Chính trị

Làm rõ tình trạng lãng phí tài sản công sở sau sáp nhập

Duy Tuấn - Mai Thoa 25/05/2023 13:38

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, sáng nay (25/5), Quốc hội thảo luận tại tổ về 8 nội dung, trong đó có công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022, đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2022 và những tháng đầu năm 2023.

Báo cáo của Chính phủ cho thấy, năm 2022, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của một số Bộ, ngành, địa phương chưa đạt mục tiêu: 31/51 Bộ và 18/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 75% kế hoạch; tỷ lệ giải ngân dự án có vốn nước ngoài chỉ đạt 42,47% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Việc công bố chỉ số giá xây dựng tại các địa phương chậm, chưa sát với thị trường khiến các chủ đầu tư, nhà thầu không chủ động được trong quá trình triển khai dự án, công trình dẫn tới lãng phí. Nhiều dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư nhưng không thể triển khai do vướng mắc về quy hoạch, địa điểm, đất đai, giải phóng mặt bằng, điều chỉnh đơn giá, dự toán. Điều đó khiến dự án bị thay đổi hoặc phải điều chỉnh lại.

dai-bieu-don-tuan-phong-.jpg
Đại biểu Đôn Tuấn Phong - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang.

Tuy nhiên, thảo luận tại tổ sáng nay, theo đại biểu Đôn Tuấn Phong - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, không phải chỉ năm 2022, tình trạng giải ngân vốn chậm gây lãng phí kéo dài trong nhiều năm qua.

“Đây là căn bệnh trầm kha, quy trình, thủ tục giải ngân vốn đầu tư công đều do chúng ta làm ra cả nên đây là thời điểm cần cải tiến quy định, quy trình liên quan đến giải ngân vốn. Khi và chỉ khi quy định có hiệu quả, mới giảm được căn bệnh kéo dài nhiều năm”, đại biểu Đôn chỉ rõ.

Theo đại biểu, hậu quả của tình trạng này gây “lãng phí, nghèo đói dù tài nguyên chúng ta có”. Nhiều dự án treo từ 10-20 năm, làm mất cơ hội phát triển kinh tế- xã hội địa phương, rất lãng phí nguồn lực. Ông Phong đề nghị, báo cáo của Chính phủ làm rõ tình trạng lãng phí đất đai, tài nguyên khoáng sản thời gian qua.

Đặc biệt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đề nghị báo cáo của Chính phủ làm rõ tình lãng phí tài sản công sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện. Theo ông Phong, bên cạnh việc tinh giản biên chế, hiện nay xảy ra tình trạng nhiều công sở như trụ sở Ủy ban, trường học, Trạm Y tế bị bỏ lại không sử dụng.

“Ở thành phố, các trụ sở này bán đấu giá đất còn dễ, nhưng ở nông thôn, việc bán đấu giá rất khó gây ra lãng phí lớn về công sản. Đề nghị Chính phủ nên khảo sát tình trạng công sở bỏ hoang, báo cáo, đánh giá bức tranh đầy đủ", ông Phong nêu.

dai-bieu-truong-quoc-huy.jpg
Ông Trương Quốc Huy - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam - Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam

Đồng quan điểm này, ông Trương Quốc Huy - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam - Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam đề nghị, báo cáo của Chính phủ về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cần đánh giá về lãng phí tài sản công. Đặc biệt, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam đề nghị có đánh giá về lãng phí chi phí xã hội khi “người dân phải đi xa hơn khi đến làm thủ tục hành chính tại trụ sở UBND sau khi sáp nhập hoặc đưa con em đi học, đi khám chữa bệnh ở các trường, trạm y tế xa hơn trước kia”.

Theo ông Huy, thực tế tại địa phương, “giờ vận động Tổ trưởng Tổ dân phố rất khó, nhiều người không dám nhận vì phải phụ trách địa bàn rộng gấp đôi trước kia, chi phí đi lại quá lớn nên cần có đánh giá về tất cả”- Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cho biết.

Nhiều đại biểu cho rằng, hiện nay đang có trình trạng lãng phí nguồn lực xã hội. Do đó, cần làm rõ trách nhiệm chậm ban hành các văn bản hướng dẫn, việc nợ đọng văn bản hướng dẫn kéo dài, tình trạng này đã làm ảnh hưởng đến tâm lý xã hội và lãng phí nguồn lực lớn quốc gia.

Đại biểu Trần Quốc Tuấn, Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh đề nghị Chính phủ chỉ đạo khẩn trương hoàn thiện các quy định của pháp luật, trong đó có các quy định pháp luật về phát hành trái phiếu riêng lẻ.

“Tôi cho rằng nếu chậm ban hành văn bản quy định thì sẽ gây lãng phí các nguồn lực lớn của xã hội. Việc này sẽ vừa ảnh hưởng đến việc phát triển các kênh huy động vốn mới và nguồn vốn hợp pháp cho các doanh nghiệp, cho các nhà đầu tư. Tình trạng một số đối tượng đã lợi dụng kẽ hở của pháp luật và công tác quản lý của Nhà nước, thao túng và lũng đoạn thị trường chứng khoán, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các nhà đầu tư và người dân qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Điều này gây thiệt hại cho hàng ngàn nhà đầu tư” - đại biểu Tuấn chỉ rõ.

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên đề nghị Chính phủ làm rõ trách nhiệm cá nhân, xử lý sai phạm, tồn tại, lãng phí liên quan đến 19 dự án chậm triển khai, 880 dự án đất đai không đưa vào khai thác, sử dụng trong báo cáo chính phủ thời gian qua.

“Phải làm rõ nguyên nhân, bất cập như thế nào mà gần 1.000 dự án không triển khai, gây lãng phí”, đại biểu Thắng nêu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm rõ tình trạng lãng phí tài sản công sở sau sáp nhập