Theo luật sư, ngoài việc xử lý nghiêm minh các đối tượng vi phạm, cơ quan chức năng tăng cường rà soát thông tin trên không gian mạng về công tác phòng chống dịch, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc, bức xúc của người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt, các vấn đề nóng dư luận quan tâm cần có phát ngôn chính thống, kịp thời, đảm bảo minh bạch thông tin.
Tin giả về tình hình dịch bệnh có dấu hiệu gia tăng
Bộ TT&TT vừa có văn bản về việc thực hiện Nghị quyết 78/NQ-CP của Chính phủ về tăng cường xử lý tin giả, tin sai sự thật về Covid-19 trên mạng.
Văn bản nêu rõ, qua thực tiễn công tác chỉ đạo, quản lý và giám sát thông tin trên không gian mạng thời gian qua, Bộ TT&TT nhận thấy tình trạng phát tán tin giả, tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh và công tác phòng chống dịch Covid-19 có dấu hiệu gia tăng.
Theo Bộ TT&TT, các thông tin xấu tập trung chủ yếu vào việc kích động vùng miền, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; tung tin sai sự thật về hiệu quả của các loại vaccine ngừa Covid-19, xuyên tạc chính sách phân bổ, cung cấp vaccine của Chính phủ, việc sử dụng Quỹ vaccine phòng chống Covid-19. Nhiều tin giả nói sai về diễn biến dịch bệnh tại các điểm nóng như TP.HCM và các tỉnh miền Nam; xuyên tạc về các biện pháp phòng chống dịch bệnh của Chính phủ và các địa phương...
Đáng chú ý là nhiều thông tin có nguồn từ các video clip của những người đang cách ly, người dân trong khu vực bị giãn cách, phong tỏa.
“Việc nhiều thông tin xấu, độc cùng số lượng lớn các video clip “tự phát” được phát tán tràn lan trên không gian mạng đã làm giảm niềm tin của người dân vào công tác phòng chống dịch bệnh, gây hoang mang, bức xúc trong dư luận xã hội”, văn bản nêu.
Bộ TT&TT đề nghị các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các lực lượng trực thuộc tham gia phòng chống dịch thực hiện nghiêm và đúng các quy định của cấp có thẩm quyền. Cần có thái độ đúng mực với người dân, tránh gây bức xúc, bất bình, làm nóng vấn đề, phát tán các thông tin bất lợi lên mạng xã hội, ảnh hưởng đến quá trình thực thi các biện pháp phòng chống dịch.
Ngoài ra, các cơ quan cần tăng cường rà soát, phát hiện kịp thời tin giả, tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh và công tác phòng chống dịch tại bộ, ngành, địa phương. Khi phát hiện tin giả, tin sai sự thật, các bộ, ngành và địa phương cần chỉ đạo lực lượng công an, các lực lượng liên quan kịp thời xác minh đối tượng phát tán tin giả, phối hợp với đơn vị chức năng của Bộ TT&TT để thẩm định nguồn tin, công bố, cảnh báo tin giả, tin sai sự thật. Đồng thời cơ quan chức năng chủ động xử lý nghiêm các đối tượng phát tán thông tin vi phạm pháp luật trên địa bàn.
Trong trường hợp không xác định được danh tính, nhân thân người vi phạm, các bộ, ngành và địa phương phối hợp với Bộ TT&TT, Bộ Công an để có biện pháp ngăn chặn nội dung vi phạm trên không gian mạng.
Ngăn chặn bằng cách nào?
Trao đổi với phóng viên, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) bày tỏ, mạng xã hội Facebook, Twitter, Youtube, Instagram là kênh để chia sẻ, trao đổi thông tin và kết nối, hợp tác trên phạm vi toàn cầu, là kênh thông tin quan trọng và hữu ích. Tuy nhiên, trước sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội, mỗi người dân cần phải nhận diện đúng những thông tin xấu, độc khi tiếp cận nhằm phát huy những mặt tích cực, ngăn ngừa những tác động tiêu cực, góp phần ổn định chính trị xã hội của đất nước và xây dựng một môi trường sống an toàn.
Hiện nay sự gia tăng của những tin độc, tin giả, thông tin thất thiệt, sai sự thật trên mạng xã hội trở nên khá phổ biến, nhất là các tin thất thiệt về dịch Covid được phát tán tràn lan trên không gian mạng đã làm giảm niềm tin của người dân vào công tác phòng chống dịch bệnh, gây hoang mang, bức xúc trong dư luận xã hội.
