Sáng nay 11/9, Tòa án quân sự Trung ương tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm ngày Truyền thống Tòa án quân sự Việt Nam; trao Kỷ niệm chương cho các đồng chí lãnh đạo Bộ Quốc phòng và trao quyết định bổ nhiệm Thẩm phán cao cấp cho 10 Thẩm phán Tòa án quân sự.
Đồng chí Trương Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC phát biểu tại Lễ kỷ niệm
Đến dự buổi lễ có đồng chí Trương Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC; Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; đại diện Văn phòng Chủ tịch nước; Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam; lãnh đạo các Quân chủng Phòng không - Không quân, Hải quân; các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng; các thế hệ lãnh đạo Tòa án quân sự Trung ương và cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại Tòa án quân sự (TAQS) các cấp…
Thiếu tướng Nguyễn Văn Hạnh, Phó Chánh án TANDTC, Chánh án TAQS Trung ương ôn lại quá trình hình thành, phát triển của các TAQS
Tại buổi lễ, Thiếu tướng Nguyễn Văn Hạnh, Phó Chánh án TANDTC, Chánh án TAQS Trung ương ôn lại quá trình hình thành phát triển của các TAQS từ khi thành lập cho đến nay. Theo đó, ngày 13/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 33C thiết lập các TAQS trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Các TAQS mà thực chất là Toà án cách mạng ra đời trong điều kiện đất nước ta vừa giành độc lập, bị các lực lượng thù trong, giặc ngoài âm mưu phá hoại. TAQS đã trở thành công cụ sắc bén đầy hiệu lực của chính quyền Nhà nước Việt Nam trong việc trừng trị và đè bẹp sự phản kháng của bọn thực dân, Việt gian phản động, góp phần bảo vệ và củng cố thành quả cách mạng. Ngày 23/8/1946, Chính phủ ban hành các Sắc lệnh về tổ chức Toà án binh lâm thời. Ngày 16/2/1947, Chính phủ ra Sắc lệnh số 19 thành lập các Tòa án binh khu. Theo đó, hệ thống TAQS gồm hai cấp: Tòa án binh tối cao và dưới là các Tòa án binh khu. Trong thời kỳ này, TAQS tiến hành xét xử tất cả những người có hành vi gây phương hại đến nền độc lập của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.
Chiến tranh ngày càng lan rộng và ác liệt, chiến trường bị chia cắt nên Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư tổ chức các Toà án binh mặt trận. Từ đây, Tòa án binh được thành lập ở tất cả các mặt trận để xét xử tội phạm ngay tại chiến trường. Các Toà án binh đã bám sát chiến trường và cơ động cùng các đơn vị trong chiến đấu, kịp thời xét xử nghiêm minh những hành vi phạm tội xâm phạm đến độc lập của Tổ quốc và sức mạnh chiến đấu của quân đội, giữ gìn kỷ luật chiến trường. Từ năm 1954 đến 1957, các Toà án binh khu, Toà án binh liên khu, Toà án binh mặt trận được tổ chức theo vùng, miền và mặt trận cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu của quân đội.
Toàn cảnh buổi lễ
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cán bộ TAQS vừa là tay súng chiến đấu trực tiếp với quân thù, vừa làm nhiệm vụ xét xử tội phạm. Sau khi hoàn thành thắng lợi cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đội ngũ cán bộ TAQS hầu hết là cán bộ chính trị, cán bộ quân sự chuyển sang làm công tác xét xử. Với quyết tâm vừa làm vừa học, vừa rút kinh nghiệm; trải qua thực tiễn xét xử, cán bộ TAQS đã ngày càng tiến bộ, từng bước trưởng thành. Hiện nay, 100% Thẩm phán TAQS các cấp có trình độ cao cấp hoặc cử nhân chính trị. Bên cạnh đó, việc rèn luyện đạo đức, bồi dưỡng kiến thức về ngoại ngữ, công nghệ thông tin thường xuyên được chú ý, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế. Đến nay, hầu hết cán bộ đã có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác; chưa phát hiện cán bộ nào có biểu hiện tham nhũng hay vi phạm đạo đức nghề nghiệp trong giải quyết án.
