Có không ít bị cáo đứng trước vành móng ngựa cho rằng do say rượu nên mất ý thức, không còn khả năng điều chỉnh hành vi và họ nghĩ lỗi của mình là không cố ý.
Tuy nhiên, pháp luật xác định, chính bị cáo tự đánh mất ý thức khi lạm dụng rượu nên phải chịu trách nhiệm hình sự như một người bình thường.
Cúi đầu trước vành móng ngựa, trong phiên tòa sơ thẩm ngày 26/10 do TAND TP. Hồ Chí Minh mở là Nguyễn Văn Sự (28 tuổi, ngụ xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn). Bị cáo thể hiện sự hối hận khi khai lại quá trình phạm tội có nguyên nhân sâu xa từ rượu và thói côn đồ, không biết hướng thiện.
Hồ sơ vụ án cho thấy, Nguyễn Văn Sự là một đối tượng lưu manh nguy hiểm. Sự sinh ra trong một gia đình đông con nên từ nhỏ, Sự cũng chẳng đến trường như chúng bạn. Càng lớn, Sự chẳng những không chín chắn mà còn thể hiện sự quậy phá, vi phạm pháp luật. Năm 2004, Sự đi trộm cắp tài sản và bị tóm gọn, TAND huyện Hóc Môn xét xử, tuyên phạt 9 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Chẳng những không biết hối lỗi, Sự ngày càng lún sâu vào con đường phạm tội, liên tục bị Công an địa phương xử lý về các hành vi gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích.
Đỉnh điểm của sự ngông cuồng là khoảng 20 giờ ngày 7/8/2015, Nguyễn Văn Sự tổ chức ăn nhậu cùng nhóm bạn, trong đó có Nguyễn Văn Hạnh tại phòng trọ ở ấp Tây Lân, xã Bà Điểm, Hóc Môn. Lời khai của Nguyễn Văn Hạnh thể hiện sau một tiếng đồng hồ ăn nhậu, Sự tiếp tục mời cả nhóm đến nhà bạn là Hà Văn Kiếm để tiếp tục “tăng hai”. Tại đây, cả nhóm thấy Nguyễn Văn Tâm (anh ruột Sự) đang ngồi uống bia cùng một số phụ nữ nên nhập chung để cùng vui.
Dẫn giải bị cáo Sự ra Tòa
Khi đang cùng nhau “chén tạc, chén thù”, Sự thấy hết mồi nên đề nghị đi mua thêm. Lúc này đêm đã về khuya, ai cũng nồng nặc hơi men nên Hạnh không đồng ý cho Sự đi, từ đó “bợm nhậu” xảy ra cự cãi.
Chuyện chỉ có vậy nhưng với bản chất côn đồ, Sự bỏ vào nhà, đến kệ chén dĩa lấy dao nhọn bất ngờ đi ra phía sau Hạnh đâm thẳng vào ngực trái nạn nhân. Gây án xong, Sự ném dao lên mái nhà bên cạnh rồi nhanh chân lấy xe máy tẩu thoát.
Nạn nhân được những người xung quanh đưa đi cấp cứu kịp thời nên may mắn thoát chết nhưng bị thương tật với tỷ lệ 40%. Sau thời gian lẩn trốn, đến ngày 19/2/2016, Nguyễn Văn Sự bị bắt theo lệnh truy nã.
Cũng như Sự, trường hợp bị cáo Trần Văn Ban (SN 1959, ngụ xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh) đang từ người bình thường bỗng biến thành kẻ sát nhân chỉ vì bị “ma men” dẫn đường chỉ lối. Có điểm khác là nạn nhân của Ban chính là người thân của bị cáo.
Trần Văn Ban từng có một gia đình êm ấm, vợ đẹp con khôn. Tuy nhiên, Ban là kẻ rất đa nghi, thiếu sự tin tưởng vào người bạn đời. Thấy vợ là chị Hoa Thị Thanh có vẻ gần gũi với anh Nguyễn Văn Cẩm (người cùng địa phương), Ban ghen tuông mù quáng, y đắm chìm trong men rượu rồi nảy sinh ý định giết vợ.
Ngày 25/12, Ban viết 5 lá thư gửi cho người thân với nội dung là khẳng định chị Thanh ngoại tình, giết Thanh rồi tự sát. Nhiều lần Ban muốn ra tay nhưng không đủ cam đảm để thực hiện hành vi tội ác tày trời của mình.
Để có “dũng khí” thực hiện tội ác, Ban quyết định uống thật say. Tối 31/12, Ban đi nhậu về thấy các con đã đi ngủ, riêng chị Thanh còn ngồi ở sau nhà. Sự tàn nhẫn lên đến đỉnh điểm, Ban xách chai thuốc diệt cỏ mà y đã chuẩn bị trước để ép chị Thanh uống .
Thấy chị Thanh cự tuyệt, Ban liền dùng kéo cắt vải đâm vào tay vào ngực chị Thanh. Bản năng sinh tồn trỗi dậy mãnh liệt, chị Thanh vùng dậy gạt phăng kéo, hất đổ lon thuốc diệt cỏ rồi bỏ chạy ra ngoài. Ban vội chụp cây gỗ đuổi theo đánh nhiều cái vào đầu vợ khiến chị ngã xuống.
Trong cơn say, Ban chạy vào nhà cầm rựa chạy ra, quyết tâm thực hiện tội phạm đến cùng. Chị Thanh kịp thời tri hô mọi người cứu. Bất chấp các con chạy ra che chở cho mẹ và nhiều người hàng xóm xông vào can gián, Ban như một kẻ khát máu, tuyên bố sẽ chém chết kẻ nào dám ngăn cản. Sau đó, y thực hiện tội phạm một cách tàn nhẫn.
Hành vi của các “ma men” phải trả giá bằng những mức án nghiêm khắc như Nguyễn Văn Sự lãnh 14 năm tù về tội “Giết người”; Trần Văn Ban bị loại bỏ ra khỏi đời sống xã hội bằng mức án tử hình. Tội ác bị trừng phạt nhưng các con của Ban trở thành người mồ côi cả cha lẫn mẹ, bi kịch bị cáo gây ra thật đau lòng.
Nhiều người ý thức được việc lạm dụng rượu khiến họ đánh mất lý trí, hành xử như những kẻ côn đồ. Thế nhưng, họ lại không thực hiện việc “uống có trách nhiệm”, dẫn đến gây ra án mạng đau lòng. Các vụ án nêu trên tiếp tục là lời cảnh tỉnh cho những “đệ tử lưu linh”, đừng lặp lại những sai lầm như các bị cáo khi nói lời nói sau cùng: “Xin đừng phạm sai lầm nghiêm trọng trong cuộc đời như bị cáo là mất kiểm soát do say rượu!”.