầy xúc động giữa khói lửa chiến tranh.

“Hội thảo hôm nay không chỉ là một cuộc tổng kết sau 50 năm, mà là dịp để các nhà làm phim, giới nghiên cứu, công chúng nhìn nhận lại chặng đường giàu tâm huyết, sáng tạo và cả những thách thức của dòng phim chiến tranh trong thời đại mới – khi điện ảnh vừa là nghệ thuật, vừa là một ngành công nghiệp văn hóa đầy cạnh tranh”, bà Nguyễn Thị Anh Thi nhấn mạnh.

Hội thảo là hoạt động trọng điểm trong khuôn khổ Liên hoan Phim Châu Á Đà Nẵng lần thứ III – DANAFF 2025, đồng thời hướng đến kỷ niệm 80 năm Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (2/9/1945 – 2/9/2025) và 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025).

Mang tính học thuật cao, hội thảo thu hút nhiều tham luận chuyên sâu, tiếp cận dòng phim chiến tranh từ nhiều góc nhìn khác nhau: từ vai trò của người phụ nữ trong chiến tranh, những con người bình thường vượt qua thử thách khốc liệt, đến cách đạo diễn trẻ hiện nay tìm câu chuyện của riêng mình trong dòng phim chiến tranh cách mạng.

Đặc biệt, những phân tích sắc sảo về ba bộ phim tư nhân – Dòng máu anh hùng, Áo lụa Hà Đông, Địa đạo - Mặt trời trong bóng tối… cho thấy điện ảnh chiến tranh đã và đang dịch chuyển, mở rộng không gian thể hiện, từ những mô-típ sử thi sang chiều sâu cá nhân, đời sống nội tâm và các mối quan hệ phức hợp.

NSƯT Bùi Tuấn Dũng, một trong những đạo diễn tiêu biểu của dòng phim chiến tranh chia sẻ rằng, điều cốt lõi của một bộ phim về chiến tranh không nằm ở những cảnh đánh đấm hay tiếng súng, mà ở cách nó khắc họa được chiều sâu con người.

“Người lính trên màn ảnh không chỉ là chiến binh, mà còn là người con, người cha, người của tình yêu và mất mát. Điện ảnh cần đi vào những lựa chọn mang tính cá nhân trong hoàn cảnh phi nhân tính, từ đó khắc họa nên bản ngã, số phận - những điều tạo nên sự ám ảnh và tính người của chiến tranh”, ông Bùi Tuấn Dũng nói.

2-7-hoi-thao-phim10.jpg
Các đại biểu tham dự hội thảo.

Một điểm sáng của hội thảo là phiên tọa đàm giao lưu giữa các nghệ sĩ tên tuổi như diễn viên Hồng Ánh, Trương Ngọc Ánh, NSƯT Hoàng Hải, NSND Lan Hương, cùng các đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình, Bùi Thạc Chuyên, Đinh Tuấn Vũ, NSƯT Lưu Trọng Ninh, NSƯT Phi Tiến Sơn.

Không chỉ chia sẻ kinh nghiệm nghề nghiệp, các nghệ sĩ cũng thẳng thắn nêu quan điểm về tương lai của dòng phim chiến tranh Việt Nam, giữa một thời đại khán giả trẻ ít khi lựa chọn phim lịch sử, chiến tranh là món ăn tinh thần chủ đạo.

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên nhận định: “Điện ảnh hôm nay cần tìm cách nói chuyện với thế hệ trẻ. Muốn thế, chúng ta phải làm phim chiến tranh không theo kiểu cũ, mà bằng ngôn ngữ mới, hình thức mới và cả những nhân vật không dễ đoán định”.

Nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng, bên cạnh sự trung thực về bối cảnh và tư liệu, phim chiến tranh Việt Nam giai đoạn mới cần nhiều hơn nữa những thử nghiệm về phong cách kể chuyện, hình ảnh điện ảnh, nhịp điệu hiện đại và cách tiếp cận từ góc nhìn cá nhân. Không thiếu những câu chuyện đắt giá từ thời chiến, nhưng nếu không chạm đến trái tim người xem hôm nay, các bộ phim sẽ khó vượt qua ranh giới bảo tàng, lưu trữ.

Ở chiều ngược lại, không ít nghệ sĩ cũng chia sẻ những băn khoăn về việc đầu tư sản xuất phim chiến tranh- thể loại vốn đòi hỏi kinh phí cao, bối cảnh đặc thù và thường bị “kén” khán giả. Trong bối cảnh ngành điện ảnh Việt đang từng bước hội nhập và thị trường hóa, dòng phim chiến tranh càng cần có chính sách hỗ trợ phù hợp để bảo đảm tồn tại bền vững, phát triển về chất lượng.

2-7-hoi-thao-phim11.jpg
Toàn cảnh hội thảo.

Kết thúc hội thảo, một lần nữa thông điệp về vai trò giáo dục, truyền cảm hứng của phim chiến tranh được khẳng định. “Điện ảnh không chỉ kể lại lịch sử, mà còn là cách để lịch sử sống động và lan tỏa tới thế hệ trẻ. Đà Nẵng luôn trân trọng các giá trị nghệ thuật đích thực và sẽ tiếp tục đồng hành cùng các hoạt động điện ảnh, đặc biệt là những chương trình mang tính chiều sâu như hội thảo hôm nay”, bà Nguyễn Thị Anh Thi nhấn mạnh.

Chiều cùng ngày, trong khuôn khổ DANAFF III, chương trình gặp gỡ báo chí, nghệ sĩ và các đoàn làm phim tiếp tục thu hút sự chú ý, mở ra thêm nhiều cơ hội kết nối, hợp tác giữa các nhà làm phim trong nước và quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phim chiến tranh Việt Nam vẫn chưa khép lại hành trình đối thoại với quá khứ