TS. Võ Trí Thành: Sẽ "bóc lột" tài nguyên nếu tăng sản lượng khai thác dầu

Ý Thơ| 27/01/2015 16:27
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo TS. Võ Trí Thành, các nghiên cứu nhìn chung đều nhận định khá nhất quán về tác động tích cực của giá dầu giảm mang lại, song ông cũng cho biết, nó sẽ ảnh hưởng đến việc thu ngân sách và cân đối ngân sách.

Cho tới tuần qua, giá dầu thô thế giới đã giảm giá xuống mức gần thấp nhất trong 6 năm. Và theo kết quả khảo sát mới nhất do Lundberg Survey Inc. công bố ngày 25/01, giá trung bình của 1 gallon xăng tại Mỹ đã giảm 13,3 cent trong 2 tuần qua.

Tình trạng giá dầu thế giới giảm nhanh và mạnh như thời gian vừa qua do những nguyên nhân chính nào? Tác động của nó đến tình hình kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng ra sao?...

Dưới đây là ý kiến đánh giá của TS. Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương xung quanh vấn đề này.

TS. Võ Trí Thành: Sẽ

TS. Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương

Nguyên nhân chính dẫn đến giá dầu giảm nhanh và mạnh

Theo TS. Võ Trí Thành, có thể kể đến 5 nguyên nhân chính sau:

Thứ nhất, đồng USD lên giá, mà giá dầu tính theo đồng bạc xanh, nên nếu đồng USD tăng thì giá dầu sẽ giảm xuống. Tuy nhiên, đây không phải là nguyên nhân chính yếu dẫn đến việc giá dầu bị sụt giảm nhanh và mạnh như thời gian này.

Thứ hai, nhu cầu của thế giới giảm do sự phục hồi kinh tế thế giới còn yếu. Các quốc gia có mức tiêu thụ dầu cao nhưng mức tăng trưởng chậm lại đáng kể, có thể kể đến nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, hay các khu vực sử dụng dầu mỏ nhiều nhưng đang có mức tăng trưởng thấp như Liên minh châu Âu (EU)…

Thứ ba, trong bối cảnh giá dầu hạ, nhu cầu tiêu thụ dầu giảm, thì các nước OPEC vẫn quyết định giữ nguyên sản lượng. Chính vì vậy, giá dầu lại càng tụt giảm mạnh như hiện nay.

Thứ tư, do tác động của kết quả cải tiến công nghệ khai thác dầu đá phiến. Mức độ khai thác, mức độ thương mại hóa đã cao hơn rất nhiều.

Trong đà phục hồi kinh tế vốn yếu ớt thì Mỹ lại nền kinh tế phục hồi chậm nhất. Mỹ là quốc gia có mức tiêu thụ năng lượng cao nhưng có khả năng sản xuất dầu đá phiến, và như vậy nhu cầu nhập khẩu dầu của Mỹ giảm mạnh.

Thứ năm, không loại trừ các yếu tố địa chính trị, mặc dù chưa có bằng chứng rõ ràng cho thấy tác động của nó đến việc giá dầu bị tụt giảm nhanh và mạnh như thời gian vừa qua.

Câu chuyện về liên minh giữa Mỹ và Arập Xêút với chiến lược hạ giá dầu nhằm chống lại Nga và Iran vẫn được nhắc đến như một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc giá dầu bị tụt giảm nhanh, mạnh.

Song theo TS. Võ Trí Thành, cho rằng dù hai nước này có liên kết với nhau để làm hạ giá dầu như các chuyên gia phân tích đánh giá chăng nữa thì cũng không có khả năng đẩy giá dầu xuống dưới mức giá mà chúng ta vẫn nghĩ, bởi việc này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế của cả Mỹ và Arập Xêút.

TS. Võ Trí Thành: Sẽ

Ảnh minh họa

Tác động đến nền kinh tế thế giới

Từ việc giá dầu thế giới giảm mạnh trong suốt thời gian vừa qua ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế thế giới nói chung, TS. Võ Trí Thành đánh giá:

Nhìn tổng thể, việc giá dầu thế giới sụt giảm mạnh có tác động tích cực đến các quốc gia có mức tiêu thụ các sản phẩm từ dầu (dầu mỏ, xăng…) cao. Giá dầu giảm, chi phí giảm sẽ dẫn tới chi phí đầu vào cho sản xuất kinh doanh giảm. Theo ước tính của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nếu giá dầu giảm xuống 10% thì châu Á sẽ tăng trưởng 0,1%.

Với việc hưởng lợi từ sự lan tỏa từ giá xăng dầu là đầu vào của nhiều quá trình sản xuất, thương mại nên giá tiêu dùng cũng có thể có xu hướng giảm, lạm phát giảm, và như vậy người tiêu dùng sẽ có lợi.

