Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã có lệnh đóng cửa rừng, những cây gỗ phải được bảo vệ nghiêm ngặt. Thế nhưng ở xã Yên Thắng (Lang Chánh, Thanh Hóa) nhiều thân gỗ quý nằm la liệt dọc theo con suối, không ít gốc cây rỉ nhựa, rừng bị xẻ thịt không thương tiếc.
Theo tìm hiểu của PV, tại khu vực rừng tự nhiên Hón Piềng (làng Tráng, xã Yên Thắng, huyện Lang Chánh, Thanh Hóa) đang bị tàn phá nghiêm trọng. Nhiều thân gỗ táu cổ thụ (chủng gỗ thuộc nhóm 2) bị lâm tặc đốn hạ một cách ngang nhiên. Điều bất thường là những cây gỗ táu với giá trị kinh tế cao đã được đối tượng vận chuyển một cách dễ dàng qua nhiều chốt chặn kiểm tra.
Theo chỉ dẫn của người dân, lần theo con đường từ cửa rừng dẫn vào khu vực Hón Piềng phải luồn lách giữa đám cây bụi và keo lai rồi chạy hút lên mãi. Để vào được khu rừng bị lâm tặc tàn phá, chúng tôi phải lội suối, vượt dốc, băng rừng, vắt cắn đầy chân… Nhiều giờ đi bộ và đánh vật với khó khăn, cuối cùng chúng tôi cũng tiếp cận được khu vực rừng bị tàn phá.
Hiện trường rừng bị tàn phá
Ghi nhận tại hiện trường, một đống lớn các bìa gỗ và mùn cưa mới, nhìn sang phía bên phải con suối, vệt trống chạy từ bờ suối lên lưng chừng núi, như vết một con trăn lớn vừa trườn đi. Bám vào các dây leo, chúng tôi đu mình theo. Đi khoảng 40m, chúng tôi bắt gặp một gốc cây cổ thụ, áng chừng phải vài người ôm đã bị đốn hạ. Xung quanh gốc cây, người chặt cố tình vịn những ngọn nứa, vầu kéo ghì xuống đan vào nhau để che giấu. Nếu không nhìn kỹ, hẳn người đi rừng cũng như lực lượng chức năng sẽ không thể phát hiện.
Bước thêm vài chục mét, đập vào mắt mọi người là các trụ gỗ được đẽo tròn dạng cột, dài từ 6 - 8m, nằm ngổn ngang trên lòng suối cạn. Càng lên cao, các trụ gỗ, hộp gỗ có chiều dài tương tự càng nhiều. Thậm chí, một đống các trụ, hộp gỗ được xếp chồng lên nhau và được phủ một lớp lá cây để nguy trang.
Theo tìm hiểu được biết, những cây gỗ táu bị chặt hạ này nằm dọc theo con suối là những gì còn sót lại, do suốt thời gian qua những trận mưa kéo dài không thể vận chuyển ra ngoài. Những thân gỗ đã bị mưa, sự ẩm ướt của rừng già bao phủ một lớp rêu mốc bên ngoài, tuy nhiên cầm dao chặt nhẹ, thịt gỗ vẫn đang đỏ au, chứng tỏ chúng mới bị chặt hạ chưa lâu. Dọc hai bên bờ suối, men theo bất cứ nơi nào có dấu hiệu có cây bị đổ ngã, y như rằng tôi tìm thấy một, hai gốc cây táu bị đốn hạ.
Cây rừng bị đốn hạ, thịt gỗ vẫn còn đỏ
Về việc rừng Hón Piềng bị đốn hạ, ông Nguyễn Văn Vân – Trưởng phòng Pháp chế Chi cục kiểm lâm Thanh Hoá cho biết: Ngày 23 và 24/8, Hạt Kiểm lâm Lang Chánh có báo cáo về tình trạng khai thác gỗ trái phép của một hộ dân tại khu vực Hón Piềng. Chi cục kiểm lâm tỉnh yêu cầu hạt kiểm tra, báo cáo lại.
Đến ngày 10/9, Hạt Kiểm lâm Lang Chánh báo cáo tại Hón Piềng có 3 cây gỗ tạp bị đốn hạ tại 3 khu vực rừng sản xuất khác nhau của người dân (hơn 3,5 khối). Tiếp đó, Chi cục lại yêu cầu kiểm tra mở rộng. Đến ngày 21/9, hạt báo cáo tại khu vực suối cạn của Hón Piềng phát hiện có 1,5 khối gỗ dạng thanh xà, 6 tấc gỗ dạng trụ. Ngày 3/10, trực tiếp Hạt Trưởng hạt Kiểm lâm Lang Chánh đi kiểm tra và báo lại rằng chưa có phát hiện thêm việc khai thác gỗ trái phép.
“Thời điểm gỗ bị chặt được xác định đã lâu. Cũng có thể số gỗ các anh phát hiện là số gỗ người dân vào rừng khai thác, tích cóp từ trước đó!” – ông Vân lý giải.
Gốc cây to bị chặt hạ không thương tiếc
Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh Nguyễn Xuân Hồng cho hay: “Chúng tôi đã nắm được thông tin về việc có tình trạng chặt hạ cây rừng. Quan điểm của UBND huyện là sẽ làm việc với Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa để làm rõ vụ việc tại rừng Hón Piềng. Mức độ thế nào thì phải chờ cơ quan chức năng kiểm tra, xác minh”.
Tình trạng rừng tự nhiên Hón Piềng bị chặt phá là có thực. Với những vết tích còn sót lại cho thấy không phải đã xảy ra từ nhiều tháng trước. Vậy nhưng, tại sao không được các cơ quan chức năng, lực lượng bảo vệ rừng phát hiện, ngăn chặn. Thiết nghĩ, nếu không có những giải pháp hữu hiệu thì chẳng mấy chốc, cả cánh rừng tự nhiên Hón Piềng sẽ chỉ còn là những quả đồi trọc lóc.