Làm gì để phát huy tối đa lợi thế cơ cấu dân số vàng?

Đặng Hà| 22/12/2020 14:28
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Việt Nam đang ở trong giai đoạn cơ cấu “dân số vàng” với 69% dân số trong tuổi lao động.

Đó là thông tin được TS Phạm Xuân Khánh - Phụ trách Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội chia sẻ tại Giao lưu trực tuyến: Chiến lược Dân số Việt Nam tới năm 2030 - Cơ hội và thách thức do báo Gia đình và Xã hội tổ chức.

Tại buổi giao lưu, TS Khánh cho biết, Việt Nam đang ở trong giai đoạn cơ cấu “dân số vàng” với 69% dân số trong tuổi lao động. Vấn đề đặt ra là làm sao giải quyết được những thách thức cũng như tận dụng được cơ hội vàng mà cơ cấu “dân số vàng” mang lại. Đây được xem là cơ hội thuận lợi để nâng cao hiệu quả lao động, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế cho đất nước.

ts.jpg
TS Phạm Xuân Khánh - Phụ trách Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội. Ảnh báo Gia đình và xã hội.

Mặc dù mỗi năm, nước ta có từ 1,5 - 1,6 triệu người bước vào độ tuổi lao động. Tuy nhiên lực lượng này vẫn chưa tạo nên sức bật cho nền kinh tế, vì có trên 70% là lao động giản đơn. Sự thiếu hụt trầm trọng lao động kỹ thuật trình độ cao và lao động dịch vụ cao cấp trong các ngành thương mại, tài chính, ngân hàng, du lịch... là những thách thức không nhỏ đặt ra cho giai đoạn cơ cấu “dân số vàng”.

Theo một thống kê của Viện Khoa học Lao động và Xã hội Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, người có bằng cấp càng cao thì nguy cơ thất nghiệp càng lớn.

Trong khi đó, người không có bằng cấp lại có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất. Với xu hướng già hóa dân số ngày càng nhanh trong tương lai, thâm hụt của nhóm cao tuổi ngày càng tăng thì thách thức chính sách đảm bảo an sinh xã hội là không nhỏ.

dan-so-vang.jpg
Ảnh minh họa. Nguồn Internet.

Do đó, cơ hội chuyển thành “dư lợi dân số” chỉ còn vài năm nữa, nếu không thay đổi năng suất lao động thì dư lợi dân số đang dương sẽ trở về 0, sau đó sẽ là số âm trong những năm tiếp theo.

Để phát huy tối đa lợi thế cơ cấu dân số vàng thành động lực tăng trưởng kinh tế thì việc đầu tiên cần làm là cải thiện chất lượng nguồn lao động, trong đó đào tạo nghề đóng vai trò rất quan trọng, mở rộng nâng cao chất lượng đào tạo nghề theo nhu cầu thị trường lao động.

Đa dạng hóa ngành nghề, các ngành sử dụng nhiều lao động ở khu vực nông thôn và thúc đẩy đào tạo, bồi dưỡng năng lực cho nguồn lao động này. Tăng cường cơ hội việc làm, nhất là cho thanh niên vùng nông thôn, miền núi. Tạo bình đẳng giới trên thị trường lao động; chính sách di dân bảo đảm phân bố dân cư và lao động hợp lý cho các vùng, miền, khu vực.

Duy trì vững chắc mức sinh thay thế nhằm kéo dài thời gian cơ cấu “dân số vàng”, làm chậm quá trình “già hóa dân số”. Khuyến khích đầu tư tạo việc làm, đẩy mạnh xuất khẩu lao động, bảo đảm “người có khả năng làm việc” là có việc làm. Thúc đẩy dịch chuyển cơ cấu lao động theo hướng hiện đại, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật để người lao động có việc làm với năng suất cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm gì để phát huy tối đa lợi thế cơ cấu dân số vàng?