Không tìm được tiếng nói chung, 5 chị em đều đã ở tuổi lục tuần đưa nhau ra tòa vì ‘tranh chấp di sản thừa kế’. Bị đơn năm nay đã 83 tuổi, không biết có còn đủ sức lực để theo Tòa hết phiên xử này đến phiên xử khác?
TAND huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội vừa mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án dân sự ‘tranh chấp chia di sản thừa kế’ mà đồng nguyên đơn là 4 chị em ruột, đều đã ở tuổi ngoài 60; còn bị đơn là bà P.T.B (chị cả - PV) năm nay đã bước sang tuổi 83.
Vụ án được TAND huyện thụ lý từ năm 2022, qua nhiều lần hòa giải nhưng các đương sự không tìm được tiếng nói chung, vẫn quyết đưa nhau ra tòa.
Mới đây, phiên tòa đã phải hoãn do người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan (UBND huyện Ứng Hòa) vắng mặt không có lý do.
Nội dung đơn khởi kiện thể hiện: cụ P.V.T và N.T.Y sinh được 6 người con gái. Khi còn sống hai cụ tạo lập được một số thửa đất gồm thửa đất số 359, tờ bản đồ số 27 diện tích 836,2 m2 tại thôn Hậu Xá, xã Phương Tú, huyện Ứng Hòa (trên đất có căn nhà 5 gian) và thửa đất số 92, tờ bản đồ số 2, diện tích 322m2 (trên đất có một dãy kiot và căn bà 3 tầng do bà P.T.B xây dựng).
Ngoài 2 thửa đất trên còn có phần đất ao được quy đổi từ phần đất nông thôn 5% diện tích 432m2 tại cùng thôn Hậu Xá.
Đến năm 1992, cụ bà N.T.Y mất; năm 1994 cụ ông P.V.T mất. Sau khi bố mẹ qua đời, phần diện tích đất 836,2m2 do bà P.T.B quản lý sử dụng. Còn tại diện tích đất 322m2, bà B xây dựng căn nhà 3 tầng và cho con gái là chị Đ.T.V.G sinh sống, sử dụng.
Do bố mẹ là cụ P.V.T và N.T.Y mất đều không để lại di chúc nên các đồng nguyên đơn khởi kiện yêu cầu TAND huyện Ứng Hòa xác lập quyền sử dụng đất chung cho 6 chị em (1 người con gái không khởi kiện – PV) đối với thửa đất số 359, tờ bản đồ số 27, diện tích 836,2m2. Nguyên đơn đề nghị được chia đất bằng các kỷ phần bằng nhau; mục đích duy trì nơi thờ tự gia tộc.
Nếu bà B đồng ý phương án trên, đồng nguyên đơn để bà B toàn quyền sử dụng với thửa đất số 92 (322m2) và phần đất ao được quy đổi từ phần đất nông thôn 5% diện tích 432m2.
Trong trường hợp bị đơn không đồng ý, đồng nguyên đơn yêu cầu chia di sản theo hướng, bị đơn và bà S. được sử dụng thửa 92. Còn thửa đất số 359 được xác lập quyền sử dụng chung cho nguyên đơn để duy trì nơi thờ tự.
Trong khi đó, bị đơn (bà P.T.B) phản tố cho biết, ngoài các diện tích đất nêu trên thì di sản của bố mẹ còn có diện tích đất khoảng 400m2 mà hiện nay gia đình bà P.T.T (em gái thứ 2 – PV) đang quản lý sử dụng tại thôn Hậu Xá. Đề nghị Tòa xác định phần đất này là di sản thừa kế của cụ P.V.T và N.T.Y và chia thừa kế theo quy định.
Ngoài ra, bà B cũng cho rằng, cụ bà N.T.Y mất vào ngày 19/2/1992 nên cần áp dụng thời hiệu về thừa kế để xem xét yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Còn đối với di sản thừa kế của cụ ông P.V.T (bố bà B – PV) để lại, bị đơn yêu cầu chia cho 6 người con theo quy định của pháp luật.
Đối với diện tích đất 5% đã hoán đổi sang đất ao, hiện nằm trong quy hoạch khu dân cư và được công nhận là đất vườn ao liền kề. Vì vậy, bị đơn cũng đề nghị Tòa chia thừa kế diện tích này theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, bị đơn đề nghị Tòa tính toán cho hưởng công sức quản lý, trông nom, tôn tạo di sản trong gần 30 năm qua.
Bên lề phiên tòa, chị Đ.T.V.G (con gái bị đơn – PV) người có quyền lợi liên quan trong vụ án bày tỏ: “Mẹ tôi vốn là chị cả trong gia đình nên trước đây gánh trách nhiệm nặng nề, hết lo toan để cho các em ăn học, có nghề nghiệp đàng hoàng, lại đến chăm sóc phụng dưỡng bố mẹ. Nay, các dì và mẹ tôi phải lôi nhau ra tòa kiện chia đất của bố mẹ là một chuyện đau lòng. Giá như mọi người ngồi được với nhau để thỏa thuận, tính toán phần của mỗi người và công sức trông nom của mẹ tôi thì chắc ông bà tôi cũng được yên lòng”.
Theo lịch, ngày mai 17/1, Hội đồng xét xử TAND huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội tiếp tục đưa vụ án ra xét xử.