Lịch sử lập pháp nước nhà đã ghi nhận, TAQS là tiền thân của hệ thống Toà án Việt Nam ngày nay. Sau 70 năm thành lập, TAQS các cấp đã từng bước phát triển, gắn liền với hệ thống Tòa án Việt Nam. Với đội ngũ cán bộ chất lượng ngày càng cao, hoạt động thực hiện nhiệm vụ xét xử các vụ án hình sự của các TAQS đã đạt được chất lượng và hiệu quả tương đối tốt. Trong 70 năm qua, hoạt động xét xử luôn bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; không xử oan người vô tội. Từ nay đến năm 2020, TAQS đặt ra nhiều nhiệm vụ quan trọng, trong đó có lộ trình thực hiện việc cải cách tư pháp, như tinh thần mà Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị đã đề ra; thực hiện tốt “quyền tư pháp” mà Hiến pháp năm 2013 đã xác định. Đây là một trọng trách hết sức nặng nề trong hoạt động củng cố và xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN.
Thượng tướng Ngô Xuân Lịch biểu dương những đóng góp của Tòa án quân sự các cấp
Thay mặt Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Ngô Xuân Lịch ghi nhận và biểu dương những thành tích của TAQS các cấp trong suốt 70 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành. Những thành tích đó góp phần quan trọng vào công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước; góp phần cùng với hệ thống TAND và Bộ Quốc phòng hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Thượng tướng Ngô Xuân Lịch yêu cầu cán bộ, nhân viên TAQS các cấp không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, chuyên môn nghiệp vụ để làm tốt nhiệm vụ trong tình hình mới, xứng đáng là cơ quan thực hiện quyền tư pháp trong quân đội.
Đồng chí Trương Hòa Bình, Chánh án TANDTC trao Kỷ niệm chương cho các sĩ quan có nhiều đóng góp cho sự phát triển của TAND
Đồng chí Trương Hòa Bình trao quyết định bổ nhiệm Thẩm phán cao cấp cho các Thẩm phán Tòa án quân sự Trung ương
Nhân Lễ kỷ niệm 70 năm ngày Truyền thống Tòa án quân sự Việt Nam, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình đã trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Tòa án cho Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Thượng tướng Nguyễn Thành Cung, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Lương Cường, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam vì có nhiều thành tích đóng góp sự phát triển của hệ thống TAND. Cũng dịp này, đồng chí Trương Hòa Bình đã trao quyết định bổ nhiệm Thẩm phán cao cấp cho 10 Thẩm phán TAQS để hoàn thiện bộ máy, tổ chức của TAQS theo Luật Tổ chức TAND năm 2014.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, đồng chí Trương Hòa Bình tiếp tục biểu dương những đóng góp to lớn của TAQS qua các thời kỳ và khẳng định TAQS là một bộ phận quan trọng trong hệ thống TAND. Vì vậy, cán bộ và nhân viên TAQS các cấp cần thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”, đem hết sức mình, đoàn kết, chủ động, tích cực, sáng tạo, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần cùng cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang, cán bộ, công chức TAND thực hiện thắng lợi sự nghiệp cải cách tư pháp nói riêng, công cuộc đổi mới toàn diện đất nước nói chung.
Giao nhiệm vụ cho các Thẩm phán cao cấp mới được bổ nhiệm, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình đề nghị lãnh đạo TAQS Trung ương cần chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ có chất lượng cao, có phẩm chất đạo đức trong sạch; có dũng khí bảo vệ công lý; nâng cao chất lượng và hiệu quả xét xử, bảo đảm xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; không xử oan người vô tội; góp phần quan trọng tăng cường kỷ luật và sức mạnh chiến đấu của Quân đội. Mỗi cán bộ, nhân viên TAQS các cấp cần không ngừng tu dưỡng rèn luyện về mọi mặt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ do TANDTC và Bộ Quốc phòng và nhân dân đã tin tưởng giao cho.