Vấn đề quan tâm

Kiến nghị chuyển Bộ Công an điều tra dấu hiệu vi phạm trong thoái vốn đầu tư của TCT Viwaseen

Bùi Anh 14/07/2023 20:13

Qua thanh tra, Thanh tra Chính phủ (TTCP) kiến nghị chuyển thông tin, tài liệu vụ việc có dấu hiệu vi phạm trong việc thoái vốn đầu tư của TCT Viwaseen tại Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng Viwaseen – Huế sang Bộ Công an để điều tra xử lý theo quy định.

viwaseen-1.png

Thanh tra việc thực hiện sắp xếp lại, cổ phần hóa, thoái vốn các doanh nghiệp Nhà nước thuộc Bộ Xây dựng, TTCP đã phát hiện nhiều vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai, tài chính, có nguy cơ gây thất thoát vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Cụ thể, thanh tra về việc thoái vốn đầu tư của Tổng công ty Đầu tư nước và môi trường Việt Nam (TCT Viwaseen) tại Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Viwaseen – Huế (Viwaseen Huế), TTCP cho biết, ngày 18/6/2014 TCT Viwaseen có Văn bản số 544/CTN-HĐTV gửi Bộ Xây dựng đề nghị thoái toàn bộ vốn của TCT Viwaseen tại Viwaseen Huế.

Theo đó, ngày 29/09/2014, Bộ Xây dựng có Văn bản số 2892/BXD-QLDN đồng ý và TCT Viwaseen đã thoái toàn bộ vốn đầu tư của TCT Viwaseen tại Viwaseen Huế.

Tuy nhiên, qua kiểm tra cho thấy, trước đó ngày 05/7/2013, Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 652/QĐ-BXD phê duyệt Đề án tái cơ cấu TCT Viwaseen giai đoạn 2013 – 2015 thì TCT Viwaseen tiếp tục nắm giữ từ 36% vốn điều lệ trở lên tại 05 đơn vị, trong đó có Viwaseen Huế.

Do đó, việc Bộ Xây dựng có Văn bản số 2892/BXD-QLDN đồng ý cho TCT Viwaseen thoái toàn bộ vốn góp tại Viwaseen Huế là không đúng với Quyết định 652/QĐ-BXD của chính Bộ Xây dựng trước đó.

Đáng chú ý, tại thời điểm thoái vốn, Viwaseen Huế đang quản lý, sở hữu khách sạn Heritage Huế đạt chuẩn 3 sao tại vị trí trung tâm thành phố Huế; là chủ đầu tư Dự án siêu thị và cao ốc văn phòng tại ngã 6 giao lộ đường Lý Thường Kiệt – Hà Nội – Nguyễn Tri Phương, thành phố Huế;

Đồng thời đang cung cấp các sản phẩm bê tông thương phẩm các loại thuộc dự án trạm trộn bê tông thương phẩm công suất 90m3/h tại tiểu khu CN&LN Thủy Phương (thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên Huế); dự án khai thác mỏ đá làm vật liệu xây dựng tại huyện Hương Trà, Thừa Thiên Huế…;

Theo báo cáo kết quả tư vấn của Công ty cổ phần chứng khoán Đại Dương (OCS) tại thời điểm đó về xác định giá cổ phiếu, mức giá tham chiếu định giá cổ phiếu Viwaseen Huế theo phương pháp áp dụng mức P/B trung bình các công ty có trọng số của ngành bất động sản, khách sạn và ngành xây dựng có giá tham chiếu là 13.314 đồng/cp.

Tuy nhiên, TTCP cho biết, Hội đồng quản trị TCT Viwaseen đã không xem xét, áp dụng mức giá tham chiếu theo kết quả định giá nêu trên với giá trị cổ phiếu kì vọng là 13.314 đồng/cp, mà TCT Viwaseen đã phê duyệt;  Viwaseen Huế đã bán chuyển nhượng cổ phần với giá 10.000 đồng/cp, theo hình thức thỏa thuận trực tiếp, không qua đấu giá hoặc chào bán công khai, không đảm bảo nguyên tắc thị trường.

Theo TTCP, việc TCT Viwaseen đã phê duyệt và Viwaseen Huế đã bán chuyển nhượng cổ phần theo hình thức thỏa thuận trực tiếp như vậy là vi phạm quy định tại Khoản 2, Phần II, Quyết định 929/QĐ-TTg ngày 17/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ; và khoản 1,2 Điều 13, tiết c khoản 4 Điều 14 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 11/7/2013 của Chính phủ.

“Chênh lệch giữa giá bán chỉ định 10.000 đồng/cp với mức giá 13.314 đồng/cp do tư vấn định giá, số tiền (tạm tính) là hơn 7,1 tỷ đồng, nguy cơ gây thất thoát vốn nhà nước tại doanh nghiệp, phải được xử lý theo quy định” – TTCP cho biết.

Theo đó, TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo chuyển thông tin, tài liệu vụ việc vi phạm quy định trong việc thoái vốn đầu tư của TCT Viwaseen tại Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Viwaseen – Huế có dấu hiệu vi phạm Điều 219 Bộ Luật hình sự năm 2015 sang Bộ Công an để điều tra xử lý theo quy định.

“Điều 219 Bộ luật hình sự 2015 quy định: Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí:

1. Người nào được giao quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước mà vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản, gây thất thoát, lãng phí từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm:

a) Vì vụ lợi;

b) Có tổ chức;

c) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

3. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiến nghị chuyển Bộ Công an điều tra dấu hiệu vi phạm trong thoái vốn đầu tư của TCT Viwaseen