Theo ông, mặc dù đã có hệ thống pháp luật điều chỉnh và xử lý những hành vi này khá đầy đủ từ Hiến Pháp đến Bộ luật dân sự, Bộ luật hình sự, Luật an ninh mạng, Nghị định 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013; Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020,.. và gần đây cũng đã có rất nhiều trường hợp vi phạm bị xử lý. Tuy nhiên, vẫn chưa thể loại bỏ triệt để được những thông tin này trên môi trường mạng.
Để phòng, chống thông tin xấu độc trên mạng xã hội, luật sư Cường cho rằng ngoài việc xử lý nghiêm minh các đối tượng phát tán tin giả trên không gian mạng, cơ quan chức năng tăng cường rà soát thông tin trên không gian mạng về công tác phòng chống dịch, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc, bức xúc của người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt, các vấn đề nóng dư luận quan tâm cần có phát ngôn chính thống kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng đảm bảo minh bạch thông tin.
Đồng thời, triển khai ứng dụng công nghệ, thiết lập hệ thống phòng vệ để chủ động và nâng cao hiệu quả phòng ngừa tội phạm; kịp thời trang bị các phần mềm, phương tiện kỹ thuật chuyên dụng phục vụ công tác phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý Nhà nước cần đẩy mạnh việc xây dựng, triển khai và hoàn thiện cơ sở dữ liệu, sử dụng chứng minh thư nhân dân điện tử để quản lý thông tin và người sử dụng trên Internet.
"Với mỗi người dân, nhất là giới trẻ cần tự trang bị cho mình vốn hiểu biết và những kỹ năng cần thiết trong việc chọn lọc, nhận diện thông tin, nắm vững và tuân thủ các quy định pháp luật và quy tắc ứng xử văn hóa trên môi trường mạng xã hội; rèn luyện tư duy biện chứng, tư duy phản biện khi tiếp xúc với các thông tin trên mạng xã hội để xem xét sự vật, hiện tượng một cách khách quan đa chiều”, luật sư Cường chia sẻ.
Một số vụ tin giả "đổi trắng thay đen" trên không gian mạng về dịch Covid – 19
+ Chiều 19.7, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện và lan truyền hình ảnh một người đàn ông trung niên đang tự thiêu trên địa bàn P.Trường Thọ, TP.Thủ Đức (TP.HCM) và kèm theo bình luận vô cùng bức xúc về cách chống dịch Covid-19 của TP.HCM, người dân phẫn uất nên tự thiêu giữa đường.
Qua công tác nắm tình hình, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao (Công an TP.HCM) phối hợp với Công an TP.Thủ Đức, Công an Q.Bình Thạnh xác minh làm rõ đối tượng Phan Hữu Điệp Anh, (60 tuổi, ngụ tại đường Ngô Tất Tố, P.19, Q.Bình Thạnh) đã có hành vi đăng tin sai sự thật, xuyên tạc, liên quan đến dịch Covid-19.
+ Lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid – 19 diễn biến phức tạp tại TP.HCM, trên mạng xã hội xuất hiện tràn lan hình ảnh xác chết “do Covid-19 tại TPHCM”. Tuy nhiên, theo Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam - VAFC hình ảnh lan truyền được cho là xác chết của bệnh nhân Covid-19 tại TPHCM là thông tin giả mạo. Cơ quan chức năng làm rõ bức ảnh trên được chụp tại bệnh viện Myawaddy, thị trấn ở Đông Nam Myamar.
+ Chiều 26/7, Trung tâm Báo chí TP.HCM (Sở Thông tin - Truyền thông) cho biết mạng xã hội đang lan truyền thông tin thất thiệt về việc đề nghị người dân không ra đường từ tối 26/7 do có 5 máy bay trực thăng phun khử trùng vào không khí để diệt khuẩn.
Tuy nhiên, Bộ Tư lệnh TP.HCM khẳng định thông tin trên hoàn toàn sai sự thật. Trước đó, sáng 23/7, Bộ Tư lệnh TP.HCM triển khai cao điểm 7 ngày phun thuốc khử khuẩn phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Thời gian phun khử khuẩn từ sáng 23/7 và kéo dài 7 ngày liên tiếp. Địa điểm là các khu vực có nguy cơ cao tại TP.HCM.