Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) quyết liệt triển khai các giải pháp để làm “sạch” nội dung trên mạng, không cho phép các hành vi vi phạm, gian lận tiếp tục có điều kiện phát triển.
Tăng trách nhiệm của các chủ kênh, tài khoản trên mạng xã hội
Ngày 27/5, tại TP Hồ Chí Minh, Bộ TT&TT tổ chức Hội thảo kết nối với mạng lưới quản lý đa kênh (MCN), các công ty truyền thông và nhà sáng tạo nội dung trên mạng.
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của ngành nội dung số tại Việt Nam, sáng tạo nội dung số đã dần trở thành một xu hướng nghề nghiệp trong xã hội. Đây vừa là sân chơi cho các bạn trẻ đam mê sáng tạo có thể phát triển, vừa tạo ra nguồn thu nhập đáng kể, ổn định cho cá nhân và cộng đồng.
Tuy nhiên, theo nhận định của Bộ TT&TT, bên cạnh việc chia sẻ, lan tỏa những nội dung tích cực thì trên mạng xã hội vẫn tồn tại những người sáng tạo nội dung số, người nổi tiếng chủ ý truyền đưa những nội dung nhảm nhí, lệch chuẩn, thậm chí phán tán tin giả, xuyên tạc, vi phạm pháp luật, gây bức xúc trong xã hội và ảnh hưởng tiêu cực đến giới trẻ.
Nhiều nội dung vô bổ, độc hại trên mạng trở thành mảnh đất sinh lời dồi dào, mang lại doanh thu quảng cáo, bán hàng khổng lồ trong khi những thông tin chính thống, bổ ích thì bị mờ nhạt.
Đặc biệt, tình trạng này sẽ để lại nhiều hệ lụy xấu trong lĩnh vực thông tin - văn hóa - tư tưởng, ảnh hưởng quá trình hình thành, phát triển nhận thức và nhân cách của giới trẻ.
Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) nhấn mạnh, thời gian tới Bộ sẽ quyết liệt, mạnh tay hơn trong công tác quản lý để làm “sạch” nội dung trên mạng.
Bộ đang trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 72/2013/NĐ-CP về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng.
Nghị định mới này sẽ bổ sung nhiều quy định nhằm tăng trách nhiệm của các chủ kênh, tài khoản trên các nền tảng xuyên biên giới; chỉ cho phép các kênh, tài khoản có đăng ký thông báo với Bộ được tham gia hoạt động có phát sinh doanh thu; các quy định khóa kênh, khóa tài khoản rõ ràng hơn trước đây.
Công khai danh sách nội dung xác thực để khuyến khích quảng cáo
Cũng tại Hội thảo, ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ TT&TT cho hay, Việt Nam đứng đầu thế giới về lạm dụng không gian mạng để làm việc vi phạm đạo đức, pháp luật với mục đích kiếm tiền hoặc mục đích khác.
Ví dụ, người dùng sản xuất nội dung vi phạm bản quyền, lấy nội dung người khác làm ra rồi đăng tải lại lên YouTube; mua phim đồi trụy Nhật Bản, chia thành những clip nhỏ, lập kênh YouTube, rồi bán cho khán giả Mỹ; hoặc livestream trận bóng đá có bản quyền thuộc về các đài truyền hình, từ đó thu hút lượt xem, để quảng cáo cờ bạc.
“Trên thế giới, cứ 100 đồng tiền đến từ thu nhập gian lận trên YouTube thì có 55 đồng do người Việt Nam làm ra. Số tiền trên chiếm hơn 1/2 số tiền thu nhập do gian lận mà có. Trong khi, đất nước đứng thứ hai cũng chỉ bằng 1/10 của chúng ta”, Thứ trưởng Lâm chia sẻ thực trạng đáng buồn. Vừa rồi, hãng Apple cũng hạ đồng loạt 8.000 ứng dụng của Việt Nam, trong đó, có 2.800 ứng dụng là gian lận, không ít ứng dụng về nội dung.
Như vậy, người Việt đang làm ăn, kiếm sống, xây dựng tên tuổi, tương lai cho mình trong một hệ sinh thái thật giả lẫn lộn. Do đó, chúng ta cần có trách nhiệm làm sạch hệ thống này để không trở thành nạn nhân của gian lận, không thể cho phép bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào nhắm mắt làm ngơ trước cái sai và trục lợi từ cái sai. Không có lý nào, cùng một đồng tiền quảng cáo lại vừa đi vào kênh tử tế, vừa đi vào kênh xấu độc, phản cảm, mà vẫn kiếm được nhiều tiền. Bộ TT&TT đang xử phạt ngày càng nghiêm khắc với các nhãn hàng đưa nội dung quảng cáo lên những kênh xấu độc.
Cùng với đó, việc xây dựng và công bố danh sách nội dung “đã được xác thực” (Whitelist) và nội dung “đen” (Blacklist) của Việt Nam là một trong những giải pháp mới của Bộ TT&TT nhằm tăng cường công tác quản lý hoạt động quảng cáo trên Internet. Whitelist mới được Bộ TT&TT công bố vào trung tuần tháng 3/2023. Trước đó, trong năm 2022, Bộ TT&TT cũng đã công bố hơn 170 website vi phạm pháp luật.