Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản công

Lan Trần| 16/05/2019 22:01
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà, việc quản lý tài sản công theo luật mới đã được thực hiện một cách nghiêm túc và có hiệu quả, bước đầu đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình triển khai thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công diễn ra ngày 16/5 tại Hà Nội, Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho biết: Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV và có hiệu lực từ ngày 01/01/2018.

Triển khai Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Bộ Tài chính đã phối hợp với các Bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 14 Nghị định, 03 Quyết định, trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã ban hành 08 Thông tư hướng dẫn. Ngoại trừ Nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho các Hợp đồng BT Chính phủ đang xem xét để ban hành, cho đến nay, tất cả văn bản hướng dẫn Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đã được ban hành đầy đủ, tạo cơ sở pháp lý để thực hiện.

Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản công

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Mof

Thứ trưởng Trần Xuân Hà cũng cho biết, các Bộ, ngành, địa phương đã triển khai việc xây dựng tiêu chuẩn, định mức máy móc, thiết bị chuyên dùng và diện tích chuyên dùng, diện tích công trình sự nghiệp trong cơ sở hoạt động sự nghiệp. Thứ trưởng đánh giá việc quản lý tài sản công theo luật mới đã được thực hiện một cách nghiêm túc và có hiệu quả, bước đầu đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Cũng theo Thứ trưởng Trần Xuân Hà, trong quá trình thực hiện cho thấy có một số vấn đề cần được tập trung trao đổi để hoàn thiện. Đó là việc phân cấp quản lý tài sản công cần được phân cấp mạnh hơn nữa, tạo điều kiện cho các bộ, ngành, địa phương có thẩm quyền quyết định phương án xử lý sắp xếp xử lý tài sản công ở đơn vị, địa phương mình, có thể là quyết định hình thức bán đấu giá tài sản trên đất để lấy tiền thu vào NSNN; Một số quy định trong các văn bản hướng dẫn, chủ yếu ở cấp Nghị định cần được nêu rõ hơn như đối tượng áp dụng, đặc biệt là việc sắp xếp lại các cơ sở nhà, đất đối với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có trên 50% vốn của nhà nước, doanh nghiệp có hình thức công ty mẹ, công ty con,…đều cần có hướng dẫn cụ thể; Việc ban hành các tiêu chuẩn, định mức tài sản chuyên dùng của một số Bộ ngành như Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Lao động, thương binh và xã hội chậm, từ đó đã có những khó khăn nhất định trong việc thực hiện ở các đơn vị cơ sở; Việc sắp xếp cơ sở nhà, đất của các cơ quan hành chính sự nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp cũng cần đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thực hiện và có biện pháp quản lý, giám sát chặt chẽ để sử dụng quản lý tài sản công đúng mục đích, hiệu quả, tránh thất thoát tài sản nhà nước.

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách

Trong báo cáo trình bày tại hội nghị, ông La Văn Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho biết việc triển khai Luật Quản lý, sử dụng tài sản công vẫn còn một số hạn chế như: một số loại tài sản và lĩnh vực còn thiếu các văn bản quy định chi tiết hoặc không còn phù hợp với Luật, nhưng chưa được thay thế, sửa đổi, bổ sung như việc quản lý, khai thác quỹ nhà, đất do Công ty quản lý kinh doanh nhà quản lý, việc chuyển đổi mô hình chợ, tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ, một số loại tài sản kết cấu hạ tầng khác.

Nguyên nhân được Bộ Tài chính chỉ ra là do tài sản công ở nước ta có phạm vi rất rộng, do nhiều chủ thể khác nhau quản lý, sử dụng. Luật Quản lý, sử dụng tài sản công có nhiều đổi mới trong công tác quản lý, sử dụng, khai thác, xử lý tài sản công theo hướng chặt chẽ, công khai, minh bạch; tuy nhiên, đối với một số tài sản công đặc thù cần có quy trình rà soát, chuyển đổi phù hợp.

Hạn chế khác được lãnh đạo Cục Quản lý công sản thông tin là tiến độ ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện tích trụ sở chuyên dùng, công trình sự nghiệp, máy móc, thiết bị chuyên dùng còn chậm, mới có khoảng 50% Bộ, ngành, địa phương ban hành đã ảnh hưởng tới việc đầu tư xây dựng, mua sắm, sửa chữa, nâng cấp, cải tạo và xử lý tài sản. Nguyên nhân chủ yếu là do các bộ chuyên ngành chưa ban hành quy định chi tiết hướng dẫn về tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản chuyên dùng thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo nên các Bộ, ngành, địa phương không có cơ sở để xây dựng, ban hành tiêu chuẩn, định mức cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý.

Một số Bộ, ngành, địa phương chưa ban hành kịp thời các văn bản phân cấp thẩm quyền; trong đó, một số Bộ, ngành, địa phương tiếp tục sử dụng quy định phân cấp đã ban hành trước thời điểm Luật Quản lý, sử dụng tài sản công có hiệu lực thi hành. Điều này có thể dẫn đến sai thẩm quyền khi quyết định mua sắm, thuê, sử dụng, xử lý tài sản công, xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân.

Bộ Tài chính cũng cho biết việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP có những hạn chế nhất định như: Chưa bao quát hết các đối tượng; phân cấp thẩm quyền quyết định xử lý nhà, đất còn chưa hợp lý; Việc xử lý chuyển tiếp đối với trường hợp nhà, đất thuộc đối tượng sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định chưa được rõ ràng,....

Ngoài ra, một số quy định được ban hành chưa thực sự đảm bảo đáp ứng với thực tiễn thực hiện như: việc quản lý, sử dụng, khai thác các cơ sở nhà, đất do do các Công ty Quản lý, kinh doanh nhà được giao quản lý; việc quản lý, sử dụng, khai thác các loại tài sản kết cấu hạ tầng mà Chính phủ chưa có Nghị định quy định cụ thể như chợ, công viên, khu vui chơi,...

Trong thời gian tới, để triển khai hiệu quả Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các Bộ, ngành hoàn thiện Nghị định quy định về việc thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án theo hình thức Hợp đồng - Xây dựng - Chuyển giao theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và trình Chính phủ ban hành trong tháng 5/2019.

Ngoài ra, các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành do Bộ, cơ quan trung ương, địa phương ban hành liên quan đến quản lý, sử dụng tài sản công và đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm phù hợp với quy định của Luật và các văn bản quy định chi tiết thi hành.

Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho biết, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoàn thiện cơ chế chính sách, đồng thời các Bộ, ngành, địa phương cũng sẽ phối hợp với Bộ Tài chính trong việc quản lý, kiểm tra, giám sát thực hiện, nhằm phát huy hiệu quả việc quản lý, sử dụng tài sản công, đồng thời phòng phòng tránh các biểu hiện tiêu cực, thất thoát tài sản công.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản công