Người Việt nhất định phải "ăn sữa”: Không chỉ là ước mơ về thể chất

Lan Trần| 04/02/2019 10:52
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sữa đang được xem là một trong những “chìa khóa” để giải bài toán thể chất. Bên cạnh đó, ngành sữa đã và đang đóng góp tích cực vào nền kinh tế của đất nước.

Trong câu chuyện cổ, cậu bé làng Gióng ăn bảy nong cơm, ba nong cà, vươn mình lớn dậy. Đó là truyện cổ tích, còn thực tế, không chỉ là cơm, là cà…để phát triển thể chất, người ta cần rất nhiều yếu tố khác nhau như gen; yếu tố vận động; dinh dưỡng. Và sữa đang được xem là một trong những “chìa khóa” để giải bài toán thể chất. Bên cạnh đó, ngành sữa đã và đang đóng góp tích cực vào nền kinh tế của đất nước.

Uớc mơ “ăn sữa”

Cao nguyên Mộc Châu một ngày trời đột ngột trở lạnh. Co ro trong giá rét, cánh nhà báo chợt tỉnh người khi được thưởng thức ly sữa tươi nóng ấm. Và trong không gian ngọt ngào mùi sữa, đặc sản của vùng đất cao nguyên, câu chuyện của người đàn ông cao lớn có cái tên thân mật là Chiến “bò” thêm thú vị.

“Đi các nước khác trên thế giới, nhất là châu Âu, tôi mới thấy rằng người ta cao có lẽ bởi dân người ta không chỉ uống sữa, mà còn ăn sữa. Đó là phomai, là bơ, là các sản phẩm được chế biến từ sữa có hàm lượng canxi rất cao…Muốn cải thiện chiều cao, người Việt nhất định phải ăn sữa”, ông Chiến “bò”tâm sự. Ông chính là Trần Công Chiến, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu.

Người Việt nhất định phải

Ở vùng đất phương nam nắng ấm, có một người cũng cả đời gắn với sữa và được mệnh danh là “Nữ hoàng sữa Việt Nam”, bà Mai Kiều Liên, thành viên Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk). Trong lần hiếm hoi chia sẻ trước truyền thông tại buổi lễ đón nhận phần thưởng "thành tựu trọn đời" do Forbes Việt Nam trao tặng, bà Mai Kiều Liên cho biết ban đầu bà ngỡ ngàng khi được lựa chọn học ngành công nghệ sữa. Thậm chí sau cả năm học tiếng Nga, bà vẫn hi vọng được chuyển ngành.                       

“Tôi xin ý kiến của ba mình về việc học ngành nào cho đúng đắn thì nhận được lời khuyên là tiếp tục học ngành sữa. Ba tôi đưa ra lời khuyên trước khi đi B chiến đấu và ông cho rằng sau chiến tranh việc cần thiết nhất vẫn là cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em và sữa chính là chìa khóa để làm chuyện này. Sau lời khuyên này thì tôi đã xác định theo đuổi ngành sữa một cách nghiêm túc”, bà Mai Kiều Liên chia sẻ.

Những con người cả đời gắn với nghề sữa như ông Trần Công Chiến hay bà Mai Kiều Liên có lẽ đều có chung niềm đau đáu về việc cải thiện dinh dưỡng cho người Việt bằng các sản phẩm từ sữa. Ông Chiến đã đi khắp các nơi học hỏi, để biến Mộc Châu hôm nay là vùng nguyên liệu sữa tốt nhất Việt Nam, là nơi cung cấp đa dạng những sản phẩm sữa được người tiêu dùng yêu thích. Với những con người như ông Chiến, sữa Mộc Châu đã ngày càng phát triển. Từ đàn bò tại nông trường chỉ vỏn vẹn 100 con bò giống nội, trong đó 24 con có khả năng cho sữa vào năm 1958, hiện các trang trại chăn nuôi bò sữa tại đây đều đạt tiêu chuẩn VIETGAP, sản lượng đạt gần 80,000 tấn/năm với quy mô lên đến hơn 23.000 con bò sữa. Theo chiến lược đã đề ra đến năm 2020, đơn vị sẽ tăng số lượng đàn bò lên tới 35,000 con và đến năm 2030 có thể đạt 70.000 - 100.000 con.

