Bắc Ninh là một trong những đơn vị thí điểm thực hiện việc hòa giải, đối thoại tại Tòa án thành công. Bên lề Hội nghị triển khai công tác Tòa án 2020, PV Báo điện tử Công lý đã phỏng vấn Chánh án TAND tỉnh Bắc Ninh Phạm Minh Tuyên xung quanh vấn đề này.
PV: Là một trong những đơn vị thực hiện thí điểm hòa giải, đối thoại tại Tòa án thành công với tỷ lệ hòa giải thành cao. Vậy TAND tỉnh Bắc Ninh đã triển khai kế hoạch của TANDTC như thế nào thưa ông?
Chánh án Phạm Minh Tuyên: Trên cơ sở kế hoạch của TANDTC về việc tiếp tục và mở rộng thực hiện thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại TAND và ngay sau khi được TANDTC quan tâm lựa chọn làm thí điểm, Ban cán sự đảng TAND tỉnh Bắc Ninh đã tham mưu kịp thời cho Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo và triển khai thực hiện các nhiệm vụ thí điểm đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng yêu cầu của TANDTC.
Chánh án TAND tỉnh Bắc Ninh Phạm Minh Tuyên
TAND tỉnh Bắc Ninh, Thường trực Tỉnh ủy Bắc Ninh đã ban hành Quyết định số 934-QĐ/TU về việc thành lập Ban chỉ đạo, Tổ thư ký giúp việc cho Ban chỉ đạo triển khai thí điểm với 25 đồng chí do đồng chí Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Ban chỉ đạo cải cách Tư pháp tỉnh làm Trưởng ban, đồng chí Chánh án TAND tỉnh làm Phó Trưởng ban Thường trực và các thành viên Ban chỉ đạo gồm: đại diện Thường trực UBND, HĐND tỉnh; đại diện các ban, ngành liên quan như: Ban Nội chính, Ban Dân vận Tỉnh ủy, Sở Tài chính, Sở Tư pháp, Sở Nội Vụ, VKSND tỉnh Bắc Ninh.
Căn cứ vào tình hình thực tế, TAND tỉnh Bắc Ninh đã chủ động tham mưu cho đồng chí Trưởng ban phân công nhiệm vụ cụ thể đối với các thành viên Ban chỉ đạo.
Theo đó, Ban chỉ đạo thành lập 06 đoàn công tác phụ trách việc triển khai thí điểm ở 06 Trung tâm hòa giải, đối thoại tại TAND hai cấp tỉnh Bắc Ninh. Các đoàn công tác có trách nhiệm trực tiếp kiểm tra, đôn đốc việc chuẩn bị thành lập các Trung tâm hòa giải, đối thoại; trực tiếp chỉ đạo công tác hòa giải, đối thoại trong thời gian thực hiện thí điểm tại các đơn vị được phân công phụ trách.
Kết quả cho thấy, tổng số vụ việc Trung tâm hòa giải, đối thoại tại TAND hai cấp tỉnh Bắc Ninh đã giải quyết là 825 vụ, trong đó tiến hành hòa giải thành, đối thoại thành là 726 vụ; đạt tỷ lệ 88%.
PV: Để triển khai thành công, TAND tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức bồi dưỡng, tập huấn và thông tin tuyên truyền như thế nào thưa ông?
Chánh án Phạm Minh Tuyên: Quá trình triển khai kế hoạch, 100% thành phần tham gia hòa giải đã được tập huấn. TAND tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo gửi toàn bộ tài liệu hướng dẫn về nghiệp vụ triển khai thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải đối thoại tới tất cả Tòa chuyên trách, các Trung tâm và gửi tới các Tòa, các Hòa giải viên, Đối thoại viên để nghiên cứu trước khi tập huấn. Đảm bảo chất lượng và số lượng tham gia đúng, đủ theo yêu cầu.
Ngoài việc tạo điều kiện cho 100% Hòa giải viên, Đối thoại viên dự đầy đủ các buổi tập huấn do TANDTC tổ chức, từ ngày 17-18/12/2018, TAND tỉnh Bắc Ninh cùng với tổ chức JICA của Nhật Bản đã tổ chức thành công Hội thảo “Tăng cường kỹ năng hòa giải cho các hòa giải viên” góp phần nâng cao kỹ năng hòa giải cho các Hòa giải viên, Đối thoại viên.