Thế nhưng, điều này còn phụ thuộc vào hành vi của người tiêu dùng. Đôi khi, có hiệu ứng là khi giá giảm thì người tiêu dùng lại cho rằng giá sẽ còn tiếp tục giảm nữa nên chưa tăng mua. Và như vậy, trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi còn yếu, xu hướng giá giảm mạnh, cầu về tiêu dùng - thành tố quan trọng trong kích cầu để thúc đẩy tăng trưởng - có khi bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, khả năng không cao vì giá dầu được dự báo sẽ tăng trở lại ít nhiều trong năm 2015, 2016.

Đối với một số quốc gia sản xuất dầu mỏ, trong đó ngân sách phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ nhìn chung trước mắt là bị ảnh hưởng lớn. Điều này thấy rõ nhất ở Nga, Iran, Venezuela…

Nền công nghiệp khai thác khí đá phiến của Mỹ chịu ảnh hưởng ra sao?

Đối với Mỹ, từ việc có thể liên kết với Arập Xêút để đẩy giá dầu giảm xuống nhằm chống lại Nga và Iran, trong khi giá dầu tiếp tục giảm mạnh như vậy thì nền công nghệ khai thác khí đá phiến của Mỹ sẽ bị ảnh hưởng như thế nào, TS. Võ Trí Thành cho biết:

Địa chính trị vẫn được xem là một trong những nguyên nhân làm giảm giá dầu giảm nhanh và mạnh trong thời gian qua. Tuy nhiên, để tìm ra được những bằng chứng rõ ràng, cụ thể, “nhìn thấy được” không phải là dễ.

Các quốc gia OPEC, đặc biệt là Arập Xêút tuyên bố sẽ giữ nguyên mức sản lượng bởi lý do: thứ nhất, để giữ thị phần; và thứ hai là chi phí khai thác dầu mỏ ở Arập Xêút rất thấp (dưới 20 USD), nên giá dầu có giảm thì Arập Xêút vẫn có thể chịu được.

Còn với Mỹ, quốc gia được xem đã dùng dầu đá phiến làm “vũ khí” khuynh đảo thị trường dầu mỏ cho những lợi ích địa chính trị và các mục tiêu kinh tế, thì hiện tại với con số chi phí mới để sản xuất dầu đá phiến dao động trong khoảng 30 - 35 USD/thùng thì Mỹ vẫn có lãi trong khai thác. Tuy nhiên, nếu giá dầu tiếp tục giảm mạnh và sâu nữa thì toàn bộ nền công nghệ khai thác dầu khí đá phiến của Mỹ sẽ tạm dừng.

Song TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh: Việc công nghệ khai thác dầu đá phiến bước đầu được thương mại hóa nhưng đã trở thành nhân tố để thay đổi giá dầu trong thời gian vừa qua, thì không loại trừ trong thời gian ngắn nữa sẽ có những phiên bản khác của công nghệ này, cùng các công nghệ năng lượng mới ra đời, và như vậy chi phí sẽ còn thấp nữa.

TS. Võ Trí Thành: Sẽ

Dầu khí đá phiến làm - “vũ khí” khuynh đảo thị trường dầu mỏ của Mỹ

Về quan điểm “công nghệ năng lượng có thể làm thay đổi thế giới một cách mạnh mẽ”, ông nhận định:

Thứ nhất, công nghệ năng lượng có thể làm thay đổi chiến lược năng lượng quốc gia, ví dụ có cái nhìn khác về cơ cấu năng lượng quốc gia.

Thứ hai, công nghệ năng lượng có thể thay đổi quan điểm về địa chính trị thế giới. Trung Đông - vốn được xem là “rốn dầu” của thế giới, điểm nóng của nhiều xung đột - sẽ bị thay đổi về vai trò trong bản đồ chính trị toàn cầu khi với công nghệ năng lượng mới, Mỹ có thể đảm bảo đủ năng lượng, không cần phải nhập và thậm chí và trong tương lai có thể xuất.

Ngay cả Biển Đông, nếu có những thay đổi trong công nghệ năng lượng, thì cách nhìn về khu vực này cũng ít nhiều sẽ khác. Vai trò của Nga trong cung cấp năng lượng cho thế giới và châu Âu cũng khác. Bản thân Mỹ cũng khác... Và khi đó, sức mạnh của các quốc gia vốn được xem là tạo ra công nghệ và làm chủ năng lượng cũng sẽ thay đổi.

Như vậy, bên cạnh những cái ngắn hạn, như chi phí cạnh tranh, phục hồi kinh tế, ngân sách một quốc gia… thì cần có cái nhìn dài hơi hơn về công nghệ năng lượng bởi nó có thể sẽ làm thay đổi chính sách kinh tế của nhiều nước và vai trò địa chính trị của một số quốc gia lớn trên thế giới như đã nói ở trên.

