Hơn 1 tháng qua, liên tục nhiều vụ lạm thu tại các trường học "gây sốc", khiến nhiều phụ huynh bức xúc. Bộ GD&ĐT không phải không kiên quyết, tuy nhiên, tình trạng này vẫn không hề dừng lại, vì có bình phong là “sự đồng thuận của Ban đại diện phụ huynh".
Chuyện cũ nhưng vẫn đang tiếp tục... nóng
Ngành giáo dục trong những năm gần đây, dưới áp lực của hai chữ "cải cách" đã có thêm nhiều “sáng kiến”, nên mỗi năm học về, các em học sinh lại hồi hộp chờ đợi, không hiểu năm nay Bộ, trường có những thay đổi gì về giáo trình, áp dụng phương pháp học nào, thi cử ra sao?. Còn phụ huynh, “đến hẹn lại lên” đi họp với tâm trạng "không thể không bất an" - không hiểu năm nay phải đóng thêm khoản phí nào cho con nữa?. Và điều bất an ấy, hẳn không phải không có cơ sở.
Một tháng qua, bắt đầu vào năm học mới, nhiều vụ việc vẫn liên tục nóng lên. Trường Tiểu học thị trấn Lâm, (Ý Yên, Nam Định) Chỉ tính riêng tiền xây dựng và tu bổ cơ sở vật chất của Trường đã gần 1 tỷ đồng, chưa kể hơn 15 khoản thu khác được đưa ra đầu năm đang khiến phụ huynh bức xúc; Trường THPT Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, Lạng Sơn – một trường vùng biên, học sinh phần lớn là con em của các gia đình không có điều kiện, thu nhập chủ yếu dựa vào nông – lâm nghiệp phải đóng góp 29 khoản thu, trong đó, 18 khoản thu bắt buộc và 11 khoản thu “xã hội hóa” với tổng thu gần 4 triệu đồng/học sinh; trường THCS Colette (Q.3, TP. Hồ Chí Minh) trong buổi họp đầu năm nhà trường đã thông báo lấy ý kiến phụ huynh về việc đóng góp xây dựng nhà vệ sinh thông minh cho học sinh với tổng kinh phí khoảng 2 tỉ đồng…
Danh sách 18 khoản thu chính thức của Trường THPT Đồng Đăng
Đầu tháng 10 vừa qua, Bộ GD & ĐT lại tiếp tục có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố để chỉ đạo; tiếp tục các Sở GD & ĐT có công văn gửi các cơ sở giáo dục trên địa bàn, nêu cụ thể những khoản cấm thu. Lãnh đạo nhiều Sở GD & ĐT khẳng định, nếu phát hiện dấu hiệu sai phạm thu chi học phí cũng như khoản phí khác, phụ huynh học sinh có thể gọi điện phản ánh trực tiếp, hoặc chỉ cần nêu tên trường, Sở sẽ xử lý nghiêm khắc.
Thế nhưng, cho đến nay vẫn chưa thấy địa phương nào có báo cáo về việc lạm thu của các trường một cách chính thức, mà các vụ bức xúc về lạm thu này chỉ do phụ huynh phản ánh từ các trường cứ ngày càng nhiều thêm, càng “gây sốc” hơn.
Ban đại diện phụ huynh thực chất chỉ là...bình phong
Vấn đề lạm thu ai cũng bức xúc, tuy nhiên, khi tìm hiểu, quy trách nhiệm thì hầu hết các trường đều đưa ra những lý do “chính đáng”, đại loại, trường đang phấn đấu đạt chuẩn cần phải đầu tư, mọi sự đóng góp là do Ban đại diện phụ huynh khởi xướng, hoặc chí ít là, đã có sự đồng thuận của Ban phụ huynh.
Trên thực tế, cũng phải thừa nhận, khi tiến hành thu tiền là do chính Ban phụ huynh đứng ra thu, nhiều văn bản nộp tiền có chữ ký của phụ huynh. Vậy thì, đứng trên quan điểm nhà trường đưa ra có vẻ là hoàn toàn hợp lý.