Còn bà Mai Kiều Liên, với hơn 40 năm gắn bó, bà đã biến Vinamilk từ một doanh nghiệp nhỏ với tài sản chỉ vài trăm nghìn USD trở thành công ty nằm trong top 3 cổ phần có giá trị niêm yết lớn nhất Việt Nam thời điểm hiện tại. Trong chiến lược sản xuất, bà Mai Kiều Liên luôn hướng đến mục tiêu Vinamilk phải tìm ra những sản phẩm mới có lợi cho sức khỏe của người tiêu dùng để có thể chiếm lĩnh thị trường. Cho tới nay, 90% ý tưởng sản phẩm mới được Vinamilk đưa ra thị trường hằng năm được phát triển dựa trên ý tưởng của bà. Trả lời phỏng vấn truyền thông, bà Liên cho biết : “Động lực lớn nhất mà tất cả nhân viên dồn tâm trí và sức lực xây dựng ngành sữa Việt Nam chính là làm sao để tạo nguồn dinh dưỡng phát triển thể lực trí tuệ, tầm vóc thế hệ trẻ. Điều đó đã luôn thôi thúc chúng tôi tiếp tục lao động, sáng tạo trong suốt 40 năm qua”.

Đến “Sữa học đường”

Tăng cường thể chất người Việt luôn là câu chuyện thời sự, ngay cả khi chúng ta đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Bên cạnh yếu tố về gen, về vận động thì bài toán dinh dưỡng để tăng cường thể chất cho người Việt là câu chuyện đáng phải bàn. Theo Bộ Y tế, 3 cm là chiều cao tăng lên của người Việt Nam sau hơn 1 phần tư thế kỷ. Đây là con số thấp so với hầu hết các nước trong khu vực. Chiều cao trung bình thấp hơn nhiều nước trong khu vực châu Á. Chiều cao trung bình của nam thanh niên Việt Nam hiện là 164,4 cm, thua 8 cm so với Nhật và 10 cm so với Hàn Quốc, ở nữ là 153,4 cm, thấp hơn chuẩn chung trên 10 cm. Trong 30 năm qua, người Việt Nam có cao lên nhưng không nhanh, 10 năm chỉ cao thêm được một cm.

Theo số liệu của Viện Dinh dưỡng, tỉ lệ thấp còi, suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi tại Việt Nam vẫn còn cao, khoảng 23,8%. Tức là, cứ 4 trẻ em Việt Nam dưới 5 tuổi thì có 1 trẻ bị thấp còi và suy dinh dưỡng.

Để cải thiện tình hình, ngày 8/7/2016, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1340/QĐ-TTg Phê duyệt Chương trình “Sữa học đường” cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020. Chương trình đặt ra mục tiêu đến năm 2020, 100% số học sinh mẫu giáo và tiểu học của các huyện nghèo được uống sữa theo Chương trình “Sữa học đường”. Đến nay đã có một số tỉnh, TP đã triển khai chương trình này như TP Hồ Chí Minh, Nghệ An, Quảng Ngãi…

Chuyên gia dinh dưỡng thuộc Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, chương trình dinh dưỡng học đường gồm 2 mục tiêu, một là cung cấp năng lượng, hai là bổ sung các vi chất thiết yếu còn thiếu cho trẻ. Riêng mục tiêu thứ 2 được tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) lựa chọn và thực hiện chương trình sữa học đường. Bởi sữa không chỉ là thực phẩm bổ dưỡng, nó còn đóng vai trò là chất dẫn để bổ sung các vi chất còn thiếu cho trẻ. Việc bổ sung các Vitamin, khoáng chất vào sữa về mặt khoa học sẽ thuận lợi hơn việc bổ sung khi chế biến thịt, cá... Chương trình Sữa học đường quan tâm đặc biệt đến sự đầu tư vào “lứa tuổi vàng” từ 2 – 12 tuổi, nhất là trẻ từ 2 tuổi vừa rời dòng sữa mẹ thì sữa học đường là nguồn bổ sung dinh dưỡng quan trọng bởi ở lứa tuổi này, trẻ phát triển 86% thể chất, chiều cao, trí tuệ của một đời người.

