Ý thức chấp hành pháp luật cùng với thể chế tốt và nguồn nhân lực chất lượng được xem là trụ cột quyết định một quốc gia phát triển, kinh tế - xã hội vững chắc.
Những năm qua, công tác phổ biến giáo dục pháp luật ở nước ta đã được Đảng và Nhà nước quan tâm chú trọng nhiều hơn. Các đường làng, ngõ xóm các khẩu hiệu “sống và làm việc theo pháp Hiến pháp và pháp luật” có ở nhiều nơi, vị trí trang trọng. Đa dạng các hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật đã góp phần nâng cao ý thức pháp luật của đảng viên, cán bộ, người dân.
Phần lớn người dân đã nắm rõ được tầm quan trong của pháp luật trong đời sống từ đó nhận thức đúng và tự giác hơn trong việc chấp hành pháp luật do nhà nước đề ra. Nhân dân ý thức được trách nhiệm, quyền hạn của mình đối với nhà nước thông qua pháp luật do đó họ tích cực tham gia vào các hoạt động quản lí nhà nước, giám sát các hoạt động của cơ quan nhà nước để thực hiện quyền lợi hợp pháp của mình. Tinh thần thượng tôn pháp luật góp phần đưa Việt Nam tiến lên, hội nhập với quốc tế.
Tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam buộc phải thực hiện giãn cách xã hội. Đây là quyết định khó khăn của nhà quản lý vì thiệt hại kinh tế rất lớn và cuộc sống người dân bị đảo lộn. Chỉ có con đường duy nhất, chấp nhận hy sinh lợi ích trước mắt để khống chế biến thể Delta đang lây lan mạnh. Người dân được yêu cầu ở yên tại chỗ, chỉ ra ngoài trong trường hợp thực sự cần thiết. Khi có khó khăn về nhu yếu phẩm, khám chữa bệnh thì gọi cho đường dây nóng, tổ Covid cộng đồng, Hội đồng hương và nhiều tổ chức, đơn vị khác sẵn sàng giúp đỡ.
Tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… rất nhiều người là dân nhập cư. Cuộc sống thường nhật khá khó khăn, cứ ráo mồ hôi là hết tiền. Dịch Covid-19 đã tác động đến thu nhập, tâm lý của người dân. Bất chấp nỗ lực của các đơn vị, cơ quan, nhân dân cả nước hướng về miền Nam nhưng những luồng thông tin xấu, độc xuất hiện với tầng suất ngày một nhiều trên mạng xã hội đã đánh sập “hệ miễn dịch” lòng tin vốn đã rất mong manh. Những cuộc tháo chạy khỏi đô thị phồn hoa ngày nào bắt đầu, từ nhỏ lẻ rồi kết thành nhóm, tốp cả trăm người bằng xe đạp, xe máy…
Người dân ở các tỉnh lân cận TP HCM tự phát di chuyển về quê bằng các phương tiện cá nhân khiến cho lực lượng chống dịch Covid-19 càng thêm khó khăn. Quá trình điều tra, truy vết khi xuất hiện ca bệnh là rất phức tạp, khó triệt để. Khi trở về địa phương, những người dân này phải đi cách ly tập trung. Với thể trạng đã bị mài mòn trong hành trình dài trên đường rất dễ bị vi rút tấn công. Thực tế cho thấy tại các khu cách ly tập trung của nhiều tỉnh, thành có công dân trở về từ phía nam liên tục ghi nhận ca dương tính.
Để giảm tải cho các tỉnh đang có dịch Covid-19, nhiều tỉnh thành đã lên kế hoạch, thực hiện việc đón công dân trở về như Bình Định, Hà Tĩnh, Thanh Hóa… với điều kiện là người có hoàn cảnh khó khăn là lao động tự do mất việc làm; Người già trên 65 tuổi thuộc gia đình có hoàn cảnh khó khăn; Trẻ em dưới 15 tuổi thuộc gia đình có hoàn cảnh khó khăn; Phụ nữ mang thai thuộc gia đình có hoàn cảnh khó khăn; Người bị mắc kẹt do thăm thân, đi công tác. Kế hoạch rõ ràng và phù hợp với năng lực tiếp nhận, cách ly của mỗi địa phương. Những đối tượng khác được khuyến cáo bình tĩnh, tuân thủ nghiêm các quy định của cơ quan chức năng.
Sức đề kháng của một số người dân với khó khăn, thử thách cụ thể như dịch Covid- 19 còn khá yếu. Ý thức pháp luật của một bộ phận người dân chưa cao, họ chưa tôn trọng pháp luật, thái độ thờ ơ và lẩn tránh các quy định của pháp luật, sự tùy tiện trong việc chấp hành kỷ luật lao động, sinh hoạt và làm việc.
Nguyên nhân là do những người này đi ra từ nông thôn, nông nghiệp, lao động chưa qua đào tạo còn tỷ lệ lớn. Họ sống và thực hiện trách nhiệm của mình bằng các phong tục, tập quán từ lâu đời do đó ý thức vẫn còn thấp trong hiểu biết và chấp hành pháp luật. Một số khác thì cậy quyền, cậy thế, dùng tiền bạc, vật chất đặt lên trên hết và xem thường pháp luật.
Sự việc gần đây nhất là 18 người quê ở huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình di chuyển trên 4 xe ô tô từ vùng dịch (Bình Dương) trở về quê. Ban chỉ đạo phòng chống dịch đã yêu cầu tất cả những người này đi cách ly tập trung nhưng đã không nhận được hợp tác khai báo y tế, xét nghiệm và thực hiện cách ly theo yêu cầu. Phải rất vất vả lực lượng chức năng mới tuyên truyền, vận động những người này chấp hành quy định phòng, chống dịch của tỉnh đề ra.
Từ TP Hồ Chí Minh tới Hà Nội hàng trăm trường hợp vẫn bất chấp các quy định của chính quyền địa phương vi phạm về phòng, chống dịch. Ngày 28/7, Công an Thanh Hoá đã phát đi thông báo và đề nghị mọi công dân nêu cao ý thức chấp hành pháp luật, tích cực phòng ngừa, ngăn chặn, tố giác tội phạm và vi phạm pháp luật. Vì sự an toàn của mọi người, mọi nhà, vì bình yên cuộc sống.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố 02 vụ án hình sự để tiến hành điều tra đối với các cá nhân có liên quan về Tội “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” theo Điều 240 của Bộ Luật hình sự. Việc khởi tố, điều tra nói trên đã có tác dụng trong giáo dục, phòng ngừa chung, góp phần tích cực cho công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.
Ngay lúc này, mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi ngôi nhà, thôn bản, xóm, làng, khu phố là một pháo đài chống dịch. Ý thức chấp hành pháp luật, sức đề kháng trước khó khăn, thử thách cần được người dân nâng cao. Hãy ở yên tại chỗ, cùng nhau đoàn kết, nỗ lực chúng ta sẽ chiến thắng mọi trở ngại.