Đời sống

Cải cách hành chính: Cuộc cách mạng trong tư duy và hành động

Tuấn Dũng - Xuân Diệu 01/05/2025 - 07:51

Cải cách hành chính không chỉ là yêu cầu tất yếu, mà còn là một cuộc cách mạng trong tư duy và hành động. TS. Nguyễn Văn Đáng - Nhà nghiên cứu Quản trị công và Chính sách, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã chia sẻ với Báo Công lý góc nhìn về xây dựng nền hành chính hiện đại, minh bạch, lấy người dân làm trung tâm.

ts-nguyen-van-dang.jpg
TS Nguyễn Văn Đáng, Nhà nghiên cứu Quản trị công và Chính sách, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

PV: Việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW đã và đang được thực hiện quyết liệt, thần tốc. Tính đến thời điểm này, ông nhìn nhận và đánh giá về vấn đề này ra sao?

TS. Nguyễn Văn Đáng: Sau khi việc sắp xếp tổ chức bộ máy tại các cơ quan Trung ương về cơ bản đã hoàn thành, giai đoạn hai hiện nay đang tập trung vào hệ thống chính quyền địa phương. Phải nói rằng, bình thường những điều chỉnh liên quan đến hệ thống chính trị là một việc rất khó khăn, phức tạp, bởi nó tác động sâu rộng đến tổ chức bộ máy, con người và cơ chế vận hành.

Nếu nhìn nhận một cách khách quan, tôi khẳng định, chúng ta đã đạt được những kết quả rất rõ rệt. Thứ nhất, chúng ta đã thuyết phục được nhiều người, tạo được sự đồng thuận rộng rãi cả trong hệ thống chính trị cũng như trên bình diện xã hội. Thứ hai, những kết quả đến thời điểm hiện tại không chỉ mang tính nhất thời, mà quan trọng hơn, nó đã tạo ra một cảm hứng mới, truyền đi một năng lượng tích cực cho toàn xã hội, đó là niềm tin vào sự thay đổi, vào tinh thần cải cách mạnh mẽ và quyết liệt của hệ thống chính trị, nhằm phục vụ cho sự phát triển của đất nước.

Những hành động quyết liệt hiện nay đang cho thấy hệ thống chính trị đang rất quyết tâm, đang tự đổi mới chính mình, để có thể thích ứng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu, kỳ vọng của người dân và doanh nghiệp, không chỉ ở thời điểm hiện tại mà còn trong tương lai.

PV: Việc ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số đang được xem là chìa khóa của cải cách hành chính. Tuy nhiên, theo ông, làm sao để đảm bảo yếu tố con người, cụ thể là đội ngũ cán bộ công chức, có thể thích nghi và vận hành hiệu quả trong môi trường hành chính số hóa?

TS. Nguyễn Văn Đáng: Chuyển đổi số là một xu hướng toàn cầu hiện nay. Ở Việt Nam, mặc dù chuyển đổi số còn chậm hơn một chút so với các nước phát triển, nhưng hiện nay chúng ta đang thực hiện rất mạnh mẽ. Chuyển đổi số đã được khẳng định là một công cụ quan trọng, là phương tiện để hiện đại hóa nền quản trị quốc gia nói chung, không chỉ trong quản lý địa phương mà còn trong cung ứng dịch vụ công. Thế nhưng, đặt trong bối cảnh nước ta hiện nay, chúng ta cũng có thể đối diện với một số thách thức.

Thách thức đầu tiên là sự đồng bộ, liên thông về hạ tầng công nghệ và cơ sở dữ liệu. Tuy nhiên, tôi cho rằng hạ tầng công nghệ ở Việt Nam đã có những bước tiến mạnh mẽ trong những năm gần đây, và thực tế, việc đầu tư vào hạ tầng này cũng không quá khó khăn với tiềm lực của đất nước.

Thách thức cần quan tâm hơn là ý thức, tác phong và năng lực làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức trong môi trường số hóa. Khi việc cung ứng dịch vụ công được triển khai trên nền tảng công nghệ chuyển đổi số, cán bộ chính quyền sẽ giảm bớt tương tác trực tiếp với người dân hay doanh nghiệp. Vấn đề là thói quen làm việc và tác phong của cán bộ, công chức cần phải thay đổi để kịp thời bắt nhịp với điều kiện làm việc mới, đòi hỏi sự chuyên nghiệp, phi cá nhân hóa, không phụ thuộc vào mối quan hệ cá nhân.