Bên cạnh đó, công tác thông tin tuyên truyền về hoạt động thí điểm hòa giải, đối thoại cũng được TAND hai cấp tỉnh Bắc Ninh thực hiện thí điểm chú trọng thực hiện. Tại Hội nghị triển khai thí điểm, TAND tỉnh đã ra Thông cáo báo chí để đăng tải trên các các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương để giới thiệu và thông tin về hoạt động của các Trung tâm hòa giải, đối thoại tại TAND hai cấp tỉnh Bắc Ninh.
Trong quá trình thực hiện, TAND tỉnh đã tiếp tục phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Bắc Ninh, Báo Công lý để tuyên truyền sâu rộng. Từ đó đã nâng cao sự hiểu biết của nhân dân trong quá trình tham gia hòa giải, đối thoại tại các Trung tâm.
PV: Từ thực tế triển khai của đơn vị mình, ông có kiến nghị, đề xuất không?
Chánh án Phạm Minh Tuyên: Trên cơ sở kết quả triển khai hoạt động thí điểm trên địa bàn tỉnh thời gian qua, chúng tôi thấy có mấy vấn đề cần đề xuất, đó là:
Quốc hội sớm thông qua Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án, đồng thời sửa đổi, bổ sung một số Luật có liên quan để tạo khung pháp lý giúp cho việc giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính được nhanh chóng, góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức của Nhà nước và nhân dân; tạo sự đồng thuận và xây dựng khối đoàn kết toàn dân.
Có những hướng dẫn kịp thời và bố trí kinh phí, các điều kiện bảo đảm ngay khi Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án được thông qua để triển khai thi hành hiệu quả trên thực tiễn.
Đồng thời có biện pháp tuyển chọn các Hòa giải viên, Đối thoại viên có trình độ năng lực, am hiểu luật pháp và có nhiều kinh nghiệm để thực hiện việc hòa giải, đối thoại, đặc biệt ưu tiên những người đã từng công tác trong các cơ quan tư pháp như Tòa án, Viện Kiểm sát…
Bên cạnh đó, có cơ chế phối hợp với Liên đoàn luật sư Việt Nam trong việc tư vấn giúp các đương sự hiểu được lợi ích của việc giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện thông qua hòa giải, đối thoại.
Theo tôi, cần phải sớm thực hiện những đề xuất trên. Bởi lẽ, quá trình phát triển đất nước cũng như kinh nghiệm quốc tế cho thấy, hòa giải, đối thoại đóng vai trò đặc biệt quan trọng, là nhu cầu và đòi hỏi của xã hội để giải quyết các tranh chấp phát sinh trong đời sống. Với cách thức thân thiện, đồng thuận trên nguyên tắc chia sẻ, cảm thông, hòa giải, đối thoại góp phần hàn gắn những mâu thuẫn, rạn nứt, nâng cao ý thức pháp luật của người dân, ngăn ngừa các tranh chấp trong tương lai, tạo sự đồng thuận, xây dựng khối đoàn kết trong nhân dân, góp phần bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Hòa giải thành, đối thoại thành giúp giải quyết triệt để, hiệu quả các tranh chấp mà không phải mở phiên tòa xét xử; kết quả hòa giải thành, đối thoại thành phần lớn được các bên tự nguyện thi hành; vụ việc không phải trải qua thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm theo quy định của các luật tố tụng; tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các bên liên quan và Nhà nước; hạn chế tranh chấp, khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc trong dư luận.
Với Tòa án, đổi mới, tăng cường và nâng cao hiệu quả hòa giải, đối thoại là giải pháp căn cơ, giúp giải quyết khối lượng công việc ngày càng nặng nề, trong bối cảnh hàng năm các tranh chấp, khiếu kiện không ngừng tăng lên cả về số lượng và tính chất phức tạp.
Trân trọng cảm ơn ông!