Ký sự pháp đình

Mẹ chưa từng rời đi, chỉ là con không còn ngoái lại

Trang Trần 06/05/2025 - 11:53

Bà Đoài ngồi tựa vào hàng rào sắt, nắng đầu ngày chiếu thẳng vào chiếc áo nâu sờn bạc như chính tuổi đời đã đi qua hơn 70 mùa mưa gió. Không còn khóc thành tiếng như những lần đầu tiên con bà bị đưa ra tòa, nhưng trong đôi mắt sâu hoắm của người mẹ già vẫn thấy rõ sự đau đớn âm thầm...

Vì lý do riêng theo quy định, lần này bà Đoài không còn được phép vào phòng xét xử như những phiên tòa trước. Không còn vị trí quen thuộc ở hàng ghế cuối để lặng lẽ dõi theo con, lần này bà đứng hẳn phía ngoài đường, tay bấu vào song sắt hàng rào của Tòa án như bấu víu vào chút hy vọng mong manh còn sót lại. Từ nơi góc khuất ấy, bà Đoài đứng bất động dõi theo từng chuyển động của con, từ khi chiếc xe chở phạm dừng hẳn trên sân Tòa cho đến khi con trai bà được dẫn giải vào hẳn trong phòng xử.

Lần này bà thực sự không thể chạm được vào con, cũng chẳng thể gửi trao một lời, một cử chỉ nào ngoài sự đau đớn dâng trào, bóp nghẹn trong lồng ngực. Có lẽ, chỉ những người làm mẹ mới hiểu được cảm giác ấy, cảm giác như có “vạn tiễn xuyên tâm” nhưng người chịu đựng vẫn phải đứng thẳng, không được gục xuống, bởi nếu bà ngã, sẽ chẳng còn ai chờ đợi đứa con lầm lạc ấy trở về.

Con trai bà- Bùi Hoàng Hiệp (SN 1996, trú quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng) hôm nay lại đứng trước bục khai báo, bị xét xử vì tội “Mua bán trái phép chất ma túy”. Một tội danh không mới với Hiệp và không lạ với bà Đoài, nhưng lần này, khối lượng ma túy hơn 95 gram, bản án dự kiến sẽ không còn là vài năm để hy vọng con quay về, mà có thể là phần lớn quãng đời còn lại của một người như bà.

6-5-kspd-trangtran1.jpg
Khi nói lời sau cùng, Hiệp xin được tha thứ, xin một cơ hội để làm lại cuộc đời...

Cuộc đời bà Đoài là một dải trầm uất của những mùa đông không ánh lửa. Người ta nói về tuổi già như một phần thưởng sau những năm tháng hy sinh, nhưng với bà, tuổi già chỉ là khúc vĩ thanh của một bản nhạc u uẩn, trong đó những nốt buồn cứ dai dẳng lặp lại. Bà không nhớ bao nhiêu lần mình đã bước qua cánh cửa Tòa án, chỉ biết lần nào cũng là một lát cắt mới vào lòng người mẹ.

Ngày Hiệp rời ghế nhà trường khi đang học lớp 8, bà đã khóc nhưng vẫn hy vọng. Hy vọng con chỉ lầm đường một lúc, rồi sẽ quay đầu. Khi Hiệp gây thương tích người khác và bị kết án tù năm 16 tuổi, bà đau nhưng vẫn hy vọng.

Khi Hiệp lần nữa bị xử phạt 3 năm tù vì ma túy, bà buồn đến hóa câm, nhưng lòng mẹ vẫn dày công chờ đợi. Và rồi, lúc Hiệp lập gia đình, bà mừng rỡ như thể đó là điểm sáng cuối đường. Bà Đoài lên chức bà nội, nghĩ rằng đứa con trai bất kham cuối cùng đã học được cách làm người nhưng bà không ngờ, cánh cửa làm cha, làm chồng không mở được lối cho con thoát khỏi bóng tối.

Hiệp vẫn ngựa quen đường cũ. Hiệp bỏ vợ, không nghề nghiệp, nợ nần và lệ thuộc. Cuối cùng, một lần nữa Hiệp lại quay về với ma túy.

Khi Hiệp bị bắt vào cuối tháng 5/2024 vì mua bán hơn 95 gram ma túy tổng hợp, trong đó có thuốc lắc và ketamine, người đầu tiên biết tin chính là bà Đoài. Bà không gào thét, không kêu la, chỉ lặng lẽ ngồi trong căn nhà trống hoác, nhìn lên bàn thờ chồng như van vỉ một lời tha thứ. Thực sự, người mẹ ấy không còn nước mắt để khóc cho con.

Tại phiên tòa, Hiệp thú nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Khi nói lời sau cùng, Hiệp xin được tha thứ, xin một cơ hội để làm lại cuộc đời.

