Ngày 1/6, TAND TP Hà Nội đã mở phiên toà xét xử và tuyên phạt bị cáo Đỗ Văn Khoa (SN 1964, trú tại huyện Ba Vì, TP Hà Nội, Kiểm sát viên Viện KSND huyện Ba Vì, hiện đang bị đình chỉ công) tác mức án 3 năm tù về tội “Nhận hối lộ”.
Theo cáo trạng truy tố, ngày 11/2/2018, Cơ quan CSĐT Công an huyện Ba Vì (Hà Nội) đã ra Quyết định khởi tố vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; ngày 8/5/2018, Quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Thị Bích Thủy về tội danh nêu trên.
Theo đó, ngày 26/2/2018, Viện KSND huyện Ba Vì đã phân công Kiểm sát viên Đỗ Văn Khoa thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết vụ án hình sự trên.
Ngày 12/9/2018, Viện KSND huyện Ba Vì phân công Kiểm sát viên Nguyễn Thái Bình thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết vụ án hình sự thay cho Kiểm sát viên Đỗ Văn Khoa.
Ngày 24/7/2019, TAND huyện Ba Vì xét xử sơ thẩm và ra Bản án , quyết định xử phạt Nguyễn Thị Bích Thủy 9 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Sau khi có đơn kháng cáo của Thủy, TAND TP.Hà Nội xét xử phúc thẩm nhưng không chấp nhận kháng cáo, tuyên y án sơ thẩm đối với Nguyễn Thị Bích Thủy. Hiện Thủy đang chấp hành án phạt tù tại Trại giam Thanh Xuân, Bộ Công an.
Tuy nhiên, trước đó, ngày 23/5/2019, Cơ quan Điều tra Viện KSNDTC nhận được đơn của Nguyễn Thị Bích Thủy tố cáo anh Giang Tiến Đ, cán bộ Công an huyện Ba Vì có hành vi điều tra không khách quan.
Sau đó, Cơ quan điều tra Viện KSNDTCT nhận được Công văn của Thanh tra Viện KSND TP.Hà Nội chuyển giải quyết theo thẩm quyền đơn của Nguyễn Thị Bích Thủy, tố cáo Đỗ Văn Khoa là Kiểm sát viên Viện KSND huyện Ba Vì có hành vi đòi Thủy phải đưa cho Khoa 430 triệu đồng để được giúp giảm án.
Quá trình điều tra đã xác định được, trong thời gian CQĐT Công an huyện Ba Vì giải quyết tố giác theo đơn của anh Hán Danh P. và anh Lê Văn T. tố cáo Nguyễn Thị Bích Thủy, Thủy có gặp Đỗ Văn Khoa ở ngoài hành làng trụ sở Công an và nói với Khoa về việc bên Công an đòi Thủy đưa số tiền 150 triệu đồng để “làm trắng hồ sơ”.
Sau khi trao đổi, Thủy nói sẽ đưa tiền cho Khoa và giữa tháng 8/2017, Thủy tìm đến nhà Khoa đưa số tiền 20 triệu đồng. Sau đó, Khoa hẹn Thủy đưa tiếp 20 triệu đồng nữa, còn 120 triệu đồng hẹn 1 tháng sau đưa nốt. Tuy nhiên, Thuỷ không thực hiện việc đưa thêm tiền cho Khoa.
Tiếp đến, Nguyễn Thị Bích Thủy đã chủ động đến nhà Đỗ Văn Khoa nói về việc đã đưa cho Khoa số tiền 20 triệu đồng và có ghi âm làm bằng chứng; điều này được Khoa thừa nhận và Thủy không đưa thêm tiền nữa. Tại cuộc nói chuyện này, Thủy nhờ Khoa lo giảm án và được Kiểm sát viên này đồng ý, đồng thời bảo Thủy chuẩn bị số tiền 430 triệu đồng để đưa cho Khoa.
Ngày 12/8/2018, Thủy gọi điện cho Khoa và nói đã chuẩn bị được 100 triệu đồng và được Khoa hẹn tại cổng Công an huyện nhưng thực chất, Thủy không đến và cũng không có ý định đưa tiền cho Khoa.
Tại CQĐT, Đỗ Văn Khoa chỉ thừa nhận hành vi đã nhận của Thủy 20 triệu đồng và 13 quả trứng đà điểu. Việc này là do Thủy nhờ Khoa cầm hộ; đồng thời không thừa nhận hành vi đòi Thủy đưa hối lộ để giúp người này không bị khởi tố.
