Lễ hội Trò Chiềng xã Yên Ninh được xem như là lễ hội độc đáo và đặc sắc nhất của huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa, thế nhưng do biến cố của lịch sử nên trong thời gian dài đã không có điều kiện phục dựng và tổ chức.
Theo sử sách ghi lại, lễ hội Trò Chiềng (thuộc làng Trịnh Xá, xã Yên Ninh, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa) là lễ hội phản ánh cuộc sống lao động, chiến đấu, tái hiện lại những năm tháng luyện tập binh mã để đi dẹp giặc cứu nước, thể hiện tinh thần yêu nước của nhân dân. Lễ hội cũng gắn liền với những chiến công hiển hách cũng như công lao to lớn của Thành Hoàng làng Tam Công Trịnh Quốc Bảo.
Thành Hoàng làng Tam Công Trịnh Quốc Bảo được sinh vào khoảng năm 998 tại xã Yên Ninh, ông làm quan cho triều Lý, là một vị quan văn võ song toàn. Ông tham gia dẹp giặc Tống ở phía Bắc, và 2 lần phò vua đi dẹp giặc loạn quân Chiêm Thành ở phía Nam. Trong suốt quá trình dưới triều Lý, ông đã lập được nhiều công trạng và có nhiều đóng góp to lớn và đã được vua Lý Thánh Tông tấn phong là Phong Vinh Quốc Trượng Đại Phu. Ông cũng chính là người đã tạo dựng nên lễ hội Trò Chiềng.
Trò chọi voi nằm trong lễ hội Trò Chiềng
Lễ hội Trò Chiềng là một lễ hội vừa mang đậm sắc thái văn hóa, vừa mang dấu ấn lịch sử sâu sắc, lại có những nét độc đáo riêng mà không nơi nào có được. Thế nhưng qua thời gian, biến cố lịch sử nên lễ hội đã bị mai một và không có điều kiện tổ chức. Theo một số cụ cao niên trong làng, lễ hội Trò Chiềng được tổ chức lần cuối vào tháng Giêng năm Ất Dậu (1945).
Với tâm tư nguyện vọng của người dân, cũng như được sự quan tâm của các cấp lạnh đạo, lễ hội Trò Chiềng đã được phục dựng và tham dự nhiều lễ hội lớn của Quốc gia. Lễ hội Trò Chiềng đã được chọn cử tham gia lễ hội Lam Kinh, Lễ hội 100 năm du lịch Sầm Sơn. Đặc biệt vào năm 2010, lễ hội Trò Chiềng đã được tái xuất biểu diễn tại Lễ hội kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Ngày 20/6/2017, Lễ hội Trò Chiềng đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.
Lễ hội Trò Chiềng thường được tổ chức vào khoảng ngày 10 đến 12 tháng Giêng hàng năm. Trò Chiềng là một trò diễn tổng hợp đồ sộ gồm 12 trò diễn, được bố cục thành một chương trình để trình diễn đan xen với phần lễ và phần hội, có trậ tự logic, rõ ràng rành mạch. Trong lễ hội có 4 phần rước gồm: Rước cỗ vàng, rước cỗ gà, rước thành hoàng và rước Phụng Hoàn.
Phần hội trong Lễ hội Trò Chiềng có các trò đặc sắc như Kén rể, Tẩu mã, Chọi voi, Chọi rồng - cá chép hóa rồng, Voi bị, Đốt pháo bông, Lễ rước Phụng Hoàn. Lễ hội Trò Chiềng mở đầu bằng trò Kén rể. Tương truyền, con gái làng Trịnh Xá vốn nổi tiếng đẹp người, đẹp nết, mỗi khi làng mở hội, tổ chức kén rể thì tài tử khắp chốn xa gần đều nô nức kéo đến tham gia. Mở đầu trò Kén rể có người đóng vai Lương tướng, người đóng vai Lão Nguyệt,…
Thay mặt Bộ Vặn hóa thể thao và Du lịch tặng Quyết định cho các cấp chính quyền tỉnh Thanh Hóa
Trong lễ hội Trò Chiềng với 12 trò diễn đặc sắc, trò Chọi voi được xem là tiết mục độc đáo nhất. Voi có 3 loại gồm: Voi chầu gồm 2 con to như voi thật. Voi chọi được đan bằng tre và mây, do 4 thanh niên lực lưỡng vác 4 chân và 1 lão nông khoẻ mạnh, dày kinh nghiệm cầm cần điều khiển đầu voi để chọi, toàn bộ thân voi có vải che kín và mỗi voi có màu vải khác nhau. Khi phát lệnh, 2 con voi xông vào nhau, chọi bằng 2 chiếc ngà. Lệ xưa quy định, chọi 2 vòng, mỗi vòng 3 hiệp, con nào bị đẩy lùi, bị đánh đúng chữ “Đích” trên đầu thì bị thua.
Sau khi trò diễn kết thúc, tất cả voi, ngựa, rồng, được đem hoá yết cáo trời đất tri ân công đức của cha ông và các thế hệ tiền nhân của dân làng Chiềng. Bên cạnh trò Chọi voi, trò Chọi rồng cũng không kém phần độc đáo. Với 2 con rồng, trong đó đầu và đuôi hình rồng, còn giữa thân có hình cá chép. Khi hai con chọi nhau, con nào thắng thì con cá chép chui hẳn vào đầu rồng thành cá chép hoá rồng…
Ông Đỗ Công Hưng - Chủ tịch UBND xã Yên Ninh đánh trống khai mạc lễ hội
Ngày 25/2/2018, UBND xã Yên Ninh đã long trọng tổ chức lễ Công bố quyết định công nhận Lễ hội Trò Chiềng là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia. Thay mặt Bộ Văn hóa Thể Thao và Du lịch, ông Nông Quốc Thành – Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa đã trao quyết định cho các cấp chính quyền tỉnh Thanh Hóa.