Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng – Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, vấn đề đang được dư luận quan tâm và bức xúc hiện nay là nạn tham nhũng quyền lực mà một trong biểu hiện là chạy chức, chạy quyền.
Theo ông, tham nhũng quyền lực thực chất là trong quá trình tại vị cá nhân đó dùng quyền lực, bất chấp sự lãnh đạo của tập thể, của Đảng, các quy định của điều lệ đảng, Nhà nước.Tham nhũng quyền lực còn có khía cạnh khác rất quan trọng là những kẻ này thao túng bộ máy, thao túng tổ chức, buộc người khác phụ thuộc, hối lộ, cung phụng. Chính vì thế, chúng ta phải tập trung xử lý nghiêm chạy chức, chạy quyền để không còn hiện tượng này nữa.
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính từng nhấn mạnh, mục tiêu Ban Tổ chức Trung ương hướng tới là bốn không, gồm: “Không thể chạy, không dám chạy, không cần chạy và không muốn chạy”. Để làm được như vậy, khâu then chốt là phải có một quyết sách để ngăn chặn, phòng ngừa từ sớm những người muốn tham nhũng quyền lực tham gia bộ máy.
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân cho rằng, tha hoá quyền lực thực sự là điều tệ hại đối với bất kỳ thể chế chính trị nào, bởi nó sẽ làm băng hoại, mục ruỗng cả một chế độ xã hội lúc nào không hay. Vì thế, việc kiểm soát quyền lực của cán bộ Đảng, Nhà nước từ cao xuống thấp, hơn lúc nào hết rất cần được mổ xẻ, tìm ra nguyên nhân để cùng có biện pháp ngăn ngừa từ xa.
Theo ông, có rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết, từ công tác tổ chức bộ máy, công khai, minh bạch đến đẩy mạnh cải cách thể chế. Tuy nhiên, có một vấn đề rất quan trọng đó là phải quy trách nhiệm rõ ràng. Kỷ luật hành chính lâu nay lỏng lẻo, không thể kể hết những vụ việc sai phạm, vi phạm luật công chức, viên chức nhưng cuối cùng vẫn là "đơn thuốc" kiểm điểm, rút kinh nghiệm; sợi dây kinh nghiệm cứ rút hoài, rút mãi mà không hết.
Phát hiện kịp thời những cán bộ, quan chức không phù hợp cũng góp phần quan trọng giúp cơ quan tổ chức cán bộ có thể nhanh chóng sửa sai, hạn chế thiệt hại và rút kinh nghiệm. Thêm vào đó, nên khuyến khích cán bộ, người dân phát hiện những trường hợp bổ nhiệm cán bộ "bất bình thường".
Việc xử lý sai phạm do bổ nhiệm sai phải theo nguyên tắc "quân pháp bất vị thân" chắc chắn sẽ có tác dụng răn đe mạnh mẽ...không thể cứ bổ nhiệm ồ ạt, không đúng tiêu chuẩn rồi "hạ cánh an toàn" được.
Đối với công tác bổ nhiệm, ngoài đảm bảo đúng quy trình, thủ tục, tiêu chuẩn, điều kiện để bổ nhiệm, phải đảm bảo tính công khai, dân chủ, công bằng, tất cả phải quy trách nhiệm cho người đứng đầu. Việc giám sát quyền lực, các điều kiện, tiêu chuẩn phải được lượng hóa rõ ràng, tránh tình trạng chung chung. Bằng cấp chỉ là điều kiện “cần”, điều kiện “đủ” phải là vận dụng các lý thuyết được đào tạo vào thực tiễn có hiệu quả. Mỗi vị trí bầu cử, bổ nhiệm cần có số dư để lựa chọn, có cạnh tranh bình đẳng, đúng pháp luật. Mỗi người phải chuẩn bị và tự trình bày chương trình hành động của mình nếu được bầu cử, bổ nhiệm. Đây là điều kiện để nhân dân có thể tham gia vào công tác xây dựng chính quyền, xây dựng Đảng.
Cũng theo đại biểu Lê Thanh Vân, xã hội đã lên tiếng đòi phải trừng phạt, có biện pháp xử lý hình sự những hành vi vi phạm trong công tác bổ nhiệm cán bộ. Trong khi các tội danh về kinh tế thì được đưa vào BLHS còn với các hành vi lạm dụng quyền hạn trong công tác cán bộ thì chưa được cụ thế hóa và chế tài bằng pháp luật hình sự.
Thời gian qua dù Đảng đã quyết liệt xử lý một số trường hợp vi phạm trong công tác bổ nhiệm cán bộ nhưng việc xử lý cần quyết liệt, có tính trừng phạt, răn đe mạnh hơn chứ không thể chỉ xử lý kỷ luật về hành chính và về kỷ luật Đảng. Vì vậy, đại biểu Lê Thanh Vân đề nghị cần quy định trong BLHS về tội lạm dụng quyền hạn trong công tác cán bộ…