Tâm lý, thói quen làm việc của người dân với các cơ quan chính quyền cũng là một thách thức. Trước đây, người dân thường tìm cách liên hệ qua các mối quan hệ quen biết, để có thể "lách" các thủ tục hành chính. Điều này cần thay đổi khi chuyển đổi số sẽ gia tăng tính phi cá nhân hóa, không quan trọng mối quan hệ thân quen khi giao dịch với chính quyền.

Nhìn nhận những thách thức nêu trên, chúng ta cần phải hiểu rõ bối cảnh hiện nay và sự khác biệt giữa các vùng miền, các địa phương, cũng như các nhóm xã hội khác nhau. Từ đó, mỗi địa phương cần có chiến lược và chính sách riêng để phù hợp với thực tế, giúp người dân từng bước thay đổi và chuyển đổi phù hợp với xu hướng chung của đất nước và toàn cầu.

Khi thành công, chuyển đổi số sẽ giúp giảm thời gian, chi phí và hạn chế tiêu cực, hướng đến một nền quản trị duy lý, tức là không bị chi phối bởi cảm tính cá nhân hay tiêu cực, điều mà trước đây dễ xảy ra. Những gì đang diễn ra hiện nay hứa hẹn rằng trong tương lai gần, chúng ta sẽ có một nền tảng công nghệ, số hóa việc quản lý dữ liệu, để có thể góp phần vào việc hiện đại hóa nền quản trị quốc gia nói chung.

PV: Nhiều ý kiến cho rằng, cải cách hành chính hiện nay không chỉ là tinh giản bộ máy, mà còn là thay đổi tư duy quản trị Nhà nước. Theo ông, đâu là những “điểm nghẽn” tư duy lớn nhất mà chúng ta cần vượt qua để đạt được một nền hành chính thực sự hiện đại?

TS. Nguyễn Văn Đáng: Tinh gọn tổ chức bộ máy và cải cách hành chính không chỉ đơn thuần là việc hợp nhất một cách cơ học các cơ quan, đơn vị, hay là giảm bớt sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, hay giảm biên chế và giảm chi phí. Tinh gọn tổ chức bộ máy là một quá trình tái cấu trúc một cách tổng thể, có thể nói là toàn diện nhất từ trước đến nay, với những mục tiêu như nâng cao hiệu lực và hiệu quả, linh hoạt phục vụ, đáp ứng đúng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.

Trước đây, hệ thống hành chính Nhà nước của chúng ta chủ yếu thiên về quản lý, đảm bảo sự kiểm soát mọi hoạt động trong đời sống xã hội. Trong đợt cải cách lần này, tinh thần của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cũng như các kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư là hướng đến xây dựng một nền hành chính phục vụ. Ở đây, phục vụ không chỉ là phục vụ người dân, doanh nghiệp mà còn là phục vụ sự phát triển bền vững của đất nước.

Vì thế, thách thức lớn đầu tiên là phải thay đổi tư duy từ "quản lý nhà nước" sang “hệ thống công quyền kiến tạo phát triển”, "nền hành chính phục vụ", để thúc đẩy sự sáng tạo và phát triển đất nước. Điều này đòi hỏi sự thay đổi lớn trong tư duy và tác phong làm việc của cán bộ lãnh đạo và công chức, từ việc coi người dân như đối tượng phải phục tùng, sang việc coi họ là đối tác cần được phục vụ.

Trong khoảng 10 năm trở lại đây, chúng ta đã đạt được rất nhiều thành tựu về cải cách hành chính. Ví dụ như các trung tâm hành chính công, nơi mà chúng ta có thể thấy tinh thần phục vụ rất rõ rệt, chuyên nghiệp hơn rất nhiều so với trước đây.

Những kết quả đạt được trong thời gian qua rất thuyết phục. Với lộ trình dự kiến, đến cuối năm 2025, chúng ta sẽ hoàn thành cuộc cải cách hiện nay, có thể gọi là một cuộc cách mạng trong việc tái cấu trúc hệ thống chính trị.

Tất cả những thay đổi hiện nay được kỳ vọng sẽ trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước trong tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cải cách hành chính: Cuộc cách mạng trong tư duy và hành động