Tác động đến nền kinh tế Việt Nam

Việc giá dầu giảm ảnh hưởng như thế nào đối với nền kinh tế Việt Nam là một vấn đề nhận được rất nhiều sự quan tâm bởi đây là một phần của vấn đề tiêu dùng sản xuất, sự cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam, ngân sách Việt Nam.

Theo TS. Võ Trí Thành, các nghiên cứu nhìn chung đều nhận định khá nhất quán về tác động tích cực của giá dầu giảm mang lại:

Thứ nhất, giá dầu giảm góp phần vào ổn định kinh tế vĩ mô, đưa lạm phát duy trì ở mức tương đối thấp. Và điều này sẽ tạo ra thêm các dư địa cho chính sách tiền tệ linh hoạt hơn, hỗ trợ cho ổn định sản xuất kinh doanh.

Thứ hai, có tác dụng rõ ràng đối với người tiêu dùng.

Thứ ba, cũng giống ở nhiều nước, giá dầu giảm sẽ làm giảm chi phí đầu vào của nhiều quá trình sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, việc giảm chi phí xăng dầu và năng lượng nói chung cũng góp phần tạo thêm năng lực cạnh tranh của các công ty sản xuất năng lượng điện…

TS. Võ Trí Thành: Sẽ

Tuy nhiên, TS. Võ Trí Thành cũng cho biết, giá dầu giảm sẽ ảnh hưởng đến thu ngân sách và cân đối ngân sách.

Theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, với dự báo giá dầu thanh toán trung bình năm 2015 là 60USD/ thùng, thì thu ngân sách từ xuất khẩu dầu thô sẽ hụt 37.000 tỷ đồng so với dự toán (tương đương với 4% tổng thu Ngân sách Nhà nước), và giảm 47% so với ước thực hiện của năm 2014.

Bên cạnh đó, giả định các mức thuế nhập khẩu và phí xăng dầu giữ nguyên như đầu năm 2014, thì với giá dầu như trên, thu ngân sách sẽ hụt thêm khoảng 6.000 tỷ đồng.

Do vậy, tổng mức hụt thu ngân sách nhà nước từ xuất khẩu dầu và thuế, phí nhập khẩu dầu vào khoảng 43.000 tỷ đồng, bằng 4,6% tổng thu ngân sách nhà nước năm 2015. Giả sử nếu giá dầu giảm 1 USD/thùng, ngân sách sẽ hụt thu khoảng 1.000 - 1.200 tỷ đồng, đây là một con số không hề nhỏ.

Năm 2015, dự toán thu ngân sách từ dầu thô là 93.000 tỷ đồng với giá dự toán dầu thô là 100 USD/thùng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư ước tính, nếu giá dầu giảm từ trên 100 USD/thùng đầu năm 2014 xuống còn bình quân 70 USD/thùng trong năm 2015, thì ngân sách hụt thu khoảng 30.000 tỷ đồng. Nếu giá dầu giảm xuống bình quân 60 USD/thùng, ngân sách sẽ giảm nhiều hơn nữa.

Vậy làm thế nào để bù đắp?

Theo TS. Võ Trí Thành, để giảm bội chi ngân sách, hiện có ba biện pháp sau:

Biện pháp 1, nhiều người cho rằng nên tăng sản lượng khai thác, song theo ông, đây là cách không mong muốn bởi như vậy sẽ “bóc lột” tài nguyên. Và nếu giá dầu lại giảm tiếp, mà chúng ta tiếp tục khai thác nữa thì có khi lại lỗ.

PVN nói rằng với mức giá dầu 50 USD/thùng vẫn có thể chịu được bởi mức chi phí khai thác hiện nay khoảng 35 - 37 USD/thùng. Nếu chi phí khai thác các giếng dầu thấp hơn thì có thể chịu được, nhưng nếu cao hơn thì có lẽ sẽ phải đóng. Và nếu giá dầu đứng ở mức khá thấp hơn nữa thì PVN sẽ hạn chế khai thác dầu, và thay vào đó sẽ là một cách khác.

Biện pháp 2, tăng thuế, phí, lệ phí để bù đắp. TS. Võ Trí Thành cho rằng “có thể, nhưng không nên lạm dụng”. Theo ông, tốc độ giảm giá xăng dầu trong nước không như mong muốn như mức độ giảm trên thế giới. Trong quá trình phục hồi khá yếu hiện nay của doanh nghiệp thì việc hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là đầu vào rất quan trọng. Nếu lạm dụng quá mức, sự phục hồi của doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng.

Biện pháp 3, phục hồi doanh nghiệp. Doanh nghiệp phục hồi thì có thể thu thuế để bồi đắp nguồn thu. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, phục hồi tăng trưởng, tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh phát triển, từ đó tạo nguồn thu ngân sách; kết hợp đồng bộ, chặt chẽ chính sách tài khóa - tiền tệ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TS. Võ Trí Thành: Sẽ "bóc lột" tài nguyên nếu tăng sản lượng khai thác dầu