Hiện đang có trào lưu đổ thừa cho cái gọi là “lỗ hổng” ở văn bản này, điều luật kia khiến cơ quan chức năng “bó tay”. luôn.
Trở lại vụ Formosa, nhân họp báo quý II, Bộ KH&CN tái khẳng định Bộ này không thẩm định được công nghệ mà Formosa sử dụng khi công ty này xin cấp giấy phép đầu tư tại Hà Tĩnh “do không đủ thông tin”.
Đây là khẳng định của ông Đỗ Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Đánh giá, thẩm định và giám định công nghệ (ĐTG) Bộ KH&CN.
Theo vị Vụ trưởng này, thì việc cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Formosa thuộc thẩm quyền UBND tỉnh Hà Tĩnh. Đối với những dự án xin chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng như Formosa, UBND tỉnh Hà Tĩnh phải hỏi ý kiến các Bộ, ngành liên quan trước khi cấp phép. Khi đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã gửi công văn xin ý kiến kèm theo báo cáo tiền khả thi dự án. Sau đó Bộ KH&CN đã có công văn ngày 27/5/2008 trả lời HàTĩnh. Thế nhưng, trong báo cáo tiền khả thi, Formosa chỉ nêu công nghệ mà họ sử dụng là công nghệ lò cao truyền thống chứ không có thông tin chi tiết về thiết kế kỹ thuật. Vì thế, trong văn bản trả lời, Bộ KH&CN cũng chỉ khẳng định, đây là công nghệ được sử dụng phổ biến trong các nhà máy luyện gang thép và không phải là công nghệ mới. Luật Đầu tư 2005 được ban hành đã hợp nhất luật đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài cho nên phần giải trình về công nghệ đã được đơn giản hóa.
Bộ KH&CN thừa nhận bất cập trong quy đinh kiểm tra công nghệ dự án đầu tư
Theo như ông Nam, khi ban hành Luật Đầu tư 2005, Bộ KH&CN đã đề nghị tăng cường công tác thẩm định công nghệ trong giai đoạn xem xét. Tuy nhiên, khi luật được thông qua, chỉ dự án sản xuất có sử dụng công nghệ hạn chế chuyển giao mới phải thẩm định ở giai đoạn cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Sau đó, Vụ trưởng Nam nhận xét đây chính là bất cập trong quy định xem xét cấp giấy chứng nhận đầu tư. Bởi lẽ, về nguyên tắc, khi xin cấp giấy chứng nhận đầu tư, nhà đầu tư phải có các phương án công nghệ khác nhau để lựa chọn.
Nhân chuyện này, một giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng công nghệ luyện kim đã được giảng dạy cả nửa thế kỷ nay. Không có gì khó khăn để thẩm định công nghệ mà Formosa mang vào Hà Tĩnh. Thế nhưng, khi đã cho phép nhà đầu tư chọn công nghệ của họ rồi thì dù không phù hợp nhưng “ván đã đóng thuyền”, nhà máy đi vào sản xuất rồi thì việc thay đổi công nghệ cho phù hợp là bất khả thi và không chừng chúng ta phải bồi thường vì đã cấp phép, nay thấy có vấn đề về môi trường mới đòi hỏi thay đổi công nghệ.
Câu chuyện “lỗ hổng” trong các quy định liên quan đến thảm họa môi trường mang tên Formosa, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cũng đã đưa ra những minh chứng về “lỗ hổng” trong giám sát giai đoạn vận hành thử nghiệm không có cơ quan nhà nước nào thực hiện nhiệm vụ giám sát. Bộ trưởng Hà thừa nhận hệ thống giám sát tự động cũng chưa có cơ quan nào vào đánh giá, trong đó có những độc tố nặng. Pháp luật về môi trường có lỗ hổng trong quá trình giám sát thử nghiệm.
Tìm ra “lỗ hổng” không quá khó nhưng ai lấp kín, lấp như thế nào, bao lâu mới xong mới đáng luận bàn. Thế nhưng vẫn chưa thấy bất cứ động thái nào liên quan đến việc lấp ngay “lỗ hổng chết người” này!