Đời sống

Lấy chồng nghề biển, hồn treo cột buồm…

Hải Nam 21/10/2023 - 17:26

Những ngày qua, nỗi đau bao trùm làng biển Tam Quang (Núi Thành - Quảng Nam) bởi 13 ngư dân mất tích vẫn biệt tăm. Từ phía bờ những ánh mắt vẫn đăm đăm nhìn ra biển. Những giọt nước mắt đợi chờ cũng vì thế khiến những mái đầu “vọng phu” thêm bạc trắng… Phút chốc những người vợ trở thành góa phụ, những đứa trẻ sớm vội mồ côi.

Phía biển, những con sóng bạc đầu vẫn cứ mải miết xô bờ, nhưng chưa mang lại thêm chút tin tức tốt lành nào về những người con của biển.

Làng biển Tam Quang lúc này, khắp làng trên, xóm dưới thất thần đón nhận hung tin, những hạt mưa lây rây như khiến những khu dân cư ven biển càng thêm thê lương. Mọi người nhìn nhau, cúi gằm mặt, ghìm chặt nỗi buồn trong sâu thẳm.

Đã qua bao đời người, các nghĩa trang ven bờ biển cũng chồng lên những ngôi mộ gió, họ sợ những cơn cuồng nộ bão dông của biển khơi, nhưng những người chồng, những chàng trai vẫn phải đi về phía biển vì sự sinh tồn. Bởi, con cá con tôm không chỉ đem lại miếng cơm manh áo cho gia đình, mà sự hiện diện của ngư dân cùng con tàu là cột mốc sống trên biển.

Điều thiêng liêng này phụ nữ làng biển đã, đang lặng thầm tham gia bằng việc chăm lo tốt cho gia đình, làm tròn vai trò hậu phương để chồng con yên tâm vươn khơi bám biển. Bao vất vả đều vượt qua được, chỉ mong sóng yên bể lặng để mọi phụ nữ làng chài đều được đón chồng con trở về, đoàn tụ mỗi trăng.

Ở cái xóm biển này, hầu hết phụ nữ luôn phải sống trong những tháng ngày thiếu vắng hơi ấm người trụ cột trong gia đình. Sáng sáng, các chị cầu mong và hy vọng khi chồng, cha, con vươn khơi quay trở về cập bến với khoang cá, tôm nuôi sống gia đình.

dt18(1).jpg
Người thân vẫn đang mòn mỏi chờ tin tức của 13 ngư dân đang mất tích trên biển

Tôi gặp bà Nguyễn Thị Thắm khi bà đang vá lưới chuẩn bị cho chồng đi biển. Cũng như bao gia đình khác ở làng chài này, sáng sớm bà ra bãi biển đón chồng cập bến, cùng chồng “cõng” tôm, cá lên bờ rồi phân loại bán.

Nhìn về phía xa khơi, bà Thắm trải lòng: “Đời phụ nữ lấy chồng nghề biển như tôi gắn liền với những buổi sáng khắc khoải chờ đợi ghe của chồng cập bến, buổi trưa ngồi vá từng manh lưới rách và buổi chiều chuẩn bị cơm cho chồng trước lúc ra khơi. Thoạt nhìn cuộc sống có vẻ êm đềm, bình lặng nhưng thực chất trong lòng luôn canh cánh nỗi lo phút chốc có thể trở thành… góa phụ”.

Bà Thắm nói thêm: “Hồi trước, mỗi lần chồng tôi theo tàu ra khơi là những ngày dài mẹ con tôi ngóng trông, chờ đợi, vì hồi đó chưa có điện thoại gì để liên lạc. Nhất là những khi mưa bão mẹ con tôi lại bất an, lo lắng. Mình chỉ còn biết cầu mong cho sóng yên biển lặng và thời gian sớm qua mau để đón ông ấy về. Giờ thì ông ấy đi gần bờ, chiều hoặc rạng sáng mới ra khơi, sáng sớm hôm sau lại về nên tôi cũng đỡ lo hơn. Thế nhưng có hôm khi thuyền bạn cập bến rồi mà không thấy ổng đâu, tôi lại ra bãi biển trước nhà ngóng miết; đến khi thấy bóng dáng ổng xa xa từ biển tiến vào tôi mới yên tâm”.

Hơn 6 năm làm việc tại cảng cá An Hòa, anh Vũ, nhân viên cảng bảo đã chứng kiến biết bao lần nước mắt người thân các ngư phủ rơi xuống bến cảng. Ai cũng bảo, biết là nghề biển hiểm nguy, nhưng những ngư phủ vắn số quá. Họ mất đi, để lại những ước mơ dang dở cùng một mái ấm gia đình đang dần nguội lạnh. Năm nào ở làng biển này cũng có đôi chiếc tàu ra khơi và gặp nạn, nhưng đây là chuyến tàu mất mát nhất của ngư dân địa phương. Nhìn bà con gào lên trong cơn tuyệt vọng bên thi thể người thân khi được đưa từ tàu lên bến cảng ai cũng đứt ruột đứt gan.

Tôi ra về mà lòng cứ khắc khoải hình ảnh đơn độc của những góa phụ nơi đầu sóng. Những đứa trẻ đen đúa với mái đầu khét nắng, những người mẹ tựa cửa nhìn xa xăm ngóng đợi những đứa con với ánh mắt rưng rưng... Chưa bao giờ câu ca dao xưa lại ám ảnh, khắc khoải nỗi chia lìa, nát tan đến thế: “Lấy chồng nghề ruộng em theo/ Lấy chồng nghề biển, hồn treo cột buồm”...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lấy chồng nghề biển, hồn treo cột buồm…