Bạn đọc

Lương Sơn, Hoà Bình: Nguy hiểm rình rập dưới chân mỏ đá 305

Văn Hoàng - Đỗ Việt 16/05/2023 - 13:09

Không chỉ gây ra chấn động lớn, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, hoạt động khai thác đá của Công ty Cổ phần 305 Hòa Bình còn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân.

W_anh-5.jpg
Mỏ khai thác đá Công ty Cổ phần 305 Hòa Bình.

Từ thông tin bạn đọc phản ánh, ngày 10/5, chúng tôi có mặt tại khu vực mỏ đá 305 (xã Liên Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình) để ghi nhận thực tế hoạt động khai thác cũng như việc chấp hành pháp luật trong khai thác đá của Công ty Cổ phần 305 Hòa Bình.

Khoảng 11 giờ, chúng tôi ghi nhận một tiếng nổ lớn từ trên đỉnh núi. Sau tiếng nổ, khói bụi mù mịt bao phủ, đá từ điểm phát ra tiếng nổ lăn xuống dưới chân như thác đổ.

Khói bụi chưa quang, hai chiếc máy xúc cỡ lớn đã di chuyển tới khơi, gạt cho đất đá tiếp tục lăn xuống. Dưới chân mỏ đá là trạm nghiền đá khổng lồ đang phát ra thứ âm thanh như búa bổ.

Từ Quốc lộ 21A men theo con đường nhỏ dẫn vào mỏ đá, chúng tôi gặp anh Nguyễn Văn Thuận (thôn Tân Sơn, xã Liên Sơn). Anh Thuận cho biết gia đình có hơn 7000m2 đất cách trạm nghiền của mỏ đá 305, Công ty Cổ phần 305 Hòa Bình khoảng 20m. Từ căn nhà gia đình anh đang sinh sống tới trạm nghiền khoảng 50m.

“Mỏ đá khai thác ồn ào suốt từ sáng cho tới 22h đêm, sống ở gần mỏ không chỉ ồn ào mà còn bị rung chấn, khói bụi. Mấy ngày gần đây mưa nên bụi có phần giảm bớt, ngày nắng bụi đá bám đầy cây cối, hoa màu, rau trồng gần như không thể ăn được. Căn nhà đang ở mới lợp lại mái do bị ảnh hưởng từ mỏ. Người dân chúng tôi đã có đơn gửi tới chính quyền địa phương, chủ mỏ đề nghị có giải pháp giảm tiếng ồn, khói bụi, rung chấn vì ảnh hưởng chung”, anh Thuận chia sẻ.

W_anh-2(1).jpg
Bên ngoài tường gạch của mỏ đá 305 là căn nhà chị Đinh Thị Vân.

Sát nhà anh Thuận là căn nhà của chị Đinh Thị Vân đang ở, cách mỏ đá chỉ một bờ tường gạch. Qua bờ tường là trạm nghiền đá của mỏ 305, sâu hơn vào trong là núi đá loang lổ đang khai thác.

Từ căn nhà chị Vân có thể quan sát rõ mọi hoạt động máy móc khai thác đá trên đỉnh núi. Chị Vân cho biết, sống ở gần mỏ không chỉ bị ảnh hưởng bởi khói bụi, tiếng ồn, mỗi khi nổ mìn người dân còn phải tìm chỗ nấp vì sợ đá văng trúng người.

“Sáng nay khoảng 11h nổ mìn, trước khi nổ người của mỏ đi dọc các hộ dân xung quanh để thông báo tránh mìn”, chị Vân nói.

Mặc dù bị ảnh hưởng rất lớn, song theo phản ánh của chị Vân, gia đình chị không được mỏ đá hỗ trợ. Chỉ khi xảy ra những sự cố như đá văng trúng nhà, hoặc văng phải chuồng gà thì mới được đền bù.

Anh Tuấn, chồng chị Vân bức xúc, cứ mỗi lần nổ mìn thì người của mỏ lại xuống kêu chúng tôi đi trốn. Nhà cửa, đất đai của chúng tôi ở đây mà bắt chạy đi là không được.

