Sau nhiều năm chuyên giải quyết án về lĩnh vực dân sự, Thẩm phán Lê Thúy Hòa, Phó Chánh án TAND quận 8, TP.HCM đã rút ra được nhiều kinh nghiệm trong giải quyết án, trong đó có việc người Thẩm phán phải đặt mình vào vị trí của đương sự khi giải quyết án.
Năm 1989, tốt nghiệp Đại học Pháp lý, ra trường, cử nhân Lê Thúy Hòa còn “vướng” chuyện nhà nên chưa xin vào Tòa án như chuyên ngành đã học. Rồi chị lao vào cuộc sống kiếm kế sinh nhai. Những lúc thảnh thơi, chị lại tự vấn lòng mình, Nhà nước đào tạo cử nhân chuyên ngành quản lý Tòa án mà sao mình lại không làm đúng ngành? Ý nghĩ này cứ đeo bám lấy chị…
Năm 1995, mặc dù có Văn phòng luật sư tuyển dụng với mức lương rất hấp dẫn, cao gần gấp 10 lần mức lương Nhà nước nhưng chị vẫn quyết định xin vào Tòa án. Tuy vào nghề muộn so với bạn bè nhưng nhờ học đúng chuyên ngành nên chị bắt nhịp rất nhanh. Bên cạnh đó, chồng chị cũng là Thẩm phán nên hỗ trợ rất đắc lực. Sau một thời gian ngắn, chị đã thành thạo và làm tốt công việc của một cán bộ Tòa án. Ngày 1/9/2005, chị được bổ nhiệm làm Thẩm phán và nay là Phó Chánh án TAND quận 8.
Thẩm phán Lê Thúy Hòa
Thẩm phán Lê Thúy Hòa rất kiệm lời khi nói về mình. Tuy nhiên, khi trò chuyện về chuyên môn, chị như “bắt trúng mạch”. Thẩm phán Lê Thúy Hòa tâm sự rằng, ngoài vai trò Thẩm phán, chị còn là Phó Chánh án TAND quận 8 nên phải nỗ lực hết mình, làm gương cho anh em trong đơn vị. Thông thường, các vụ án khó thì lãnh đạo phải đảm nhận, đặc biệt là các “án thừa kế”.
Trong giải quyết vụ án, ngoài việc nghiên cứu hồ sơ kỹ lưỡng thì Thẩm phán còn phải đặt mình vào vị trí của các đương sự để giải quyết. Nếu làm tốt việc này sẽ giúp cho công tác hòa giải có tỷ lệ thành công cao. Nói cách khác, Thẩm phán phải linh động hỏi thăm các đương sự, khi nào thì có thời gian thích hợp để đến Tòa rồi mới đánh giấy mời, tạo điều kiện để các đương sự có thời gian đến Tòa tham dự một cách thoải mái. Khi hòa giải, Thẩm phán phải tạo bầu không khí hòa giải cởi mở, cảm thông, nắm bắt tâm tư của các đương sự. Có như vậy, các đương sự mới cởi tấm lòng sẻ chia. Thẩm phán sẽ rất dễ dàng thuyết phục các bên đương sự hòa giải thành. Từ đó, kết quả hòa giải mới đạt tỷ lệ thành công cao. Có thể nói, có hiểu dân thì hòa giải mới thành công. Đây một trong những cách thực hiện phương châm mà Bác Hồ đã dạy “Phải gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”. Trong hòa giải, không gần dân thì không hiểu dân, không hiểu dân thì không thể giúp dân hòa giải.
Ngoài ra, theo Thẩm phán Lê Thúy Hòa, quận 8 là quận ngoại thành, trong những năm qua trong quá trình đô thị hoá, dân nhập cư đông, điều kiện phát triển về kinh tế còn chậm. Các tranh chấp dân sự phát sinh do biến động về nhà đất, nhiều vụ phức tạp, tội phạm gia tăng đặc biệt tội phạm về ma tuý. Do vậy, số lượng án giải quyết của đơn vị cũng tăng, cán bộ công chức làm việc trong tình trạng quá tải. Tuy nhiên, đơn vị đã khắc phục khó khăn, tận tâm với công việc, phấn đấu liên tục trong các năm qua tỉ lệ giải quyết mỗi năm đều vượt chỉ tiêu thi đua. Về đường lối xét xử đúng quy định của pháp luật, không có vụ án nào xử oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm. Số án hủy sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán thấp hơn quy định. Nhằm nâng cao chất lượng bản án, chất lượng phiên toà, hàng năm đơn vị có tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm án hủy, sửa; phối hợp với VKSND tổ chức các phiên toà theo tinh thần cải cách tư pháp, được đánh giá thực hiện tốt.
Bên cạnh đó, TAND quận 8 đã góp phần thực hiện quỹ “vì Trường Sa thân yêu”; tham gia mua bảo hiểm y tế ủng hộ các hộ nghèo; tham gia hiến máu nhân đạo; ủng hộ quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”; tham gia hội thao do TAND các quận, huyện tổ chức giao lưu, ủng hộ cho 1 hộ nghèo tại địa phương, quan tâm đặc biệt đến công tác chăm lo cho cán bộ nữ, trẻ em; đóng góp ủng hộ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt. Nhiều năm liền đơn vị đạt Tập thể lao động xuất sắc.
Hoàn cảnh của Thẩm phán Lê Thúy Hòa gặp không ít khó khăn. Sự ra đi đột ngột của chồng để lại 2 đứa con một tay chị nuôi dạy. Mặc dù bận rộn “trăm công ngàn việc” ở cơ quan nhưng Thẩm phán Lê Thúy Hòa vẫn tranh thủ sắp xếp việc gia đình một cách khoa học để không ảnh hưởng đến công việc của Tòa án. Thương mẹ, các con của chị đã biết tự làm việc nhà giúp mẹ. Nhờ vậy mà chị có thêm thời gian để lo chuyện của đơn vị. Trong những năm qua, ngoài vai trò Phó Chánh án TAND quận 8, chị còn là một Thẩm phán mẫn cán, nhiều năm liền đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở, được Chánh án TANDTC tặng Bằng khen. Đặc biệt, năm 2014, chị được vinh danh là “Thẩm phán giỏi”.