Trên cơ sở tài liệu điều tra chỉ có đủ căn cứ xác định Đỗ Văn Khoa đã có hành vi đòi Thủy đưa tiền để giúp Thủy không bị khởi tố, Khoa đã nhận của Thủy 20 triệu đồng và 13 quả trứng đà điểu trị giá 2,34 triệu đồng.
Trong quá trình điều tra, Khoa đã tự nguyện nộp lại số tiền 20 triệu đồng để khắc phục hậu quả.
Đối với nội dung tố cáo của Nguyễn Thị Bích Thủy về việc Đỗ Văn Khoa đòi đưa số tiền 430 triệu đồng để lo giảm án cho Thủy, qua điều tra, Khoa không thừa nhận và Thủy cũng không có tài liệu chứng minh. Thủy khai số tiền này Thủy không có ý định đưa cho Khoa mà cố tình đến nhà Khoa nói như vậy để ghi âm.
Như vậy, CQĐT xác định Khoa không có hành vi đòi số tiền này mà Thủy là người chủ động đặt vấn đề để thỏa thuận; và thực tế thỏa thuận này không được thực hiện, Khoa không có tác động gì đến việc giải quyết vụ án. Vì vậy, các nội dung tố cáo này của Thủy không có căn cứ để xử lý.
Bên cạnh đó, CQĐT cũng đã làm rõ hành vi của Nguyễn Thị Bích Thủy đưa số tiền 20 triệu đồng và 13 quả trứng đà điểu cho Đỗ Văn Khoa là hành vi đưa hối lộ; tuy nhiên Thủy đã chủ động làm đơn tố cáo sự việc, cung cấp chứng cứ… nên căn cứ theo quy định của pháp luật, CQĐT Viện KSNDTC không khởi tố về hành vi “Đưa hối lộ” đối với Thủy là có căn cứ.
Trước HĐXX, bị cáo Khoa cho rằng mình bị truy tố tội “Nhận hối lộ” là quá nặng. Bị cáo thừa nhận có nhận tiền của Thủy, song với mục đích "gom" để trả cho người tố giác chị này, chứ không chi tiêu cá nhân, không "vòi vĩnh, sách nhiễu".
Bị cáo Khoa khai, trước khi tiếp nhận vụ án của Thủy, hai người không hề quen biết nhau. Một người quen chung của hai người đã đến nhà bị cáo nhờ giúp đỡ Thủy, chỉ bảo là "giúp được đến đâu thì giúp" chứ không nói rõ để nhẹ tội hay thoát tội.
Về 13 quả trứng đà điểu, bị cáo nói, do biết Thủy ở gần trang trại chăn nuôi, nên nhờ chị này mua hộ để ăn, khẳng định "Hai lần hỏi hết bao nhiêu tiền để trả, nhưng Thủy bảo không lấy tiền".
Đối chất tại tòa, Thủy khai "không tự nhiên đi mua 13 quả trứng đà điểu" mà làm theo yêu cầu của ông Khoa. Theo đó, Thủy phải chuẩn bị 13 túi quà gồm 13 quả trứng và 13 phong bì tiền mặt để "đưa cho lãnh đạo, nhờ giúp" việc của Thủy.
Tổng trị giá 13 quả trứng và 13 túi quà, Thủy ước tính hơn 20 triệu đồng. Thủy còn khai tại tòa, trong quá trình điều tra đã bị ông Khoa nhiều lần gọi điện giục, thúc ép đòi gặp và đưa tiền. Song bị cáo Khoa khẳng định: "Tôi gọi điện thoại nhiều lần nhưng không phải để thúc giục Thủy mang tiền ra cho tôi mà để Thủy ra làm việc".
Trong lời sau cùng, bị cáo Khoa thừa nhận "vô cùng đau đớn và ân hận" và cho hay gia đình bị cáo đàng hoàng, không việc gì phải đò đưa vài đồng.
Sau khi nghị án, căn cứ vào toàn bộ hồ sơ vụ án, các tình tiết liên quan cũng như diễn biến tại phiên toà, HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội đã quyết định tuyên phạt bị cáo Đỗ Văn Khoa mức án và tội danh như đã nêu trên.