W_anh-3(1).jpg
Người dân thu hoạch chè ngay sát chân mỏ đá 305.

Chị Vũ Thị Thanh (thôn Tân Sơn, xã Liên Sơn, huyện Lương Sơn) cho biết, gia đình có vườn chè rộng hơn 3.000m2 sát mỏ đá 305. Hoạt động khai thác đá gây ô nhiễm môi trường, bụi bẩn ảnh hưởng rất lớn tới vườn chè.

Theo chị Thanh, mỗi khi nổ mìn, có lúc đá văng vào vườn, vào cả nhà và chuồng gà của người dân. “Bụi từ hoạt động khai thác đá bám trên cây chè, khi trời mưa sẽ ngấm xuống gốc làm đỏ cây không phát triển được. Đó là chưa kể việc có khi thu hoạch, chè sao xong mang đi bán người ta trả lại do không bảo đảm chất lượng. Hôm nay trời mưa, nên lá chè mới sạch như vậy, chứ ngày nắng còn phải dùng chổi để quét mới có thể hái chè”, chị Thanh bức xúc.

W_anh-4(1).jpg
Trạm nghiền bên trong mỏ hoạt động thường xuyên, máy móc xe tải thay phiên vận chuyển.

Theo phản ánh từ người dân, dưới chân mỏ đá 305 có hàng chục hộ gia đình ở các thôn xóm thuộc xã Liên Sơn bị ảnh hưởng như vậy. Trước đó, 21 hộ gia đình tại thôn Lộc Môn, xã Liên Sơn đã có đơn kiến nghị về hoạt động khai thác đá của Công ty cổ phần 305 Hòa Bình.

Ngày 28/3 vừa qua, UBND xã Liên Sơn đã có buổi làm việc với đại diện các hộ gia đình bị ảnh hưởng. Tại buổi làm việc, các hộ dân phản ánh: “Hoạt động khai, sản xuất kinh doanh của Công ty 305 đã gây ra chấn động lớn, hư hỏng công trình dân dụng, gây ô nhiễm, khói bụi tạo ra tiếng ồn gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, đời sống hàng ngày của người dân. Đề nghị chính quyền địa phương có biện pháp xử lý, Công ty 305 có phương án khắc phục,…”.

W_anh-5.1.jpg
Xung quanh mỏ đá còn nhiều hộ dân sinh sống.

Trao đổi với chúng tôi, Phó chủ tịch UBND xã Liên Sơn Nguyễn Ngọc Thụ cho biết: Hiện nay trên địa bàn xã Liên Sơn có nhiều mỏ đang tạm dừng hoạt động để làm lại thiết kế mỏ vì không an toàn. Đối với mỏ đá 305 của Công ty cổ phần 305 Hòa Bình hiện vẫn được phép hoạt động.

“Trước những thông tin phản ánh, đơn thư kiến nghị của người dân, chính quyền địa phương đã xuống hiện trường nắm bắt tình hình và làm việc với lãnh đạo mỏ, công ty đã phối hợp kiểm đếm để có phương án khắc phục. Sau khi có biên bản làm việc, UBND xã đã báo cáo UBND huyện Lương Sơn”, ông Thụ cho biết.

Vẫn theo ông Thụ, UBND xã thường xuyên tham gia cùng đoàn liên ngành của tỉnh, huyện kiểm tra hành chính, an toàn lao động, vật liệu nổ của các mỏ đá. Ông Thụ xác nhận, mấy năm nay việc khai thác đá từ các mỏ trên địa bàn xã có ảnh hưởng đến cây chè, lúa và hoa màu của người dân.

Hoạt động khai thác đá tại Công ty cổ phần 305 Hòa Bình.

Để có thông tin khách quan, chúng tôi đã liên hệ với Công ty cổ phần 305 Hòa Bình. Lãnh đạo công ty cho biết đang bị Covid-19 nên chưa thể sắp xếp buổi làm việc để cung cấp thông tin.

Chúng tôi cũng đã liên hệ với UBND huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình và các đơn vị liên quan và tiếp tục thông tin khi nhận được phản hồi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lương Sơn, Hoà Bình: Nguy hiểm rình rập dưới chân mỏ đá 305