Bên ngoài phòng xử, bà Đoài vẫn đứng nép sau hàng rào sắt, mắt không rời cánh cửa nặng nề đã khép lại. Bà không thể nghe thấy con nói gì, cũng không thể biết điều gì đang diễn ra trong căn phòng đang định đoạt tương lai của con trai. Bà chỉ có thể chờ. Chờ khoảnh khắc cánh cửa mở ra và con trai bà bước qua nơi bà đang đứng trước khi bị dẫn giải trở lại trại giam.

Thông tin từ luật sư đến tai bà khi chiếc xe chở phạm nhân đã rời khỏi Tòa, mức án lần này của Hiệp là 18 năm tù cùng khoản tiền phạt bổ sung 30 triệu đồng… Bà Đoài đổ sụp bên vỉa hè, hai tay ôm mặt khóc nghẹn: “Con ơi, mẹ khổ và đau lắm rồi…”. Mấy ai nghe thấy tiếng khóc gọi ấy, nhưng nó vẫn là tiếng nấc xé lòng, bật ra từ trái tim của một người mẹ vừa mất đi thêm một phần hy vọng. Tiếng gọi có phần lạc giữa không gian, có phần âm thầm như đời bà- người đã trải cả tuổi già trong những ngày chờ con trở về mà không biết liệu mình còn đủ thời gian để chờ đến cuối hành trình ấy.

Không ai hiểu vì sao Hiệp lướt qua nơi mẹ mình đang đứng. Rõ ràng anh ta có thể nghe tiếng gọi đầy thổn thức vang lên giữa khoảng sân lặng ngắt, nhưng đôi chân vẫn bước thẳng, ánh mắt không hề ngoái lại. Bà Đoài đưa tay về phía trước như muốn níu lấy, gọi thêm lần nữa, giọng run run vỡ ra: “Hiệp ơi… mẹ đây!”, vậy mà con trai bà vẫn tiếp tục bước lên xe, không một cái liếc nhìn, không một lời chào tạm biệt. Bà chết lặng giữa tiếng động cơ nổ lên, giữa cảnh cửa xe khép lại phũ phàng như cái ngoảnh mặt của số phận.

6-5-kspd-trangtran2.jpg
Mỗi lần có ai hỏi về con, bà Đoài thường chỉ cười nhẹ rồi im lặng. Vì làm mẹ là vậy, dẫu con có là ai, đứng ở đâu, mẹ vẫn nhận phần đau về mình.

Chúng ta thường nhìn nhận những người phạm tội như kẻ không đáng thương, đáng trách. Nhưng phía sau mỗi bản án, có bao nhiêu người mẹ già phải chịu đựng nỗi dày vò kéo dài như bản án song song. Pháp luật trừng trị người sai, nhưng cuộc đời đôi khi quá tàn nhẫn với những người vô tội lặng thầm đứng sau.

Bà Đoài không sinh ra một tên tội phạm. Bà chỉ sinh ra một đứa con trai. Một đứa trẻ từng biết nói “mẹ ơi”, từng biết khóc khi té ngã, từng biết cười khi được bà ôm vào lòng. Nhưng đời sống đôi khi có những khúc ngoặt mà tình yêu không đủ sức kéo lại. Giá như ngày xưa Hiệp có một môi trường tốt hơn. Giá như có ai đó đủ kiên nhẫn và mạnh mẽ để ngăn Hiệp trước lần sa chân đầu tiên. Giá như…

Mỗi lần có ai hỏi về con, bà Đoài thường chỉ cười nhẹ rồi im lặng. Vì làm mẹ là vậy, dẫu con có là ai, đứng ở đâu, mẹ vẫn nhận phần đau về mình. Không ai có thể hiểu được vì sao người mẹ ấy vẫn đi theo con đến tòa, vẫn nuôi hy vọng dù bao lần thất vọng. Đó không phải vì sự yếu đuối, mà bởi tình mẫu tử là thứ tình cảm không lý trí nào phân tích được. Nó đã trở thành bản năng, máu thịt.

Có những tội lỗi khiến người phạm phải mất cả đời để trả, nhưng có những nỗi đau khiến người không làm gì sai cũng phải chịu cả đời không nguôi.

Cuộc đời không bao giờ có đường quay lại, chỉ có thể đi tiếp trong nuối tiếc và hy vọng. Bà Đoài không còn mong chờ một điều kỳ diệu, nhưng bà vẫn mong, trong trại giam, đứa con trai ấy sẽ thật sự hối cải. Không phải vì bản án, không phải vì ai khác, mà vì người mẹ già đã yêu con bằng tất cả cuộc đời.

Rời khỏi Tòa án với dáng đi chậm chạp, vai áo bà Đoài đã sẫm ướt bởi nước mắt từ bao giờ. Người mẹ ấy không nói thêm điều gì. Đôi mắt sâu hoắm vẫn hướng về khoảng trống vừa bị chiếc xe chở phạm cuốn đi, như thể, bà vẫn đang chờ đứa con trai quay đầu ngoảnh lại, dù chỉ một lần.

(Tên nhân vật đã được thay đổi)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mẹ chưa từng rời đi, chỉ là con không còn ngoái lại