Và mục tiêu xuất khẩu cả trăm triệu USD

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia đông dân, với mức tăng dân số khoảng 1,2%/năm và thu nhập bình quân đầu người tăng 14,2%/năm. Xu thế cải thiện sức khỏe và tầm vóc của người Việt Nam đang giúp nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm sữa luôn giữ mức tăng trưởng cao. Dự báo đến năm 2020, mức tiêu thụ sữa sẽ tăng  trên 28 lít sữa/năm/người.

Hiện tại, ngành sữa đã và đang đóng góp tích cực vào nền kinh tế của đất nước với mức tăng trưởng nhanh chóng, năm sau luôn cao hơn năm trước, trung bình từ 15% - 17%/ năm. Thống kê trong năm 2017, doanh thu toàn ngành sữa đạt hơn 100.000 tỷ đồng (tăng 10,5% so với năm 2016). Trong đó, sản phẩm sữa tươi đạt hơn 1.333,4 triệu lít, sữa bột đạt 127,4 ngàn tấn. Bên cạnh đó, trong những năm qua các doanh nghiệp của ngành sữa đã không ngừng quan tâm đầu tư, nâng cấp với hệ thống dây chuyền thiết bị đồng bộ, tự động hóa, áp dụng công nghệ tiên tiến của các hãng có uy tín lớn trên thế giới như: Tetra Pak, Delaval (Thụy Điển), APV (Đan Mạch), DEA, Benco Pak (Italia), Combibloc (Đức)... Xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001- 2008 và hiện đa số các doanh nghiệp đã và đang triển khai hệ thống quản lý chất lượng theo ISO 22.000, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng HACCP. Nhiều doanh nghiệp đã liên kết với các viện nghiên cứu về dinh dưỡng trong và ngoài nước tạo ra nhiều sản phẩm đáp ứng tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Đặc biệt, trong thời gian qua một số doanh nghiệp đã hướng đầu tư sản xuất ra nước ngoài, xuất khẩu sang một số nước ở châu Á và Trung Đông chủ yếu với dòng sản phẩm như sữa nước, sữa chua… 

Ông Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam, nhận định tiềm năng của ngành sữa nói chung và nhu cầu dinh dưỡng thông thường, dinh dưỡng dùng y học (dùng cho trẻ nhỏ, người già và người bệnh)... nói riêng còn rất lớn. Mặt khác, quy hoạch Phát triển ngành công nghiệp chế biến sữa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025; trong đó, đặt mục tiêu đến năm 2020 sản xuất 2,6 tỷ lít, mức tiêu thụ 27 lít/người/năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 120 - 130 triệu USD và đến năm 2025 sản xuất 3,4 tỷ lít, mức tiêu thụ 34 lít/người/năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 150 - 200 triệu USD, sẽ tạo động lực cho các doanh nghiệp ngành sữa không ngừng quan tâm đầu tư nguồn nguyên liệu trong nước. Đồng thời, nâng cao dây chuyền sản xuất hiện đại, nghiên cứu tạo ra nhiều sản phẩm đáp ứng đa dạng cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Hiện sản phẩm sữa Việt Nam không chỉ cung ứng cho thị trường nội địa mà đã vươn mạnh ra các thị trường thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, khu vực châu Âu, Trung Đông.

 Ngành sữa đã và đang đóng góp tích cực vào nền kinh tế của đất nước với mức tăng trưởng nhanh chóng, năm sau luôn cao hơn năm trước, trung bình từ 15% - 17%/ năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người Việt nhất định phải "ăn sữa”: Không chỉ là ước mơ về thể chất