Ký sự pháp đình

Ngẫm từ vụ án Nguyễn Phương Hằng

Quang Trung - Kim Sáng 21/09/2023 20:51

3 năm tù là mức án mà bị cáo Nguyễn Phương Hằng phải nhận sau những phát ngôn trên mạng xã hội. Từ vụ án này, mỗi người cần suy ngẫm để nâng cao ý thức trên không gian mạng.

Nguyễn Phương Hằng, cái tên được mọi người biết đến từ rất lâu trong giới kinh doanh với vai trò Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam, vợ ông Huỳnh Uy Dũng (hay còn gọi là Dũng “lò vôi”).

Còn trên mạng xã hội, Nguyễn Phương Hằng trở thành cụm từ khoá được tìm kiếm nhiều nhất trong khoảng thời gian từ tháng 3/2021 đến tháng 3/2022 trên các nền tảng như: Youtube, Facebook, Tiktok…

Lợi dụng sự nổi tiếng của mình, bà Hằng đã thực hiện nhiều buổi livestream (phát trực tiếp); những buổi livestream của Nguyễn Phương Hằng thu hút sự chú ý của rất nhiều người, cũng có những người lên án, ngược lại một bộ phận lại đồng tình và thích thú với những buổi phát trực tiếp của Nguyễn Phương Hằng.

phuong_hang_4.png
Toàn cảnh phiên tòa xét xử Nguyễn Phương Hằng và các đồng phạm.

Trong các buổi livestream, Nguyễn Phương Hằng không ngần ngại nói về bí mật đời tư cá nhân và những nội dung gây ảnh hưởng uy tín, danh dự của nhiều người, trong đó có các văn nghệ sĩ như: Nghệ sĩ Hoài Linh, ca sĩ Vy Oanh, bà Ðặng Thị Hàn Ni, ca sĩ Ðàm Vĩnh Hưng, ca sĩ Thủy Tiên cùng chồng Lê Công Vinh, ông Nguyễn Đức Hiển, bà Ðinh Thị Lan, bà Lê Thị Giàu, bà Trương Việt Hà…

Trước đó, trong quá trình điều tra, Nguyễn Phương Hằng khai tham khảo nguồn thông tin liên quan đến đời tư của các cá nhân trên mạng, trong đó có nhiều thông tin không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm chứng, không có căn cứ xác thực.

Tại phiên tòa, bị cáo nói không ý thức chủ quan về việc làm của mình, trong trạng thái bị kích động nên không kiểm soát được bản thân.

"Bị cáo không biết Luật An ninh mạng, người ta chửi mình thì mình chửi lại. Nếu biết nói vậy là vi phạm pháp luật thì bị cáo không làm", bị cáo Nguyễn Phương Hằng trần tình tại phiên tòa.

Theo dõi vụ việc có thể thấy rằng, Nguyễn Phương Hằng không có động thái dừng lại mà ngày càng lấn tới và chính một bộ phận trên mạng xã hội đã cổ vũ để bị cáo tiếp tục hành vi của mình.

Thực tế, Nguyễn Phương Hằng là người bình thường, không bị mất năng lực hành vi dân sự, hơn nữa bị cáo là một doanh nhân thì đủ am hiểu và nắm vững các quy định pháp luật. Việc bị cáo nói bị kích động là thiếu cơ sở vì bị cáo tổ chức rất nhiều buổi livestream chứ không dừng lại ở 1, 2 lần. Viện Kiểm sát cũng nhận định, hành vi của Nguyễn Phương Hằng và các đồng phạm là có tổ chức.

Không chỉ Nguyễn Phương Hằng mà những người giúp sức tích cực cho bị cáo thực hiện hành vi phạm tội, gồm tiến sĩ luật Đặng Anh Quân, Nguyễn Thị Mai Nhi, Lê Thị Thu Hà và Huỳnh Công Tân cũng bị truy tố về tội 'Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân'.

p1900401.jpg
Bên cạnh lực lượng chức năng, đội ngũ cán bộ, nhân viên TAND TP.HCM đã nỗ lực hết mình, đảm bảo phiên tòa diễn ra thuận lợi, an toàn.

Công dân có quyền tự do ngôn luận nhưng nhưng phải thực hiện quyền này trong khuôn khổ pháp luật quy định. Bà Phương Hằng đã đi quá xa vượt khỏi cái quyền của một công dân.

Nói lời sau cùng, bị cáo Nguyễn Phương Hằng ăn năn hối cải, ý thức được hành vi phạm tội, giờ đây bị cáo mong muốn có cơ hội trở về làm công dân tốt, đóng góp cho xã hội. Nếu ngay từ đầu, bị cáo nhận thức được hành vi của mình là sai thì mọi chuyện đã khác.

Đây là lần đầu tiên TP.HCM xét xử hình sự về hành vi 'livestream'. Vụ án cũng là lời cảnh tỉnh cho tất cả mọi người khi sử dụng mạng xã hội để làm những việc phạm pháp. Đừng nói những lời ân hận trong sự muộn màng.

Luật An ninh mạng có hiệu lực từ ngày 1/1/2019 đã quy định rất cụ thể về các quy định, trong đó có trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Các cơ quan chức năng cũng đã có nhiều cảnh báo về việc sử dụng mạng xã hội. Trên thực tế, không ai cấm chúng ta dùng nhưng sử dụng thế nào cho văn minh, đúng quy định là điều mỗi cá nhân phải biết, đừng để những lời nói buột miệng, nhất thời trở thành hành vi vi phạm pháp luật, lúc đó không chỉ cá nhân mà danh dự, uy tín của gia đình, người thân cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

phuong_hang_2.png
Bị cáo Nguyễn Phương Hằng cùng các đồng phạm tại phiên tòa

Với sức ảnh hưởng của mình trên mạng xã hội, phiên tòa xét xử Nguyễn Phương Hằng và đồng phạm được dư luận hết sức quan tâm. Việc điều tra, truy tố, xét xử vụ án không chỉ kéo theo nhiều hệ lụy về tiền bạc, công sức mà còn ảnh hưởng rất lớn đến xã hội.

Hy vọng rằng, từ vụ án Nguyễn Phương Hằng, mỗi người sẽ suy ngẫm để nâng cao ý thức trong việc sử dụng mạng xã hội, chấp hành nghiêm các quy định pháp luật.

Liên quan đến vụ án, bị cáo Nguyễn Phương Hằng bị tuyên phạt 3 năm tù; bị cáo Đặng Anh Quân bị tuyên phạt án 2 năm 6 tháng tù; các bị cáo Nguyễn Thị Mai Nhi, Lê Thị Thu Hà, Huỳnh Công Tân bị tuyên phạt 1 năm 6 tháng tù cùng về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngẫm từ vụ án Nguyễn Phương Hằng