Chính trị

Chỉ định bí thư tỉnh ủy, thành ủy: Ai sẽ được “chọn mặt gửi vàng”

Quang Tuấn/VOV.VN 01/05/2025 - 10:24

Việc Bộ Chính trị chỉ định các bí thư tỉnh ủy, thành ủy sau sáp nhập không đơn thuần là một quyết định về mặt tổ chức, mà còn mang ý nghĩa chính trị sâu sắc trong bối cảnh bộ máy hành chính đang được cơ cấu mạnh mẽ.

Việc sớm ổn định tổ chức đảng, lựa chọn, chỉ định và bố trí những cán bộ có năng lực, bản lĩnh và tầm nhìn vào các vị trí chủ chốt... là yêu cầu cấp thiết về sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Nghị quyết số 60-NQ/TW, ngày 12/4/2025, Hội nghị lần thứ 11 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, đã chính thức khởi động tiến trình sắp xếp, tinh gọn tổ chức hành chính cấp tỉnh, thu gọn quy mô từ 63 xuống còn 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới chính là việc Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ định bí thư tỉnh ủy, bí thư thành ủy mới tại các đơn vị hành chính mới. Nội dung này được nêu trong Hướng dẫn số 31 ngày 25/4 của Ban Tổ chức Trung ương về thành lập tổ chức đảng, sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan MTTQ Việt Nam, đoàn thể cấp tỉnh, cấp xã. Sau sắp xếp, tinh gọn, cả nước sẽ còn 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh. Trong đó, 11 đơn vị hành chính cấp tỉnh giữ nguyên như hiện nay. 23 đơn vị hành chính cấp tỉnh được thành lập mới, đồng nghĩa với việc Bộ Chính trị, Ban Bí thư sẽ chỉ định 23 bí thư tỉnh ủy, thành ủy ở các địa phương này.

chi dinh bi thu tinh uy, thanh uy ai se duoc chon mat gui vang hinh anh 1
Cán bộ chiến lược, chủ chốt tại địa phương gánh vác trọng trách lớn lao trước Đảng và nhân dân. Ảnh: Ngọc Thành

Hướng dẫn 31 được ban hành trong bối cảnh Đảng, Nhà nước đang thực hiện việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, xây dựng bộ máy chính quyền tinh gọn, chuyển từ quản lý thụ động sang chủ động phục vụ nhân dân, kiến tạo phát triển, đủ năng lực triển khai có hiệu quả các chủ trương của Đảng vào thực tiễn cuộc sống.

Đặt trong tổng thể chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy, rõ ràng Hướng dẫn 31 đã thể hiện sự nhất quán và logic trong tư duy chỉ đạo, xây dựng một hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

Việc lựa chọn, bố trí cán bộ lãnh đạo các cơ quan ở địa phương sau khi sáp nhập, hợp nhất là trách nhiệm của ban thường vụ cấp ủy theo phân cấp, đề nghị các đồng chí phải bàn bạc, thống nhất để bố trí "đúng người, đúng việc" theo tinh thần Kết luận số 150-KL/TW của Bộ Chính trị về hướng dẫn xây dựng nhân sự cấp uỷ cấp tỉnh thuộc diện hợp nhất, sáp nhập và cấp xã thành lập mới…

Tổng Bí thư Tô Lâm

Việc thu gọn quy mô cấp tỉnh kéo theo hàng loạt thay đổi về tổ chức đảng, cán bộ các cấp, đặt ra yêu cầu cấp thiết về sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhằm bảo đảm sự ổn định tổ chức đảng, duy trì sự lãnh đạo liên tục, thống nhất của đảng đối với hệ thống chính trị.

Đảng bộ mới hình thành đảm bảo tinh gọn, hiệu quả, giữ vững vai trò lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng. Vì thế việc xác định nhân sự cấp cao, nhất là vị trí Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy càng đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng, lựa chọn những cán bộ có phẩm chất năng lực lãnh đạo vượt trội, có khả năng quy tụ và dẫn dắt địa phương trong bối cảnh mới đầy thách thức.

Việc Bộ Chính trị trực tiếp chỉ định các bí thư tỉnh ủy, thành ủy sau sáp nhập không đơn thuần là một quyết định về mặt tổ chức, mà còn mang ý nghĩa chính trị sâu sắc trong bối cảnh bộ máy hành chính đang được cơ cấu mạnh mẽ.

Vậy, ai sẽ được “chọn mặt gửi vàng”?

Những cán bộ yếu kém, thiếu bản lĩnh, né tránh va chạm hay chỉ biết điều hành vì lợi ích cục bộ sẽ không còn chỗ đứng trong giai đoạn đầy thử thách nhưng cũng nhiều kỳ vọng này.

Tới đây, những cán bộ có phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn và năng lực vượt trội sẽ được tin tưởng lựa chọn làm bí thư tỉnh ủy, thành ủy, cán bộ chủ chốt tại địa phương, gánh vác trọng trách lớn lao trước Đảng và nhân dân. Đó không chỉ là vinh dự mà còn là thử thách, đòi hỏi họ phải đủ bản lĩnh, đủ tầm nhìn để triển khai, thực hiện hàng loạt chủ trương sắp tới “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”; chuyển từ tư duy quản lý hành chính thụ động sang chủ động, phụng sự nhân dân, phụng sự đất nước, kiến tạo phát triển.

Việc sớm ổn định tổ chức đảng, lựa chọn và bố trí những cán bộ có năng lực, bản lĩnh và tầm nhìn vào các vị trí chủ chốt sẽ đóng vai trò then chốt, quyết định sự thành công của tiến trình sáp nhập. Đây cũng là phép thử đối với năng lực lãnh đạo, điều hành của các cấp ủy địa phương.

Với các chức danh lãnh đạo đảng ủy cấp xã, Hướng dẫn 31 quy định cần xem xét, bố trí cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu công việc chung là chính, đồng thời theo thứ tự định hướng như sau: Các đồng chí là thường trực; ủy viên ban thường vụ; phó chủ tịch hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân; cấp ủy viên cấp huyện hiện nay, có thể tăng cường một số cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp ban, ngành, sở cấp tỉnh nếu cấn thiết.

Điều này cho thấy cách làm bài bản, có tiêu chí, quyết tâm rất cao của Trung ương, không để xảy ra tình trạng gộp cơ học hoặc đưa ai cũng được vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt.

Họ cũng chính là lực lượng nòng cốt triển khai chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đi vào cuộc sống, đặc biệt là trong thời kỳ đất nước bước vào Kỷ nguyên vươn mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chỉ định bí thư tỉnh ủy, thành ủy: Ai sẽ được “chọn mặt gửi vàng”