Tuy nhiên, thực tế triển khai có nhiều “khe” cho các trường “lách luật” hơn rất nhiều. Theo Luật Giáo dục hiện hành thì không còn tổ chức Ban đại diện cha mẹ học sinh liên trường và ở các cấp hành chính. Vì thế, Ban đại diện cha mẹ học sinh trở thành một tổ chức lỏng lẻo, các hoạt động bắt buộc phải chịu sự chi phối của nhà trường nơi họ có con đang theo học.
Còn theo Thông tư 55 ban hành từ tháng 11/2011 của Bộ GD&ĐT, vị thế của Ban đại diện cha mẹ học sinh tương đương với vị thế của Ban Giám hiệu nhà trường, mối quan hệ là cùng...“phối hợp”. Tuy nhiên hoạt động “phối hợp” trở nên vô nghĩa khi mà nhà trường nắm đằng “chuôi” - quyết định gần như toàn bộ “sự nghiệp học hành” của con cái họ.
Ban phụ huynh do nhà trường chỉ định được lập ra, sự đồng thuận sẽ không ngoài các lý do: Phụ huynh được coi là "nòng cốt", được nhà trường chỉ định nằm trong Ban đại diện phụ huynh, thường là những bậc có điệu kiện về kinh tế.
Họ bỗng nhiên trở thành “cánh tay nối dài” của trường, luôn đi đầu khởi xướng trong việc thu chi của nhà trường, hay những người có danh tiếng một chút tham gia Ban đại diện phụ huynh, luôn "đồng thuận" với trường để mua thành tích cho con. Nếu không thì là những người cả nể, tham gia Ban phụ huynh, nhưng lại không đại diện tiếng nói của đa số các bậc cha mẹ, tìm cách “né” vì sợ con mình bị thầy cô trù dập.
Cần đấu tranh với kiểu làm bình phong cho nhà trường
Gần đây không phải không có những ý kiến cho rằng, nên xóa bỏ cái gọi là “Ban đại diện cha mẹ học sinh” do hoạt động không những không hiệu quả, mà còn có phần biến tướng, trở thành bình phong cho vấn nạn lạm thu trong trường. Tuy nhiên, nếu không có Ban đại diện thì, sau đó có chắc không có một tổ chức hoạt động kiểu tương tự?
Tại đại hội phụ huynh Trường THCS Colette, nhiều phụ huynh lên tiếng phản đối đề xuất xây nhà vệ sinh gần 2 tỷ đồng
Vậy nên, theo ý kiến Ông Bùi Hồng Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ GD&ĐT, chưa nói trách nhiệm của các ban Đại diện cha mẹ học sinh hay giáo viên chủ nhiệm, người đứng đầu các cơ sở giáo dục phải chịu trách nhiệm đầu tiên đối với việc xảy ra ở cơ sở mình quản lý, cụ thể ở đây là các khoản thu góp trái quy định. Do đó, để giảm, tiến tới chấm dứt tình trạng loạn thu đầu năm học, cần sự kiểm tra giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước các cấp, và việc xử lý nhanh chóng với chế tài đủ để hiệu trưởng, Ban giám hiệu các trường không muốn và không dám làm trái.
Mặt khác, ông Quang cũng nhấn mạnh, Điều lệ hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh (ban hành từ năm 2011) đã quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của từng thành viên trong ban đại diện, những khoản mà Ban đại diện cha mẹ học sinh không được thu, không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học cũng được quy định rất rõ.
Đó là: Các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh như bảo vệ cơ sở vật chất, trông coi phương tiện giao thông của học sinh; vệ sinh trường lớp; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.
Trên cơ sở đó, từng phụ huynh khi tham dự các buổi họp, cần phát huy hết trách nhiệm của mình, nói lên những điều còn thấy bất hợp lý. Cần có những tranh luận: tại sao phải đóng góp khoản này? đóng góp nhằm mục đích gì?. Không nên “xuôi chiều” rồi bức xúc nói ngoài cuộc họp, cần đấu tranh khi thấy Ban đại diện cha mẹ học sinh khởi xướng những khoản thu thiếu cơ sở thực tế, hay việc thu chi thiếu khách quan. Kiên quyết đấu tranh, xóa bỏ kiểu hoạt động làm bình phong cho nhà trường của Ban đại diện phụ huynh, có như thế, mới làm trong sạch đội ngũ đại diện cho Ban phụ huynh, từ đó, hạn chế việc tạo điều kiện cho các trường lạm thu.