Sau khoảng 2 tháng chững lại, lãi suất tiết kiệm đã bắt đầu tăng trở lại trong tháng 11 và kéo dài đến nay, bao gồm cả những ngân hàng lớn như Agribank, Techcombank và MB, đã tăng lãi suất tiết kiệm với mức tăng từ 0,1% - 0,7%/năm.
Loạt ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm
Theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, trong 4 tuần qua (từ ngày 11/11 - 6/12), lãi suất huy động của các ngân hàng biến động nhiều với 18/36 nhà băng tăng lãi suất, 6 ngân hàng giảm và 3 ngân hàng vừa tăng vừa giảm ở các kỳ hạn.
Ở nhóm Big4, Agribank vừa tăng 0,5% lãi suất các kỳ hạn từ 1-9 tháng gửi lại quầy lên mức 2,2-3,5%/năm. Hiện mức cao nhất ở ngân hàng này là 4,8%/năm kỳ hạn 24 tháng tại quầy.
Trong nhóm các nhà băng tư nhân, SeABank là ngân hàng ghi nhận tăng lãi suất mạnh nhất với với 0,85% kỳ hạn 6 tháng tại quầy lên mức 4,6%/năm, tăng 0,79% kỳ hạn 9 tháng lên mức 4,74%/năm, tăng 0,65% kỳ hạn 3 tháng lên mức 4,1%/năm. Hiện mức lãi suất tiết kiệm cao nhất ở ngân hàng này là 5,75%/năm kỳ hạn 24-36 tháng tại quầy, với hình thức gửi có kỳ hạn lĩnh lãi cuối kỳ.
Các ngân hàng còn lại hầu hết tăng lãi suất với chỉ từ 0,1-0,5%/năm, gửi tại quầy và online. Đơn cử tại TPBank tăng lãi suất tiền gửi tại một số kỳ hạn thêm 0,1 điểm đến 0,2 điểm % được áp dụng từ 28/11 như kỳ hạn 6 tháng nhích nhẹ từ 4,5%/năm lên 4,6%/năm;kỳ hạn 9 tháng, 18 tháng và 364 ngày có lãi suất lần lượt là 4,9%/năm; 5,5%/năm và 5,15%/năm, tăng thêm 0,1 điểm %; kỳ hạn 36 tháng là 5,8%/năm, nâng thêm 0,1 điểm %;...
Ngược lại, 6 ngân hàng giảm nhẹ lãi suất với mức chỉ 0,1%/năm ở một số kỳ hạn, tại quầy và online, gồm: BacABank, Indovina, BaoVietBank, NCB, Nam A Bank, ABBank. Ba ngân hàng đồng thời tăng và giảm lãi suất ở một số kỳ hạn gồm: Indovina, BaoVietBank và NCB.
Kể từ ngày 7/12 đến nay, loạt ngân hàng tiếp tục cuộc chạy đua tăng lãi suất huy động.
Tại Eximbank nâng lãi suất tiền gửi tại quầy ở nhiều kỳ hạn 1 tháng, 2 tháng, 6 tháng và 1 năm, với mức tăng mạnh nhất thêm 0,5 điểm %. Chi tiết hơn, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng lên 3,5%/năm, tăng lần lượt 0,4 điểm và 0,2 điểm % so với tháng trước. Kỳ hạn 6 tháng ở mức 5,2%/năm, tăng 0,5 điểm %. Kỳ hạn 12 tháng được áp dụng lãi suất tiền gửi là 5,4%/năm, tăng thêm 0,4 điểm %.
ABBank cũng đưa ra khung lãi suất mới cho hình thức gửi online kể từ ngày 7/12, trong khi vẫn giữ nguyên biểu lãi suất tiền gửi tại quầy.
Cụ thể, kỳ hạn 1 tháng - 5 tháng được áp dụng khung lãi suất tiền gửi là 3% - 4,45%/năm, tăng thêm 0,55 điểm - 0,85 điểm % tuỳ từng kỳ hạn. Kỳ hạn 6 tháng là 5,8%/năm, tăng đến 1,2 điểm %. Từ 7 tháng - 11 tháng mức 5,8%/năm, tăng mạnh thêm 1,6 điểm % so với tháng trước. Kỳ hạn 12 tháng lên tới 6%/năm, tăng thêm 0,6 điểm % và là mức hưởng cao nhất tại ABBank. Trong khi kỳ hạn từ 13 tháng trở đi, lãi suất áp dụng mới là 5,7%/năm, tăng 0,3 điểm %.
Mới đây nhất, trong ngày 11/12, lãi suất tiết kiệm tại ngân hàng MSB các kỳ hạn tiếp tục tăng so với lần cập nhật trước. Khung lãi suất được niêm yết mới dao động trong khoảng 3,6 - 5,5%/năm, kỳ hạn 1 - 36 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ theo hình thức gửi tại quầy.
Dự báo mới nhất về lãi suất tiết kiệm từ nay đến cuối năm
Sau khoảng 2 tháng chững lại, lãi suất huy động đã bắt đầu tăng trở lại trong tháng 11. Trong báo cáo vĩ mô mới công bố, Chứng khoán MB (MBS) đã đưa ra một số dự báo về lãi suất tiết kiệm trong thời gian từ nay đến cuối năm 2024.
MBS dự báo xu hướng tăng này được dự kiến sẽ được tiếp tục duy trì cho tới tuối năm nay trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng đang tăng nhanh hơn gần gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng của huy động vốn. Tính đến ngày 22/11, tăng trưởng tín dụng đã tăng 11,12%, cao hơn so với mức 9,15% ghi nhận vào cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh đó, nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống đến cuối tháng 9 năm nay đã tăng 4,55% so với cuối năm 2023, gần bằng mức cuối năm 2023 và tăng gấp đôi so với mức 2% của năm 2022. Do đó, điều này là một yếu tố góp phần thúc đẩy các ngân hàng tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi nhằm thu hút vốn mới, qua đó giúp đảm bảo thanh khoản.
Theo số liệu cập nhật đến cuối tháng 11, lãi suất 12 tháng trung bình của nhóm NHTM đạt mức 5% (cao hơn 0,14 điểm % so với đầu năm). Trong khi đó, lãi suất của các ngân hàng thương mại nhà nước vẫn giữ nguyên ở mức 4,7%/năm, thấp hơn 0,26 điểm % so với đầu năm.
MBS cho rằng sự phục hồi của tăng trưởng tín dụng, trong bối cảnh sản xuất và đầu tư tăng tốc mạnh hơn trong những tháng cuối năm, sẽ phần nào gây áp lực lên thanh khoản hệ thống và có thể dẫn đến việc tăng lãi suất đầu vào.
Ở chiều ngược lại, việc lạm phát ở mức thấp và Fed hạ lãi suất được kỳ vọng sẽ tạo thêm dư địa cho việc nới lỏng chính sách tiền tệ tại Việt Nam.